Những video khoe tiền bạc không còn lạ lẫm trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Thế nhưng bạn đã biết đến ScamTok - tập hợp những video hướng dẫn người xem phương pháp kiếm tiền bằng cách lừa đảo?
Video dạy lừa đảo
Bạn có thể tìm thấy gì trên những video ScamTok?
Đó là những video yêu cầu người dùng trả 350 bảng Anh để có được thẻ xanh Covid-19 trong hồ sơ y tế điện tử hoặc lời mời chào liên hệ trực tiếp với người đăng để được học cách kiếm tiền dễ dàng, theo VICE.
Tất nhiên, những trò lừa đảo trực tuyến đã xuất hiện từ lâu trên Internet. Nhưng điều khác biệt ở ScamTok chính là nó xuất hiện trên TikTok, một nền tảng đang ngày càng phổ biến, thu hút giới trẻ.
Những video gắn hashtag #ScamTok xuất hiện tràn lan trên TikTok. Ảnh: VICE. |
Chris Stokel-Walker, nhà báo và tác giả của cuốn sách "TikTok Boom", chia sẻ trên VICE rằng các mạng xã hội phát triển quá nhanh và "bộ phận kiểm duyệt nội dung của những nền tảng không thể theo kịp tốc độ phát triển của người dùng".
Đó là lý do những video lừa đảo có thể tồn tại trắng trợn, dễ dàng được tìm kiếm với bất kỳ đối tượng người dùng nào trên TikTok.
Còn theo người phát ngôn của TikTok: "Sự an toàn và lợi ích cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Nguyên tắc cộng đồng của TikTok đã nêu rõ rằng không cho phép nội dung quảng bá hoặc kích động hoạt động tội phạm.
Thông qua sự kiểm duyệt chặt chẽ của công nghệ và con người, chúng tôi sẽ xóa những nội dung vi phạm các nguyên tắc chung. Trên thực tế, sau một cuộc điều tra, chúng tôi đã khóa một số tài khoản vi phạm".
Tuy nhiên, đối với vấn đề lừa đảo trực tuyến, TikTok chỉ đơn thuần là một cửa ngõ dẫn đến nơi hoạt động kinh doanh phi pháp đang thực sự diễn ra.
Thông thường, người dùng sẽ đi từ TikTok qua Telegram hoặc Snapchat, nơi họ có thể trao đổi với đối tượng lừa đảo. Tại đây, họ được chào mời mua những cuốn sách dạy làm giàu với mức giá đắt đỏ.
Khi đóng vai "con mồi", phóng viên VICE được giới thiệu mua sách phiên bản điện tử với giá 50 USD/bản tại Mỹ và 40-50 bảng Anh/bản tại Anh.
Những cuốn sách này là hàng chục mục mang thông tin hướng dẫn cách kiếm tiền phạm pháp như "Cách để sử dụng tiền trong thẻ tín dụng của người khác mà không bị bắt", "Cách tra thông tin tài chính của người khác", "Cách đòi hoàn tiền từ trang thương mại điện tử khi không còn giữ được sản phẩm như mới"...
Những kẻ lừa đảo sẵn cuốn sách trong tay
TikTok đang là một sân chơi thú vị đối với những người dùng trẻ tuổi. Thay vì phải đến các nhà hàng làm thêm, đứng hàng giờ và về nhà với bộ quần áo dính đầy dầu mỡ, có lẽ không ít người muốn ngồi tại nhà và thử làm theo những hướng dẫn kiếm tiền nêu trên.
Những nội dung bên trong cuốn sách dạy làm giàu được kẻ lừa đảo rao bán. Ảnh VICE. |
Khi phóng viên VICE (trong vai người mua sách) hỏi những kẻ lừa đảo về cách thức kiếm tiền phi pháp mà họ đánh giá cao, một người trả lời: "Chiêu Depop rất phù hợp với những người mới bắt đầu".
Một người khác cũng nói: "Depop là cách dễ dàng để sinh lời nhất tại thời điểm hiện tại".
Depop - nền tảng mua bán trực tuyến phổ biến tại nhiều quốc gia. Những kẻ lừa đảo đăng mặt hàng lên Depop với giá rẻ để câu kéo người mua, yêu cầu được thanh toán bằng cách chuyển khoản. Sau khi khách hàng trả tiền, người bán lập tức biến mất.
Hoạt động lừa đảo trên Depop đã diễn ra trong thời gian dài tuy nhiên nhà phát triển ứng dụng này vẫn chưa thể ngăn chặn.
Ngoài ra, một kẻ khác còn cho biết hắn kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán sách "dạy làm giàu" thay vì trực tiếp đi lừa đảo.
Khi đầu tư 13 triệu bảng Anh cho nội dung giáo dục, có lẽ TikTok không có ý định biến mình trở thành nơi cho những người trẻ tuổi tìm cách lừa đảo phiếu giảm giá, thẻ quà tặng hoặc pizza miễn phí.
Nhưng nhiều đối tượng bất chính đã biến TikTok thành cơ hội hoàn hảo để trục lợi.
"TikTok cần thực sự cẩn thận khi muốn trở thành một nền tảng giáo dục. Dạy cách làm giàu cũng là một cách giáo dục đó thôi, nhưng đó chắc chắn không phải nội dung mà TikTok muốn có trên ứng dụng của mình", Stokel-Walker nói.
Sau khi VICE liên hệ với TikTok, các nhà phát triển của ứng dụng này đã xóa tất cả video được gắn hashtag #ScamTok.
Nhưng với sự tinh vi của vô số kẻ lừa đảo trên Internet, #ScamTok không thể biến mất dễ dàng. Những kẻ gian lận chỉ cần nghĩ ra một hashtag khác đi mà thôi, họ đã có sẵn cuốn sách dạy lừa đảo trong tay mình.