Ứng dụng AI vào lĩnh vực hành chính công

28/02/2023, 10:30

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Trên những kết quả đạt được, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng của bộ máy công quyền.

Bình Tân là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của Thành phố trong những năm vừa qua. Kể từ khi được thành lập, dân số quận Bình Tân đã phát triển với tốc độ rất nhanh, tăng gần 111% trong vòng 17 năm, kể từ năm 2004 đến 2021. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu xây dựng nhà ở rất lớn. Nhiều năm qua, quận luôn nằm trong nhóm các địa phương cấp giấy phép xây dựng cao nhất của Thành phố. Từ năm 2010-2020, số lượng giấy phép xây dựng được Ủy ban nhân dân quận Bình Tân cấp hằng năm luôn đạt hơn 6.000 giấy phép. Bên cạnh các dự án phát triển nhà ở và số lượng nhà ở riêng lẻ được cấp phép xây dựng, có một số lượng không ít các công trình vi phạm về trật tự xây dựng. Mặc dù quận Bình Tân cùng các phường đã có nhiều nỗ lực, nhưng do đặc thù địa bàn rộng, lực lượng cán bộ, công chức quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế về cả số lượng lẫn chất lượng nên tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra khá phức tạp. Thực trạng này đặt ra rất nhiều thách thức cho quận trong việc quản lý trật tự xây dựng, nhất là tại các khu vực quy hoạch đất công trình công cộng, vốn thường nằm ở các khu vực chưa được đầu tư hạ tầng và khó tiếp cận.

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2022, quận Bình Tân phối hợp Phòng Thí nghiệm truyền thông đa phương tiện (Trường đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng "Không ảnh tích hợp Bình Tân". Ứng dụng được xây dựng với ý tưởng chủ đạo là tích hợp nhiều lớp dữ liệu GIS (hệ thống thông tin địa lý) trên cùng một nền bản đồ số để hỗ trợ cán bộ quản lý xác định quá trình phát triển đô thị của quận nói chung và của từng công trình cụ thể. Ứng dụng hiện có 27 lớp dữ liệu gồm 17 lớp dữ liệu không ảnh và 10 lớp dữ liệu chuyên đề. Đây là bước đột phá giúp cán bộ quản lý xây dựng có thể phát hiện nhanh các khu vực có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng thông qua hình ảnh từ ứng dụng "Không ảnh tích hợp Bình Tân". Theo Ths Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, thông qua thực tiễn áp dụng tại quận Bình Tân, AI đã chứng minh được tính hiệu quả thuyết phục trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý địa phương phát hiện các công trình nhà ở vi phạm trật tự xây dựng tại các khu vực không phù hợp quy hoạch. Giải pháp đã giúp cán bộ quản lý tiết kiệm đáng kể thời gian đi kiểm tra thực địa cũng như tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý.

Thành phố là một trong những địa phương có số dân đông nhất cả nước với khoảng 10 triệu người. Số lượng người dân lớn đồng nghĩa với số lượng yêu cầu, hồ sơ, thủ tục cần phải giải quyết rất lớn mỗi ngày. Ứng dụng AI vào quản lý khu vực công góp phần giải quyết tình trạng quá tải hồ sơ, thiếu nhân lực, đơn giản hóa công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân, phát huy vai trò giám sát của người dân, tăng tính công khai, minh bạch… Năm 2022, Thành phố thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện với việc phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính quyền số. Đồng thời, thực hiện thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, đất đai, nhà ở… phục vụ hoạt động quản lý nhà nước. Thành phố cũng triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối chính thức, chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương này đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng AI trong quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.

Giảng viên Lã Minh Thông, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố là một trong những địa phương tiên phong cả nước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, AI vào lĩnh vực công để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Thành phố đặt tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn bộ hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Đồng thời, vạch ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 phấn đấu tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% công việc ở cấp quận, huyện và 95% hồ sơ cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng… Điều đó đã khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo với quyết tâm tạo động lực mới cho Thành phố tăng trưởng trong tương lai.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO