UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch ASEAN.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế là khoảng hơn 80 đến hơn 90.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 21.721 tỷ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng 60-70.000 tỷ đồng.
Chương trình đề ra những chỉ tiêu cụ thể trong việc phát triển du lịch Thừa Thiên Huế. Trong đó, đến năm 2025, tỉnh có 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao, kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao.
Bên cạnh đó, ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách đến Thừa Thiên Huế, khách quốc tế chiếm khoảng 45-50%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày, suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch, trong đó có việc tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh.
Cụ thể, Thừa Thiên Huế tập trung nguồn lực để chuyển đổi số trong ngành du lịch với quan điểm xuyên suốt là xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Tỉnh xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thành các phần mềm, giải pháp số để quản lý chuyên ngành du lịch theo hướng điện tử, liên thông, dùng chung dữ liệu, nhất là trong các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên...; hoàn thiện Trung tâm Giám sát điều hành du lịch thông minh.
Tỉnh cũng sẽ tập tủng hoàn thành số hóa dữ liệu di sản, tài nguyên du lịch. Trong đó, xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp dữ liệu du lịch; liên thông, tích hợp, kết nối các hệ thống dữ liệu như dữ liệu không gian đô thị, đất đai, môi trường, tài nguyên nước... với hệ thống dữ liệu văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh.
Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư và triển khai các gói hạ tầng phục vụ cho du lịch thông minh, xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh. Tỉnh sẽ phát triển nhiều hơn các sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo VR360, nhạc nước, 3D mapping, ánh sáng điện tử, hoàn thiện bộ audio guide nhiều ngôn ngữ trên cơ sở chuẩn hóa bộ thuyết minh các điểm di tích và di sản... Cùng với đó, xây dựng các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán điện tử.
Việc đẩy nhanh tiến độ dự án thành phố du lịch thông minh và văn hóa do KOICA tài trợ cũng được chú trọng. Tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống ki ốt thông tin tự động ở các tuyến đường, khu phố đông khách du lịch; xây dựng bảo tàng số và các không gian trải nghiệm sản phẩm số trong du lịch.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án chuyển đổi số như: Nền tảng du lịch thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; phát hành và triển khai thẻ mềm du lịch thông minh; triển khai hệ thống vé điện tử cho các loại hình tham quan, du lịch, chương trình văn hóa, bảo tàng, sự kiện, phương tiện giao thông vận tải…