Trung Quốc, Singapore hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thế nào?

22/09/2022, 09:40

Sáng kiến “SMEs Go Digital” được Singapore triển khai từ năm 2017 hay chương trình thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số của Trung Quốc là những kinh nghiệm tham khảo để Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tại một số nước trên thế giới, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đưa vào các chương trình nghị sự quan trọng của chính phủ, điển hình là Singapore với sáng kiến "SMEs Go Digital” và Chương trình thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đã được Chính phủ Trung Quốc công bố.

Tại Singapore, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 99% số lượng doanh nghiệp, 2/3 lực lượng lao động và đóng góp 50% vào GDP. Chương trình “SMEs Go Digital” được Cơ quan phát triển Thông tin và Truyền thông (IMDA) của Singapore triển khai từ tháng 4/2017 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hành trình chuyển đổi số. Tính đến tháng 3/2022, đã có 80.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được tiếp cận và sử dụng giải pháp công nghệ số từ Chương trình.

 Sáng kiến "SMEs Go Digital” được Singapore triển khai từ năm 2017 đến nay. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)

Trong chương trình, các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ gồm: “Xây dựng lộ trình số hóa” - Hướng dẫn từng bước các doanh nghiệp xác định rõ lộ trình số hóa, các giải pháp công nghệ dự kiến áp dụng và đào tạo kỹ năng số cho nhân viên; “Các giải pháp đã được tiền đánh giá” - Danh sách giải pháp công nghệ số, các nền tảng số được IMDA tiền đánh giá đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; “Gói “Bắt đầu số” - Các giải pháp chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cơ bản của bất kỳ doanh nghiệp SME.

“Gói Tăng trưởng số” - Các giải pháp thúc đẩy kinh doanh quốc tế theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với khách hàng (B2C) mà không cần doanh nghiệp có hiện diện ở nước ngoài; “Gói Số hóa nâng cao” - Các giải pháp công nghệ hướng tới xây dựng doanh nghiệp số bền vững, có sức chống chịu tốt; “Dịch vụ tư vấn”; “Dịch vụ Giám đốc kỹ thuật như một dịch vụ” - Doanh nghiệp SME có thể tiếp cận dịch vụ này nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng, tiếp cận giải pháp số và các tư vấn khác liên quan.

Với Trung Quốc, quốc gia này có 46 triệu doanh nghiệp, trong đó khoảng 99% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kể từ năm nay cho đến năm 2025, Trung Quốc lên kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số được triển khai theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công nghiệp và CNTT với Bộ Tài chính của Trung Quốc nhằm mục tiêu hỗ trợ từ 4.000 đến 6.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với dịch vụ của khoảng 300 nền tảng số. Triết lý của Chương trình là “thị trường có nhu cầu, nền tảng có khả năng, doanh nghiệp có ý chí”.

Năm 2022, mục tiêu đặt ra là hỗ trợ 100 nền tảng số nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp sở hữu nền tảng số được giao chỉ tiêu hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp nâng cao năng lực thông qua chuyển đổi số với 1 khoản tối đa từ ngân sách nhà nước không vượt quá 6 triệu nhân dân tệ (khoảng 885.000 USD).  

Doanh nghiệp SME tham gia chương trình thí điểm được lựa chọn từ 100 ngành công nghiệp bao gồm dệt may, dược, ưu tiên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới, độc đáo, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Chương trình tập trung vào thúc đẩy phát triển từ 4.000 – 6.000 doanh nghiệp SME hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Thông qua dự án thí điểm, Chính phủ Trung Quốc sẽ tổng kết kinh nghiệm hay, cách làm đột phá có thể nhân rộng ra toàn quốc.

Vân Anh

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO