Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Đồng bằng sông Cửu Long

23/03/2022, 10:32

Là bản quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới...

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên thực hiện theo Luật Quy hoạch, và cũng sẽ là cơ sở quan trọng cho các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh một cách đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, Quy hoạch xác định tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. 

Đặc biệt là phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. 

Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh câu chuyện này.

Chính phủ vừa ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này có ý nghĩa như thế nào đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thưa Thứ trưởng?

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng lãnh thổ có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất mà còn là một vùng động lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển khá, đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước. Đồng thời vùng này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Vì vậy, Quy hoạch được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những thách thức này để từng bước đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có và trở thành vùng kinh tế quan trọng của cả nước.

Với kỳ vọng như vậy, quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đưa ra trong bản quy hoạch lần này là như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Để đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra quan điểm phát triển là lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; để từ đó chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với chuyển đổi mô hình sinh kế, Vùng cũng từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số.

Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hoá, công nghiệp hoá tạo ra sự phát triển đột phá. 

Đặc biệt, đẩy mạnh tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, nhất là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, thủy lợi và hạ tầng xã hội.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; chú trọng việc đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, biên giới, vùng biển và hải đảo.

Với mục tiêu đến năm 2030 Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là việc phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Với rất nhiều mục tiêu đặt ra, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiến hành những công việc nào tiếp theo để triển khai Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt?

Việc phê duyệt quy hoạch mới là khởi đầu cho cả giai đoạn 10 (2021-2030), hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị công bố rộng rãi đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong vùng; tiếp theo Bộ sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch với các giải pháp cụ thể về nguồn lực để sớm đưa quy hoạch được triển khai trong thực tiễn. Đồng thời, tổ chức các cuộc đào tạo, hướng dẫn và xúc tiến đầu tư...

Để quy hoạch được triển khai, thực hiện có hiệu quả, không chỉ có nỗ lực của riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan… Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Điều này rất quan trọng. Bất cứ quy hoạch nào đều cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành và địa phương liên quan. Hiện nay, các bộ cũng đang vào cuộc để đồng hành phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Bộ Giao thông vận tải đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; An Lãnh – Cao Hữu là các tuyến cao tốc động lực của vùng).

Bên cạnh đó, nguồn lực cho đầu tư phát triển cho cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rất hạn hẹp, nên sự vào cuộc của các bộ ngành, sự tham gia tích cực của các tỉnh, còn có sự tham gia quan trọng của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Đây là quy hoạch đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc hoàn thiện các bản quy hoạch tiếp theo theo đúng “tinh thần” của Luật Quy hoạch cũng như tiến độ triển khai được Bộ trưởng nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây?

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là quy hoạch vùng đầu tiên được duyệt theo Luật Quy hoạch 2017. Do đó, sẽ là kinh nghiệm tốt để triển khai lập quy hoạch 5 vùng còn lại và giúp cho 13 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai lập quy hoạch tỉnh đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng. Từ đó, sẽ giúp cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai lập quy hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 119 của Chính phủ.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO