Từ ngày 10/2 - 8/3, chương trình Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ của JICA đã triển khai khóa đào tạo với chủ đề Phát triển công nghiệp thông qua các nguồn lực địa phương (xúc tiến du lịch) theo phương thức trực tuyến và trực tiếp tại Việt Nam.
Khóa học được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng |
Tham gia khoá học, 12 học viên là cán bộ Đoàn, kỹ sư công nghệ, chuyên viên ngành du lịch đã tìm hiểu và trao đổi các kinh nghiệm, mô hình xoay quanh chủ đề nỗ lực hợp tác công tư để xúc tiến du lịch; xúc tiến du lịch gắn với phát triển bền vững; xúc tiến du lịch sử dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Các học viên cũng đã được các chuyên gia giới thiệu, trao đổi về chính sách du lịch và các tiềm năng trở thành "quốc gia phát triển về du lịch" của Nhật Bản; kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái ở vùng Urabandai (Nhật Bản) trong việc đảm bảo sự hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế để phát triển bền vững; cải cách, tái cấu trúc vùng du lịch.
Các giảng viên, chuyên gia tại Nhật Bản chia sẻ trong khoá học. Ảnh: Xuân Tùng |
Trong khóa học còn có hoạt động tham quan, tìm hiểu mô hình du lịch gắn với lịch sử, văn hóa tại các địa phương ở Hà Nội. Các học viên đã đến thăm Đền thờ Hai Bà Trưng - Di tích Quốc gia đặc biệt ở huyện Mê Linh, hiểu hơn về công lao của hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị trong việc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán giành lại nền độc lập dân tộc.
Tại Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) các học viên đã được giới thiệu về văn hóa lịch sử của làng nghề, quy trình làm gốm, trao đổi với nghệ nhân làm gốm, thăm Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Các học viên khóa học tham quan thực tế ở Đền thờ Hai Bà Trưng, mô hình trồng lan. Ảnh: Xuân Tùng |
Các học viên tham quan tìm hiểu làng nghề Bát Tràng. Bà Phạm Thị Thu Hoài - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng đã giới thiệu về địa phương và nghề làm gốm ở Bát Tràng. Anh Nguyễn Quang Cảnh lớp trưởng đại diện các học viên tặng quà lưu niệm tới xã Bát Tràng. Ảnh: Xuân Tùng |
Ứng dụng số xúc tiến du lịch
Các học viên đã chia nhóm xây dựng kế hoạch hành động xúc tiến du lịch gắn với thực tế địa phương, công việc chuyên môn. Trong đó, nhiều ý tưởng kế hoạch xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Nhóm học viên Nguyễn Quan Cảnh, Võ Tấn Phát và Trần Thúy Quỳnh lên ý tưởng xây dựng "Hệ thống app du lịch thông minh" trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Đại diện nhóm, chị Trần Thúy Quỳnh cho biết, ý tưởng xây dựng app du lịch thông minh sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu mô hình du lịch tại địa phương, đồng thời bảo tồn, giữ gìn văn hóa, lịch sử truyền thống.
App du lịch thông minh không chỉ là kênh thông tin, giới thiệu các dịch vụ, tour du lịch trải nghiệm, làng du lịch cộng đồng... mà sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lưu trú xây dựng hệ thống đặt phòng nghỉ, thanh toán trực tuyến; kinh doanh trực tuyến các sản phẩm đặc trưng của các làng du lịch cộng đồng.
Chị Trần Thúy Quỳnh thuyết trình về kế hoạch hành động của nhóm. Ảnh: Xuân Tùng |
Cùng ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ số vào xúc tiến du lịch, nhóm học viên Phạm Trường, Phạm Văn Nam và Mai Trọng Nghĩa đã xây dựng kế hoạch hành động là "Bản đồ số FoodTour Hải Phòng".
Đại diện nhóm, anh Phạm Trường cho biết, Food Tour đang dần trở thành thương hiệu du lịch mới của Hải Phòng và việc số hóa bản đồ này là việc mà nhóm đang quan tâm hướng đến để xúc tiến du lịch của thành phố trong thời gian tới. Việc số hóa Food Tour sẽ giúp du khách trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu được các dịch vụ, ẩm thực trên địa bàn thành phố.
Theo anh Trường, kế hoạch hành động này có tính khả thi cao. "Tôi rất tự tin dự án này vì đã có nền tảng là bản đồ Food Tour bằng giấy đã và đang triển khai tại thành phố. Mỗi du khách đến sẽ là một kênh lan tỏa về bản đồ số thông qua việc check-in, chụp hình đăng tải lên mạng xã hội. Đồng thời, thành phố Hải Phòng đang hướng tới thành phố du lịch gắn với chuyển đổi số".
Anh Phạm Trường thuyết trình kế hoạch hành động của nhóm. Ảnh: Xuân Tùng |
Nhóm ba học viên Vũ Hà Giang, Mai Xuân Tùng và Lê Tuấn Tú hướng đến việc xúc tiến du lịch thông qua tổ chức hoạt động khuyến khích thanh niên khởi nghiệp du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững tại các địa phương. Kế hoạch hướng đến thúc đẩy thanh niên góp phần phát triển du lịch cộng đồng đảm bảo các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa... từ đó, phát huy các giá trị bản sắc dân tộc, thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam.
Chị Vũ Hà Giang cho biết, kế hoạch sẽ tập hợp, thu hút, giáo dục lực lượng thanh niên quan tâm, phát triển, khởi nghiệp du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững tại địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông trực tiếp và gián tiếp tới thanh niên.
"Thanh niên khởi nghiệp du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế địa phương, bảo tồn, tái tạo văn hóa và môi trường sinh thái. Để tập hợp thanh niên tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, nhóm đề xuất tổ chức chương trình thanh niên khởi nghiệp du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững tại các địa phương; cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp...; xây dựng chuyên trang, chuyên mục liên quan đến khởi nghiệp du lịch cộng đồng, phát triển bền vững", chị Giang nói.
Chị Vũ Hà Giang thuyết trình kế hoạch xúc tiến du lịch của nhóm. Ảnh: Xuân Tùng |
Nhóm chị Hoàng Long Như Mơ, Nguyễn Thanh Quang và Nguyễn Thị Huế đã xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch từ ý tưởng trải nghiệm nhà sàn giữa rừng mơ nhằm phát huy lợi thế về văn hóa, tự nhiên và nông sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kế hoạch hướng đến bước đầu sẽ thu hút khách tham quan rừng mơ, còn lâu dài du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm từ trồng cây, thu hoạch quả, ngắm hoa chụp ảnh, tạo ra các sản phẩm từ quả mơ; lan tỏa tình yêu thiên nhiên và quan tâm, giữ gìn các nét văn hóa của đồng bào các dân tộc ở vùng cao.
Chị Hoàng Long Như Mơ chia sẻ ý tưởng xúc tiến du lịch tại khóa học. Ảnh: Xuân Tùng |
Khóa học bế giảng ngày 8/3 |
Chương trình Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển hợp tác quốc tế thanh niên (CYDECO) thuộc T.Ư Đoàn thực hiện. Với chủ đề khóa đào tạo năm nay Xúc tiến du lịch, Ban Tổ chức mong muốn mang tới những góc nhìn mới và những gợi ý hữu ích trong việc xúc tiến du lịch giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời tạo sự kết nối giữa những người tham gia của hai nước, góp phần đóng góp phát triển du lịch của Việt Nam, Nhật Bản.
Xuân Tùng