Trung Quốc: Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số liệu có đủ sức “tranh bá” với tiền điện tử?

24/07/2021, 10:30

(PLVN) - Trung Quốc đã cấm các giao dịch tiền điện tử và chào bán tiền xu ban đầu (ICO), đồng thời có động thái trấn áp mạnh tay các hoạt động đào tiền ảo ở Tân Cương, khu Nội Mông và tỉnh Vân Nam.

Trung Quốc tìm cách đưa đồng nhân dân tệ kỹ thuật số vào sân chơi tiền điện tử.

undefined

Đây được cho là bước đệm cho kế hoạch đưa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số vào cạnh tranh với các loại tiền điện tử đang thịnh hành như Bitcon, Ether...

Ngày 21/6/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – Ngân hàng trung ương đã kêu gọi nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay và các ngân hàng lớn, gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Ngân hàng Công nghiệp, “đồng hành” với lệnh đầu cơ tiền điện tử.

Chính sách mạnh tay

Các doanh nghiệp khai thác tiền ảo buộc phải tuân theo các điều khoản với các lệnh hạn chế mới. Việc trấn áp hoạt động đào tiền ảo ở Tứ Xuyên được giới chức thực hiện thông qua các công ty điện lực, các doanh nghiệp này được yêu cầu dừng cung cấp điện cho hoạt động này. Theo báo chí Trung Quốc, 26 công ty khai thác tiền ảo đã bị điều tra và buộc phải điều chỉnh hoạt động.

Hiện tại, sàn giao dịch tiền điện tử Huobi đã đóng cửa các dịch vụ lưu trữ khai thác ở Trung Quốc và nhóm khai thác tiền điện tử Bitcoin (BTC). Huobi tuyên bố tạm dừng các dịch vụ liên quan đến “đào tiền” cho người dùng mới ở Trung Quốc Đại lục “để tập trung hơn vào việc mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài”.

BTC.TOP tạm dừng hoạt động trong khi Bit Mining tham gia đầu tư với một công ty ở Kazakhstan để thành lập trung tâm dữ liệu khai thác tiền điện tử. Những doanh nghiệp như HashCow, sở hữu các trang trại “đào tiền” lớn nhất thế giới, tuyên bố họ sẽ ngừng bán máy cho khách hàng ở Trung Quốc và hoàn lại tiền cho các đơn đặt hàng.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số liệu có đủ sức “tranh bá” với tiền điện tử?

Những thông báo dừng dịch vụ đào tiền ảo tương tự cho khách hàng ở Trung Quốc Đại lục có thể gây ra hậu quả lớn với thị trường tiền điện tử. Thực tế một phần giá trị của Bitcoin được xác định bởi số lượng hữu hạn đồng tiền này có thể được tạo ra.

Một số chuyên gia tin rằng các “thợ đào tiền ảo” có khả năng sẽ chuyển đến vùng Bắc Mỹ và Trung Á, nơi giá điện rẻ và không có các quy định cấm đào tiền ảo, hoặc chuyển sang các hoạt động khai thác quy mô nhỏ hoặc vừa.

Với các chế tài và quy định mới mà Trung Quốc ban hành, giá các thiết bị đào tiền ảo, kể cả cũ và mới đều giảm. Giá Bitcoin cũng giảm mạnh do các tin tức tiêu cực. Có thời điểm Bitcoin đã giảm một nửa giá trị so với mức cao kỷ lục 63.000 USD đạt được hồi tháng 4/2021.

Hạn chế đào Bitcoin để bảo vệ môi trường?

Thực tế các biện pháp mới của Trung Quốc không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính. Một lý do được báo chí nhắc đi nhắc lại là việc các máy tính cần thiết để khai thác Bitcoin ngốn rất nhiều điện năng, và làm dấy lên lo ngại về các vấn đề môi trường. Theo phân tích của Nature Communications, chỉ tính riêng tại Trung Quốc, các mỏ đào Bitcoin có thể sẽ tạo ra hơn 130 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024.

Lượng phát thải khí carbon lớn khổng lồ có thể gây hại đối với các kế hoạch chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng của Trung Quốc, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn để kiềm chế lượng khí thải từ nhiều ngành công nghiệp.

Chính quyền vùng Nội Mông từ tháng 2/2021 đã thông báo sẽ chấm dứt tất cả các dự án khai thác tiền điện tử trong khu vực vào cuối tháng 4 để cắt giảm lượng khí thải. Khu vực giàu than đá này là một trung tâm khai thác Bitcoin được ưa chuộng nhờ nguồn năng lượng rẻ. Chính quyền Nội Mông thậm chí còn thiết lập đường dây nóng để khuyến khích người dân tố giác các công ty mà họ nghi ngờ là “đào” tiền điện tử trái phép.

Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng sự lên ngôi của các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ether đã tạo ra nguy cơ giới hoạch định chính sách không thể bao quát các hoạt động kinh tế quy mô. Đây là lý do giới chức nước này tìm cách trấn áp các hoạt động đào tiền ảo và giao dịch đồng tiền chưa được công nhận này. Tuy nhiên, mặt khác Trung Quốc, đã nhanh chóng nhận thấy một số tiềm năng của đồng tiền điện tử, miễn là họ có một số quyền kiểm soát.

Thực tế, người dân ở Trung Quốc không còn xa lạ với tiền điện tử hay thanh toán kỹ thuật số. Việc di chuyển và mua sắm ở các thành phố bằng những ứng dụng điện thoại thông minh như Alipay hoặc WeChat Pay sẽ dễ dàng hơn so với việc mang theo ví tiền chứa đầy tiền mặt.

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai kế hoạch thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số chính thức của đồng nhân dân tệ và thậm chí là một dự án lớn hơn tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào năm 2022.

Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc được thiết kế để trở thành phiên bản điện tử của tiền giấy và tiền xu, cụ thể là nó chỉ tồn tại trong ví kỹ thuật số trên điện thoại thông minh chứ không phải ví vật lý. Giá trị đồng tiền sẽ do nhà nước quy định, nói cách khác là giúp giới chức kiểm soát đồng tiền này ở mức độ mà họ không thể làm đối với tiền vật lý thông thường.

Các khoản thanh toán tiêu dùng sử dụng ứng dụng di động do các công ty công nghệ lớn triển khai chiếm 16% GDP Trung Quốc, trong khi con số này tại một số nước phương Tây như Anh và Mỹ là chưa tới 1%.

Không quá khi nói rằng giới chức Trung Quốc đã công khai thể hiện lo ngại về nguy cơ một số doanh nghiệp lớn nắm giữ hạ tầng tài chính nội địa. Thống đốc PBoC thậm chí còn cảnh báo “các công ty công nghệ lớn đang mang đến rất nhiều thách thức và rủi ro tài chính... Trong cuộc chơi này, người chiến thắng giành lấy tất cả, vì vậy độc quyền là một thách thức”.

Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu việc phát hành đơn vị tiền kỹ thuật số của riêng mình từ năm 2014 với một ý chí chính trị mạnh mẽ. Không thể phủ nhận Trung Quốc đang nhìn thấy cơ hội trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực này.

Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể phải mất nhiều năm nữa mới được triển khai trên toàn quốc, song các động thái của Trung Quốc trên thực tế cũng đang khiến nhiều nhân tố vốn thống trị hệ thống tài chính toàn cầu phải cảnh giác.

Những lệnh trừng phạt, cấm vận trong hệ thống toàn cầu có thể sẽ dễ dàng bị phớt lờ bởi một ngày nào đó người ta có thể tiến hành giao dịch bằng tiền kỹ thuật số xuyên biên giới mà không cần thông qua hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD.

Khi tiền điện tử do nhà nước quản lý được triển khai trên quy mô toàn quốc, mọi thứ có thể tiến triển nhanh chóng. Hơn 80% người dùng điện thoại thông minh ở Trung Quốc thường xuyên thanh toán các giao dịch bằng các ứng dụng trên thiết bị của họ.

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng được cho là đang rất háo hức áp dụng công nghệ tài chính mới hấp dẫn. Quỹ thị trường tiền tệ YuE Bao từng được đón nhận rộng rãi ngay khi ra mắt vào năm 2013 và có thời điểm thậm chí còn trở thành quỹ tiền lớn nhất thế giới.

Sự hấp dẫn của quỹ này được cho là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến các khoản tiền gửi ngân hàng, điều khiến PBoC vào năm 2017 phải can thiệp. Thách thức đặt ra hiện nay là liệu người tiêu dùng Trung Quốc có tin tưởng công nghệ tiền điện tử mà chính phủ triển khai hay không, cũng như những động lực thực sự đằng sau nó.

Với giá trị được kiểm soát thay vì thả nổi, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ khó có khả năng làm giảm cơn khát lợi nhuận của các nhà đầu tư. Chỉ có những quy định bổ sung và sự giám sát chặt chẽ của giới chức mới có thể buộc nhiều nhà đầu tư ngừng mạo hiểm một cách mù quáng vào tiền điện tử.

undefined

Lê Anh
Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO