Trung Quốc ra quy định mới về hoạt động tôn giáo trực tuyến

Cao Thiên | 22/12/2021, 21:33

Các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài không được phép hoạt động các dịch vụ thông tin tôn giáo trực tuyến trong lãnh thổ Trung Quốc. Đây là quy định mới vừa được 5 bộ ở Trung Quốc ban hành hôm 20/12/2021.

Theo trang Global Times của Trung Quốc, nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa các dịch vụ thông tin tôn giáo trực tuyến và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, quy định về Các Biện pháp Quản lý Dịch vụ Thông tin Tôn giáo trên Internet đã được đưa ra dựa trên các luật và quy định hiện hành, bao gồm Luật An ninh mạng và Quy định về Tôn giáo.

Theo đó, bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào của Trung Quốc hoạt động dịch vụ thông tin tôn giáo trực tuyến phải nộp đơn đăng ký tại các sở tôn giáo cấp tỉnh.

Các biện pháp quy định rằng việc rao giảng trực tuyến phải được tổ chức và thực hiện bởi các nhóm tôn giáo, đền thờ và nhà thờ và các trường cao đẳng tôn giáo đã có Giấy phép Dịch vụ Thông tin Tôn giáo Internet.

Với Giấy phép, họ có thể rao giảng trực tuyến các học thuyết tôn giáo có lợi cho sự hòa hợp và văn minh xã hội, đồng thời hướng dẫn những người tôn giáo yêu nước và tuân thủ pháp luật, chỉ thông qua các trang web, ứng dụng hoặc diễn đàn internet chuyên biệt đã được pháp luật chấp thuận. Người tham gia phải đăng ký bằng tên thật.

Với Giấy phép, các trường cao đẳng tôn giáo có thể đào tạo sinh viên và người theo tôn giáo của họ trên các trang web, ứng dụng hoặc diễn đàn internet chuyên biệt, đã được phê duyệt theo luật pháp. Các trang web, ứng dụng và diễn đàn chuyên biệt này phải sử dụng một mạng chuyên dụng ảo để kết nối với thế giới bên ngoài và xác minh danh tính của nhân viên tham gia khóa đào tạo, các quy định mới chỉ rõ.

Ngoài ra, không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép hoạt động truyền giáo trực tuyến, hoặc tiến hành giáo dục và đào tạo tôn giáo, xuất bản nội dung rao giảng hoặc chuyển tiếp nội dung đó.

Buổi lễ tôn giáo không được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình trực tuyến. Theo các biện pháp quản lý mới, không tổ chức hoặc cá nhân nào có thể gây quỹ nhân danh tôn giáo trên internet.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức do người nước ngoài thành lập không được phép hoạt động dịch vụ thông tin tôn giáo trực tuyến tại Trung Quốc.

Các biện pháp này đã được Cục Quản lý Tôn giáo Quốc gia, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước cùng ban hành. Quy định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 3 năm 2022.

Nghiêm cấm các nội dung tôn giáo trực tuyến kích động lật đổ quyền lực nhà nước, vi phạm nguyên tắc độc lập, tự quản về tôn giáo, lôi kéo người chưa thành niên tin theo tôn giáo.

Các cơ quan an ninh nhà nước sẽ ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân trong nước cấu kết với nước ngoài lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia trên mạng internet.

Chủ tịch Trung Quốc: Các hoạt động tôn giáo phải nằm trong phạm vi pháp luật

Tại hội nghị toàn quốc về các vấn đề tôn giáo, được tổ chức hồi đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh về việc xã hội hóa các tôn giáo ở Trung Quốc và mong muốn thực hiện đầy đủ lý thuyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề tôn giáo.

Ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì nguyên tắc phát triển các tôn giáo ở Trung Quốc và đưa ra hướng dẫn tích cực để các tôn giáo thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa”.

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng các nhóm tôn giáo nên tăng cường tự quản và cần thiết phải làm việc và cải thiện luật pháp về các vấn đề tôn giáo. 

Ông nói: “Các hoạt động tôn giáo phải được thực hiện trong phạm vi được pháp luật và các quy định đề ra, không được làm tổn hại đến sức khỏe của công dân, xúc phạm đến trật tự công cộng và đạo đức tốt, ảnh hưởng đến các công việc giáo dục, tư pháp và hành chính cũng như đời sống xã hội”.

Theo South China Morning Post, các vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc đã được giám sát chặt chẽ hơn kể từ năm 2015, khi xã hội hóa được giới thiệu. Theo Sách Trắng công bố năm 2018 của chính phủ Trung Quốc, các tôn giáo chính được thực hành ở Trung Quốc là Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin lành và có gần 200 triệu tín đồ tôn giáo ở nước này. Trong số những người theo tôn giáo này, phần lớn là Phật tử ở Tây Tạng. Những người khác bao gồm 20 triệu người theo đạo Hồi, 38 triệu người theo đạo Tin lành và 6 triệu người theo đạo Thiên chúa.

Trước đó, vào năm 2019, Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc (SARA) đã công bố một dự thảo về các quy định liên quan đến các hoạt động tôn giáo trực tuyến. Theo đó, người dùng sẽ bị cấm cung cấp “thông tin tôn giáo” cho Trung Quốc thông qua Internet.

Biện pháp mới bao gồm 35 điều phân tích chuyên sâu về các hoạt động tôn giáo trong đời thường. Bất cứ ai muốn mở rộng một trang web tôn giáo phải xin phép các cơ quan chức năng, trải qua quá trình đánh giá về mặt đạo đức và chính trị. Quy tắc nhấn mạnh các tổ chức không thể trao đổi và phân phối văn bản, tài liệu tôn giáo cho người khác. 

Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc tuyên bố các biện pháp mới nhằm “điều chỉnh các hoạt động dịch vụ thông tin tôn giáo qua Internet, duy trì sự hòa hợp tôn giáo và hòa hợp xã hội”.

Theo tờ Asia News, dự thảo quy định lúc đó được SARA đưa ra đã đề xuất “cấm các buổi lễ tôn giáo (trực tuyến trên Internet), bao gồm cầu nguyện, thuyết giảng, và thậm chí cả việc thắp hương”.

Các hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào tôn giáo ở Trung Quốc

Thực tế, Internet cũng như mạng xã hội đã và đang có sức ảnh hưởng to lớn đến việc thực hành đức tin tôn giáo cũng như việc tổ chức hoạt động của các tín đồ và tổ chức tôn giáo. Với lượng thông tin truyền tải lớn, sức lan tỏa nhanh, cách thức đa dạng, phong phú; không bị hạn chế về phạm vi không gian, thời gian cũng như số lượng người tham gia... nên việc khai thác, sử dụng mạng xã hội để “sinh hoạt tôn giáo online” được các cá nhân, tổ chức tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới quan tâm và ứng dụng.

Tại Trung Quốc, nơi có ngành CNTT đang phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức tôn giáo không chỉ ứng dụng Internet mà còn ứng dụng nhiều dịch vụ số khác trong hoạt động hàng ngày, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Trung Quốc đã tiên phong ứng dụng thanh toán qua ví điện tử, trong đó nổi bật là AliPay và WeChat Pay, sau đó còn có thêm Baidu Pay. Những hoạt động thanh toán không tiền mặt này nhằm hưởng ứng sự phát triển nền kinh tế trực tuyến do chính phủ Trung Quốc khởi xướng. Và như vậy, các tổ chức tôn giáo ở Trung Quốc cũng không đứng ngoài xu hướng này, sử dụng hình thức ví điện tử cho các hoạt động quyên góp, từ thiện.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng nổ, các tổ chức Phật giáo tại Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ phật tử tham gia các hoạt động tín ngưỡng chung như cầu nguyện, thăm viếng. Sau đại dịch, các loại hình tín ngưỡng trực tuyến đã dần được triển khai rộng rãi khắp quốc gia tỉ dân này. Hiện nhiều ngôi chùa lớn tại Bắc Kinh còn cho phép phật tử tham quan 3D, khấn vái từ xa qua trang web và cầu siêu qua mạng.

Được đặt tên là Xian’er, robot cao 60 cm là một nhà sư mới mặc áo choàng màu vàng với đầu cạo trọc, giữ một màn hình cảm ứng trên ngực. (Ảnh: Reuters)

Theo hãng tin Reuters, từ cách đây khoảng 5 năm, một ngôi chùa Phật giáo ở ngoại ô Bắc Kinh đã quyết định từ bỏ các cách thức truyền thống và sử dụng công nghệ để thu hút tín đồ. Theo đó, ngôi chùa Long Tuyền cho biết họ đã phát triển một nhà sư robot có thể tụng niệm các câu thần chú của Phật giáo, di chuyển bằng khẩu lệnh và tổ chức một cuộc trò chuyện đơn giản.

Được đặt tên là Xian’er, robot cao 60 cm là một nhà sư mới mặc áo choàng màu vàng với đầu cạo trọc, giữ một màn hình cảm ứng trên ngực.

Xian’er có thể tổ chức một cuộc trò chuyện bằng cách trả lời khoảng 20 câu hỏi đơn giản về Phật giáo và cuộc sống hàng ngày, được liệt kê trên màn hình và thực hiện bảy loại chuyển động trên bánh xe.

Master Xianfan, người sáng tạo ra Xian’er, cho biết nhà sư robot là phương tiện hoàn hảo để truyền bá trí tuệ của Phật giáo ở Trung Quốc, thông qua sự kết hợp giữa khoa học và Phật giáo.

Xianfan nói: “Khoa học và Phật giáo không đối lập cũng không mâu thuẫn, có thể kết hợp và tương thích với nhau”.

Xianfan nói rằng Phật giáo đã lấp đầy khoảng trống cho con người trong một xã hội thịnh hành điện thoại thông minh và đang thay đổi nhanh chóng. Ông nói: “Phật giáo là một điều gì đó rất coi trọng trái tim bên trong và chú ý đến thế giới tâm linh của mỗi cá nhân. Đó là một loại hình văn hóa nâng cao. Nói ở góc độ này, tôi nghĩ nó có thể thỏa mãn nhu cầu của nhiều người”.

Nhà sư robot nhỏ được phát triển là một dự án hợp tác giữa một công ty công nghệ và các chuyên gia trí tuệ nhân tạo từ một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO