Tư duy về dữ liệu "lên ngôi", doanh nghiệp phải tiếp cận thế nào để hiệu quả?

06/07/2023, 11:00

DNVN - Dữ liệu được coi là "trái tim" của tiến trình chuyển đổi số, là nền tảng, cơ sở mang tính quyết định cho tiến trình này thành công. Do đó, cách tiếp cận dữ liệu để khai thác tối đa giá trị của nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng với doanh nghiệp.

"Trái tim" của chuyển đổi số

Tại diễn đàn "Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia" với chủ đề "Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI" do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội, các diễn giả có chung nhận định, dữ liệu có vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số.

Ông Trần Tịnh Minh Triết - Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam cho rằng, dữ liệu là “trái tim” của chuyển đổi số. Dữ liệu càng lớn, càng chính xác thì sẽ tạo ra những giá trị kinh tế, việc làm nhiều hơn.

Giám đốc Công nghệ MoMo Thái Trí Hùng nhấn mạnh, “bánh xe” dữ liệu luôn vận hành, quá trình vận hành càng nhanh thì giá trị tạo ra càng lớn. Dữ liệu được coi là “dầu mỏ” mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong chuyển đổi số.

Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số khẳng định, dữ liệu là nền tảng, là cơ sở và là nguồn lực quyết định để tiến trình chuyển đổi số thành công.

"Để bảo đảm chuyển đổi số cần thực hiện một cách đồng bộ. Muốn có dữ liệu đúng, đầy đủ, chất lượng và kịp thời thì dữ liệu phải mở. Trong khi đó, thách thức lớn nhất, tắc nghẽn đầu tiên của Việt Nam hiện nay là dữ liệu không mở, nền tảng không mở. Tắc nghẽn đầu tiên là không mở", ông Giang nêu.

Khi tư duy về dữ liệu "lên ngôi"

Chia sẻ về tư duy dữ liệu trong kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm nội dung số, theo Tổng Giám đốc VieON Huỳnh Long Thuỷ, hiện nay, các sản phẩm về công nghệ được phát triển và đưa lên không gian mạng ngày càng nhiều. Theo vào đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt.

Do đó, tư duy về dữ liệu và sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm bắt đầu được chú ý đến và được quan tâm nhiều hơn. Để một ứng dụng hay sản phẩm đạt được thành công thì bắt buộc phải chú ý đến yếu tố kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên dữ liệu…

“Một trong yếu tố tiên quyết trong việc triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu đó là bảo mật thông tin dữ liệu và sự tuân thủ các quy định về an toàn thông tin và dữ liệu. Vì vậy, khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn, cần đặc biệt chú ý về việc xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ, các điều khoản quy định dịch vụ với người sử dụng sản phẩm phải luôn tuân thủ các luật và nghị định", ông Huỳnh Long Thuỷ nhấn mạnh.

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn.

Cũng theo ông Thủy, trong môi trường hoạt động kinh doanh, thông tin về dữ liệu của thị trường và ngành nghề kinh doanh rất quan trọng cho việc hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống thu thập thông tin thị trường là rất cần thiết. Thông tin dữ liệu có thể là thăm dò, khảo sát thị trường, lắng nghe về dịch vụ sản phẩm của doanh nghiệp trên mạng xã hội, hoặc về các chiến lược quảng cáo, khuyến mại của các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Các thông tin này sẽ giúp cho việc ra quyết định điều hành đúng và cần thiết trong mọi thời điểm.

Một yếu tố rất quan trọng trong việc quản trị và vận hành sản phẩm nội dung số đó là xây dựng hành trình trải nghiệm sảm phẩm của người dùng. Bằng cách đặt các điểm chạm xuyên suốt trong ứng dụng nội dung số sẽ giúp cho hệ thống có thể thu thập chính xác tất cả các hành vi của người dùng. Từ việc thu thập các thông tin trải nghiệm của người dùng trên sản phẩm số, nhà cung cấp có thể thấu hiểu các mong đợi của người dùng và từ đó đưa ra được giải pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn cho sản phẩm.

Ngoài ra, việc ra quyết định dựa vào dữ liệu thay thế cho việc ra quyết định bằng cảm tính sẽ giúp cho doanh nghiệp an toàn hơn về mặt điều hành và giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về định hướng và sự phát triển của công ty.

"Hiện nay, các sản phẩm về công nghệ được phát triển và đưa lên không gian mạng ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt. Theo đó, tư duy về dữ liệu và sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm bắt đầu được chú ý đến và được quan tâm nhiều hơn. Để một ứng dụng hay sản phẩm đạt được thành công thì bắt buộc phải chú ý đến yếu tố kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên dữ liệu", ông Thủy nhấn mạnh.

Các bước tiếp cận dữ liệu

Từ việc đánh giá vai trò to lớn của dữ liệu, chuyên gia Trần Tịnh Minh Triết - Giám đốc giải pháp (SAP Việt Nam) chia sẻ, các doanh nghiệp, tập đoàn trước khi đi đến quyết định tiếp cận dữ liệu, ra chiến lược về dữ liệu, doanh nghiệp cần phải trả lời một số câu hỏi. Bao gồm: mục đích kinh doanh của mình là gì, KPI đạt được ra sao, ưu tiên họ cần giải quyết là gì và hiện có những vấn đề gì doanh nghiệp chưa giải quyết được cần phải xử lý?

Dựa trên những câu hỏi và câu trả lời này, doanh nghiệp tìm ra công cụ để giải quyết. Có thể công cụ bằng con người, máy móc hoặc bằng dữ liệu.

Chuyên gia Trần Tịnh Minh Triết - Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam.

"Như vậy ít nhất DN phải có tư duy về chiến lược kinh doanh, từ đó mới tư duy về chiến lược dữ liệu. Khi đã có tư duy chiến lược dữ liệu mình cần rồi, DN biết ở đâu thì vấn đề là làm sao DN lấy được dữ liệu? Làm sao để ghép dữ liệu đó vào hoạt động của DN? Ghép dữ liệu bằng công cụ gì, ở đâu, nguồn nào?", ông Triết nêu.

Bước tiếp cận tiếp theo là đánh giá chất lượng dữ liệu như thế nào, có đúng loại DN cần hay không? Ai là người chịu trách nhiệm lấy dữ liệu để trả lời?

"Tóm lại, để tiếp cận dữ liệu khi tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp cần biết dữ liệu là gì? Lấy dữ liệu ở đâu? Quản trị dữ liệu ra sao? Từ đó mới phân tích dữ liệu, quyết định xem cần bao nhiêu nguồn lực? Phải tối ưu hóa quy trình kinh doanh nào?", ông Triết khuyến nghị.

Nguyệt Minh

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO