Ông Đỗ Trần Anh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên FMAN, cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như mức số hóa dữ liệu còn thấp, thiếu lao động có kỹ năng công nghệ, sự kết nối còn hạn chế giữa "nông dân - chính quyền - chuyên gia về công nghệ thông tin".
Từ đó gây ra những bất lợi như giá thành sản phẩm cao, khả năng đáp ứng thấp (quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu của các chuỗi cung ứng lớn), chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Để cải thiện những bất cập này FMAN đã xây dựng một hệ sinh thái phần mềm liên kết bao gồm: phần mềm quản lý trang trại, phần mềm truy xuất nguồn gốc, phần mềm bán hàng và tìm nguyên vật liệu. Các phần mềm được cung cấp theo mô hình SaaS (mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm), cho phép chủ động đăng ký sử dụng và dừng; có thể tùy biến để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân áp dụng; phù hợp với tất cả cây trồng, vật nuôi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Quy trình quản lý hoạt động của trang trại thông qua phần mềm FMAN
Hiện có 3 phần mềm sẵn sàng cung cấp ra thị trường là phần mềm quản lý trang trại, phần mềm truy xuất nguồn gốc, phần mềm tìm và bán. Phần mềm truy xuất nguồn gốc cho phép đóng gói dữ liệu, mã hóa dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, phân phối dữ liệu. Đối với người dùng cuối, ứng dụng tra cứu truy xuất nguồn gốc được đơn giản hóa, chỉ cần dùng điện thoại thông minh mở chức năng chụp hình để quét mã và xem thông tin mà không cần tải app.
Với phần mềm FMAN, có thể loại bỏ được các yếu tố trung gian (thương lái), mang lợi nhuận trực tiếp về cho người nông dân. Hiện tại các phần mềm FMAN được cung cấp sử dụng miễn phí, trong tương lai có thể tính phí tùy theo nhu cầu sử dụng (theo giờ, theo ngày, hoặc tháng).
Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam cũng vừa đưa ra một giải pháp theo hướng "số hóa" khá tiện lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phần mềm "nhật ký sản xuất FaceFarm" là công cụ hỗ trợ dựa trên nền tảng Google Map, dễ dàng đánh giá nông trại một cách trực quan, chính xác.
FaceFarm có thể hỗ trợ theo dõi nông trại ghi lại nhật ký bằng các thiết bị như smartphone, máy tính bảng, máy tính… mọi lúc mọi nơi, ghi nhận lượng thông tin rất tiện lợi và nhanh chóng, đồng thời lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật trên đám mây.
Dữ liệu về nhật ký sản xuất sẽ hỗ trợ truy xuất sản phẩm với thông tin minh bạch của nhiều bên liên quan, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục lấy chứng nhận tiêu chuẩn về canh tác nông nghiệp.
Theo mô hình vận hành của FaceFarm, dữ liệu về vùng nuôi trồng cũng như dữ liệu mùa vụ sẽ được thu thập và truyền về trung tâm dữ liệu. Trên cơ sở này, chủ nông trại hoặc hợp tác xã có thể nắm bắt chi tiết thông tin một cách trực quan, có thể kiểm tra nông trại theo các hạng mục khác nhau, đánh giá sự phát triển của nông trại thông qua dữ liệu đã lưu để từ đó lập kế hoạch sản xuất phù hợp, hoặc tìm giải pháp giúp tăng năng suất canh tác.
Phần mềm "nhật ký sản xuất FaceFarm" đã được chuyển giao và triển khai tại nhiều hợp tác xã ở tỉnh Lâm Đồng theo sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản). Một số chủ nông trại và hợp tác xã ở trên 30 tỉnh, thành cả nước cũng đã đăng ký và bước đầu làm quen với thao tác sử dụng. Chi phí sử dụng FaceFarm vào khoảng 1 triệu đồng/năm.
Hiện Sở KH và CN TP HCM đang phối hợp cùng Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng "nhật ký sản xuất FaceFarm" vào sản xuất nông nghiệp với giá ưu đãi hoặc sử dụng thử từ 6-12 tháng dành cho doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu (liên hệ: Email: duykhanh@cesti.gov.vn; ĐT: 028. 3825.0602).
Mai Chân