Mong muốn của ông từ ngày đầu mới về là đưa Truyền hình Quốc hội Việt Nam lên một bước phát triển mới. Ông định hướng Truyền hình Quốc hội Việt Namnhư thế nào trong tương lai?
- Chúng tôi xác định luôn, Truyền hình Quốc hội Việt Nam trước khi chuyên về Quốc hội phải là một Đài truyền hình đã. Thu hút được khán giả thì sẽ đưa thông điệp của Quốc hội dễ dàng hơn. Còn nếu Truyền hình Quốc hội chỉ phục vụ nội dung liên quan đến Quốc hội thì số lượng cử tri, khán giả sẽ trở nên hẹp hơn rất nhiều.
Chưa kể với trình độ năng lực như hiện nay, nói chung chúng tôi chưa đủ khả năng để chế biến những câu chuyện chính trị, kinh tế, xã hội trở thành món ăn bình dân và dễ tiếp cận hơn. Độ phủ rất quan trọng với các cơ quan báo chí, bởi từ đó suy ra sức ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế và sự phát triển của một tờ báo.
Định hướng Truyền hình Quốc hội (THQH) là như vậy, chúng tôi xác định đây là một kênh chính luận. Rất nhiều kênh truyền hình hiện nay là kênh tổng hợp chứ không phải kênh chính luận, gọi là kênh chính luận nhưng vẫn có phim điện ảnh, phim truyền hình, ca nhạc, thậm chí có hoa hậu…
Về mặt hoạch định nội dung, như thế không thực sự là kênh chính luận. Các kênh truyền hình chính luận nước ngoài như CNN, FOX, BBC... thể hiện rất rõ cách tiếp cận này, tức là chỉ có bản tin Thời sự và các format chương trình dựa trên tin tức và các chủ đề chính luận.
Đặc điểm nhận diện rõ nhất của một Kênh truyền hình chính luận là Hệ thống các Bản tin Thời sự theo múi giờ, nó giống như khung của một chiếc áo. Đây sẽ là ưu tiên của chúng tôi trong việc xây dựng khung chương trình của THQH trong năm 2022.
Hiện chúng tôi đang đầu tư cho chương trình "Việt Nam ngày mới" từ 6h đến 7h sáng, bởi chúng tôi muốn tiếp cận với khán giả ngay từ những giờ phút đầu tiên của một ngày mới.
Từng "dành cả thanh xuân" cho Đài Truyền hình quốc gia, giờ lại phụ trách một kênh chính luận nên sự so sánh sẽ khó không tránh khỏi. Cạnh tranh vào đầu giờ mỗi ngày,vậy "Việt Nam ngày mới" sẽ có điều gì khác biệt để khán giả nhận diện và lựa chọn?
- Cách tiếp cận của chúng tôi là mong muốn là đem đến cho khán giả năng lượng tích cực ngay những giờ phút đầu tiên của một ngày mới. Chúng tôi không muốn ngay khi bắt đầu một ngày mới, khán giả đã phải nhìn thấy những tin tức tiêu cực, những vấn đề đau đầu, chúng tôi mong muốn bắt đầu ngày mới với sự lạc quan, khán giả bước ra đường với một tâm trạng nhẹ nhõm, tràn đầy năng lượng tích cực.
"Việt Nam ngày mới" không chỉ là một Bản tin Thời sự mà là một chương trình tạp chí tổng hợp, kết hợp giữa tin tức và các chuyên mục có tính chất cung cấp kiến thức bổ ích và giải trí nhẹ nhàng, như "Điểm sách", Điểm mù giao thông", "Khách mời Ngày mới".
Trong Tin tức có 2 yếu tố rất quan trọng, đó là Cập nhật và Hữu ích. Tôi cho rằng yếu tố Hữu ích trong tin tức sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Khán giả không có nhiều thời gian, ngoài việc cập nhật tin tức thời sự, họ muốn học thêm được một điều gì đó khi xem Bản tin.
Như vậy khung chiếc áo sẽ là "Việt Nam ngày mới", từ 6h đến 7h sáng. "Bản tin Thời sự" trưa 12h, 18h30 sẽ là "Chuyển động 360" đã phát triển được nhiều năm. Chúng tôi sẽ tiếp sóng "Chương trình Thời sự" 19h của Đài THVN. Ngay sau đó sẽ là "Bản tin 20h", "Bản tin thời sự" chính trong ngày của THQHVN. Và cuối cùng là "Bản tin đêm 22h" cập nhật lại những tin tức trong ngày mà khán giả đã bỏ lỡ trong một ngày làm việc bận rộn.
Lập pháp là lĩnh vực rất quan trọng chứ không hề xa vời, bởi từ luật sẽ ra các chính sách và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Vậy THQH thay đổi thế nào để đưa luật đi sâu vào cuộc sống của người dân?
- Về quan điểm, chúng tôi xác định tuyến nội dung liên quan lập pháp rất quan trọng, là ưu tiên tuyên truyền của chúng tôi. Riêng tuyến làm luật, giải thích luật, tuyên truyền luật của THQH sẽ có 4 chương trình: Lần đọc đầu tiên; Trước giờ bấm nút; Luật và đời sống; Đối thoại chính sách.
Cả 4 chương trình phản ánh quá trình làm luật từ lúc bắt đầu là sáng kiến lập pháp, là dự thảo cho đến qúa trình thảo luận, thông qua, đến khi đi vào đời sống, rồi nảy sinh bất cập và cần phải thay đổi, sửa chữa cho phù hợp với thực tế.
Nhiều luật liên quan mật thiết đến người dân nhưng do cách ta tuyên truyền khiến khán giả không quan tâm. Điều này tôi cảm nhận được từ kinh nghiệm từ khi tôi làm ở VTV. Tôi nhớ đợt đó sửa đổi bổ sung Bộ Luật dân sự 2015, có nội dung quan trọng về cộng đồng LGBT. Trước đây hôn nhân đồng giới bị cấm và được ghi rõ trong Luật Dân sự. Nhưng khi Luật được sửa đổi đã bỏ từ "cấm" đi. Luật chưa công nhận hôn nhân đồng giới nhưng ít nhất đã không còn cấm nữa. Và như vậy nếu họ tổ chức, họ sẽ không bị dỡ rạp nữa.
Hôm Quốc hội thảo luận luật này chúng tôi tổ chức mời họ lên trường quay. Thực sự, giây phút quốc hội bỏ từ "cấm" ra khỏi luật dân sự đối với họ là sự vỡ òa. Lúc đó rất tiếc chúng tôi không ghi hình được thời điểm khi cộng đồng đó ngồi xem lúc Quốc hội bấm nút thông qua.
Từ chi tiết đó cho thấy, bất kỳ luật nào liên quan đến cộng đồng nào đó, thậm chí tất cả người dân vấn đề tuyên truyền luật rất quan trọng. Qua các chương trình này, người dân sẽ quan tâm hơn, hiểu luật, vai trò Quốc hội trong quá trình làm luật. Nếu các đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua thì rõ ràng có thể cộng đồng này bị ảnh hưởng, cộng đồng kia hưởng lợi… Tóm lại, nếu biết cách báo chí hoá, truyền hình hóa những nội dung đó thì sẽ thành chương trình rất hay.
Chấn hưng văn hóa đang là vấn đề rất nóng và bức thiết của toàn xã hội. Ông cũng từng theo dõi mảng văn hoá trong quá trình làm việc của mình. Truyền hình Quốc hội sẽ định hướng như thế nào ở mảng này?
- Văn hóa cũng là tuyến quan trọng chúng tôi xây dựng và định hướng ở THQH. Bản thân tôi cũng đam mê mảng văn hóa. Rất may là sau 75 năm chúng ta đã có Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, để đưa ra nhiều định hướng nhằm chấn hưng và phát triển văn hoá, nền công nghiệp văn hoá.
Ví dụ như Hà Nội có rất nhiều tài nguyên văn hóa. Qua các cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố, THQH đã xung phong đồng hành cùng Hà Nội để khai thác, quảng bá những tài nguyên đó. Ngay sau đó, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Hoàng Thành Thăng Long, qua đó càng thấy được có nhiều giá trị mà từ xưa đến nay ta mới chỉ khai thác bề nổi.
Ngay lập tức chúng tôi có ý tưởng và dự kiến năm sau sẽ triển khai chương trình "Di sản Việt Nam", trong đó sẽ đưa cả di sản vật thể và phi vật thể vào trong đó để truyền hình hóa, kể câu chuyện thực sự truyền cảm hứng.
Cá nhân tôi có quan hệ với những nhà nghiên cứu rất sâu về âm nhạc dân tộc như GS Trần Văn Khê và con trai ông - GS Trần Quang Hải. Rất tiếc là cả 2 ông đều đã không còn nữa. Truyền hình rất cần những người kể chuyện để tôn vinh giá trị của những làn điệu Quan họ, Bài chòi, Ca Huế...
Chúng tôi mong muốn THQH tạo ra những diễn đàn, làm sống lại những giá trị đó. Thực ra chương trình "Di sản Việt Nam" chỉ là một nhánh thôi, vấn đề là phải tạo dựng cả một hệ sinh thái có thể phát huy giá trị văn hóa trên truyền hình.
Ví dụ ra Tết, chúng tôi sẽ phát triển format "Diễn đàn văn học nghệ thuật" để bàn về hiện trạng, hướng phát triển và hành lang pháp lý cho phát triển văn hoá, công nghiệp văn hoá tại Việt Nam. "Điểm sách" là format chương trình tôi đã muốn làm từ lâu những chưa có điều kiện thực hiện.
Đến ngày hôm nay chương trình "Cuốn sách tôi chọn" phối hợp với Cục xuất bản, Bộ TT&TT và các Nhà xuất bản đã lên sóng được 2 tháng, cùng với chương trình "Việt Nam ngày mới" và phát lại vào tối muộn với hy vọng khán giả xem và tắt ti vi, với tay lấy quyển sách để đọc trước khi đi ngủ.
Lâu nay chúng ta vẫn hay nói văn hoá đọc bị lãng quên, giới trẻ hướng tới các sản phẩm nghe nhìn nhiều hơn là đọc sách. Tôi nghĩ chúng ta không vô can, trong đó có một phần trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Chúng ta chưa có nhiều các chương trình Điểm sách, Bình sách, Người nổi tiếng đọc sách để gợi ý khán giả.
Nếu nhìn từ trải nghiệm người dùng, người xem, người đọc, thể loại sản phẩm này rất quan trọng. Độc giả muốn được gợi ý trước khi mua sách, đọc sách. Vì thực sự là một trải nghiệm tệ hại khi mua một cuốn sách, mất thời gian đọc vài chục trang rồi nhận ra cuốn sách không hay như mình nghĩ. Nó sẽ khiến người ta ngại mua, ngại đọc.
Khối lượng công việc rất nhiều nhưng đó là những điểm đầu tiên để cho thấy định hướng của THQH trong thời gian tới. Luôn có những dẫn chiếu, dẫn dụ văn hóa tới các sản phẩm văn hóa là điều các cơ quan truyền thông phải đặc biệt chú ý.
Những trải nghiệm từ VTV có ý nghĩa gì với ông trong việc xây dựng nội dung của THQH?
- Điều tôi mong muốn phát triển là khi Quốc hội thảo luận rất sâu các vấn đề hệ trọng của đất nước thì nội dung của THQH cũng phải sâu như vậy. Đó phải là sự tương đồng về nhận diện của THQH. Bây giờ chúng ta tiếp nhận thông tin hàng ngày thực chất chỉ là bề nổi của thông tin thôi.
Kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở VTV giúp tôi hiểu rõ, có rất nhiều format khác nhau khi phát triển một Kênh truyền hình chính luận. Những format như Phim tài liệu, Phóng sự dài, Ký sự, Truyền hình thực tế… giải quyết rất tốt những gì mà một Phóng sự ngắn 2 phút 30 giây không giải quyết được trong Bản tin Thời sự.
Không phải ngẫu nhiên mà Phim tài liệu trở thành sản phẩm rất hút view trên Netflix và các nền tảng Truyền hình trực tuyến. Họ đầu tư rất nhiều tiền vào phim tài liệu. Công chúng đang quan tâm nhiều hơn đến phim tài liệu để hiểu sâu bản chất của vấn đề.
Bản thân tôi cũng là người nghiện phim tài liệu, nếu tính về tần suất là mỗi ngày tôi xem một phim tài liệu. Phim tài liệu phản ánh chân thật cuộc sống, cung cấp kiến thức và giải quyết rất tốt vấn đề về thông điệp.
Tôi mới xem một bộ phim tài liệu của một bạn từng làm ở VTV24, phim sản xuất đã lâu rồi nhưng kể một câu chuyện rất hay, kể về cuộc đời của nghệ sĩ ca trù Bạch Vân.
Xem phim xong tôi cảm thấy rất bức xúc vì một người nghệ sĩ đã dành cả đời cho ca trù, hy sinh rất nhiều, bỏ ra rất nhiều công sức cho CLB Ca trù Bích Câu, nhưng cuộc sống rất vất vả, bỏ chồng bỏ con, sống chật vật đầy bệnh tật trong một căn nhà chật chội ở Hà Nội.
Nếu chỉ với một Phóng sự 2 phút thì mình không thể hiểu hết được con người đó và khó khăn của ca trù hiện nay. Qua những phim tài liệu như vậy, mình mới thấy tận gốc của vấn đề. Tôi đã yêu cầu phóng viên của mình làm chương trình Tết về chị nhưng chị quá yếu không thể trả lời được nữa.
Tôi mong muốn đưa những câu chuyện như vậy lên màn hình, đến công chúng, để thấy rằng có rất nhiều giá trị trong cuộc sống cần phải tôn vinh, đó mới là những giá trị thật của cuộc sống mà Truyền hình có sứ mệnh phải truyền tải.
Tôi cho rằng định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ phải có thêm định hướng chuyên môn sâu. Bạn làm gì cũng được nhưng phải là nghệ nhân của nghề nghiệp đó. Có thể là một lĩnh vực rất là hẹp mà đôi khi trong dòng chảy hối hả này người ta không để ý. Một vài bức ảnh trên Facebook không phản ánh thật cuộc sống và con người của bạn. Báo chí nên thể hiện quan điểm để hướng người ta quay trở về những giá trị thật của cuộc sống.
Tôi mong muốn các thể loại chuyên sâu trong đó Phim tài liệu sẽ là một trong những thế mạnh của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tới đây.
Nhà báo Lê Quang Minh được đồng nghiệp nể trọng về sự tìm tòi chuyên môn. Anh cũng giỏi ngoại ngữ, và nhờ thế mạnh đó nên Lê Quang Minh có nhiều kênh để khai thác, cập nhật thông tin, kiến thức cho bản thân. Thời còn lại BTV thời sự của VTV, Lê Quang Minh có điều kiện đi nhiều nơi, tác nghiệp nhiều ở nước ngoài, nên anh có một vốn sống dày dặn và sự thích ứng kịp thời với sự thay đổi cùng những tư duy về nghề nghiệp luôn được cập nhật và phát triển.
Vấn đề chuyển đổi số đã được ông quan tâm khi còn ở VTV. Với kênh truyền hình non trẻ như Truyền hình Quốc hội Việt Nam, câu chuyện này có được ông có tiếp tục quan tâm?
- Các tổng biên tập hoặc những người làm quảng cáo sẽ nhận thức rõ về câu chuyện chuyển đổi số hiện nay. Khi làm truyền hình truyền thống thì khác, mình thực hiện các chương trình sau đó phát sóng, người ta thấy chương trình hay thì vào đặt quảng cáo, TVC... Nhưng nó không có KPI cụ thể để đánh giá hiệu quả của đồng vốn mà nhãn hàng bỏ ra. Người ta không thống kê ra được chi tiết lượng người xem. Chuyển đổi số giải quyết được vấn đề đó.
Chuyển đổi số, nền tảng số giúp ta trả lời câu hỏi của nhãn hàng quảng cáo với thống kê cụ thể về đối tượng khán giả, độ tuổi, giới tính, đang sống ở khu vực nào. Khi gần với thị trường, các tổng biên tập, tổng giám đốc của các đài truyền hình sẽ thấy giật mình. Để đo đếm được cần có Data, cần đầu tư cho AI, cần đầu tư cho nhân lực số, không còn cách nào khác cả.
Ngay cả khi các báo đài chuyển đổi số, Facebook và Google vẫn là những đối thủ cạnh tranh mà báo chí khó vượt qua được?
- Rất nhiều người nói với tôi rằng giờ cái gì cũng nói đến chuyển đổi số nhưng có lấy được tiền của các nhà quảng cáo đâu. Họ đổ hết cho Facebook và Google chứ có đổ cho các báo điện tử đâu.
Đấy là câu chuyện lâu dài, không thể nói câu chuyện "con gà quả trứng" ở thời điểm này được. Facebook và Google đi qua trước chúng ta quá xa, họ có quá nhiều data để có thể xác định được đối tượng khách hàng và trả KPI cho nhà quảng cáo. Giá của họ cực thấp, cực cạnh tranh.
Nhiều cơ quan báo chí hiện nay nguồn thu từ quảng cáo số còn không đủ để trả phí CDN cho nhà mạng và các chi phí dịch vụ kỹ thuật thường xuyên chứ chưa nói đến chi phí đầu tư nền tảng và sản xuất nội dung số.
Vậy trong bối cảnh đó có cách nào để cạnh tranh với Facebook và Google?
- Việt Nam hiện chưa có câu chuyện báo chí thu tiền, và cũng sẽ chưa phát triển được tới mức độ đó vì thị trường hiện nay chưa cho phép. Nhưng tại sao The New York Times sống được bằng tiền thuê bao, thậm chí nguồn thu từ độc giả trả phí đọc online còn lớn hơn nguồn thu từ báo giấy và quảng cáo truyền thống cộng lại.
Điều đó để thấy rằng hóa ra vẫn có cách để cạnh tranh với Facebook, Google. Vì bản thân Facebook và Google không phải là cơ quan báo chí, họ không có năng lực để làm nội dung sâu. Còn những người đăng ký đọc The New York Times, Washington Post là những người có nhu cầu đọc nội dung sâu, chuyên môn và họ đặt niềm tin vào sự chính trực, tính chính danh của các cơ quan báo chí.
Tôi được biết có tạp chí chuyên về trang trại có doanh thu 4,5 tỷ USD/năm. Họ đi vào thị trường cực kỳ ngách nhưng dành cho những người có nhu cầu thật. Họ phân tích mùa màng, thời tiết, thị trường vật tư đầu vào cho nông nghiệp, và cả thị trường đầu ra là sản phẩm.
Việc quan sát tất cả những yếu tố đầu ra, đầu vào đó giúp doanh nghiệp, chủ trang trại và nông dân định hướng sản xuất tốt hơn.
Vẫn là báo chí nhưng là báo chí dữ liệu, báo chí phân tích và đi vào thị trường ngách là một loại nhu cầu thiết yếu. Tôi nghĩ rằng mỗi tờ báo phải có tôn chỉ mục đích riêng, khi làm chiến lược phải có những định hướng ngách cụ thể. Chúng ta vẫn có lượng khán giả mass, nhưng bên cạnh đó mỗi tờ báo phải có bản sắc của mình.
Bây giờ không chỉ là câu chuyện các Đài truyền hình lớn cạnh tranh với nhau, không chỉ là cạnh tranh với Youtube, Facebook, mà trong một nền kinh tế sức chú ý (Attention economy), báo chí còn phải cạnh tranh cả với game online và tất cả những thứ khiến người ta phải nhìn vào màn hình.
Bởi về mặt cơ học, quỹ thời gian của con người có hạn, những thứ khiến người ta dán mắt vào màn hình sẽ lấy mất thời gian xem tivi của bạn. Truyền hình truyền thống tôi tin chắc là sẽ không có cơ hội quay lại thời kỳ hoàng kim.
Quay trở lại với định hướng Truyền hình Quốc hội, ông sẽ có những thay đổi cụ thể nào để tiếp cận gần hơn với người xem?
- Chỉ còn mỗi cách là, nếu người ta không xem mình, thì mình phải tìm đến người ta, thôi thì gọi là "xem cưỡng bức" mình dùng thuật toán, dùng data, AI, dùng hiểu biết của mình về khán giả để tiếp cận họ. Ví dụ AI cho phép ta biết ai xem nội dung gì thì mình sẽ cung cấp nội dung đó. Rất may là nền tảng số và data cho phép chúng ta làm được điều đó.
Tới đây chúng tôi cố gắng phát triển các nền tảng số của THQH, như website, app và mạng xã hội. Chúng tôi cố gắng đầu tư ngay từ đầu để nhận diện được khán giả, xem khán giả là ai, nhu cầu thế nào, họ thích đọc múi giờ nào. Khi data dày lên rồi sẽ giúp chúng tôi cải thiện được trải nghiệm người dùng, từ đó phục vụ khán giả tốt hơn. Khi khán giả đã có rồi thì ảnh hưởng xã hội, quảng cáo sẽ đi theo.
Lời giải không ở đâu cả, chỉ nằm ở câu chuyện "Chuyển đổi số hay là chết". Đó không phải là câu chuyện bị cực đoan hóa hay có gì xa rời cả mà thực tế là như thế. Nhìn biểu đồ tăng trưởng hiện nay, không phải 100% nhưng báo điện tử đang đi xuống. Báo điện tử quá nhiều cạnh tranh, có rất nhiều tờ báo giống nhau mà giống nhau chính là sự chạy đua xuống đáy. Nếu không có sự bứt phá bằng công nghệ hoặc thị trường ngách nào đó thì biểu đồ chỉ có có chúc xuống mà thôi.
Khi VTV mời một chuyên gia nước ngoài về để nói về Chuyển đổi số của các Đài truyền hình công, ông này nói hiện nay mới chỉ có 5% cán bộ ở Đài truyền hình của họ làm về số, tức là những người phát triển app, web, phân tích dữ liệu.
Họ cho rằng 5% là quá ít mà phải là 20%. 20% là con số khủng khiếp vì đa phần các Đài Truyền hình hiện nay đều là truyền hình truyền thống, và Truyền hình Quốc hội cũng vậy. Thay đổi con số đó nghĩa là rất nhiều người bị mất việc và rất nhiều vị trí mới cần phải tuyển. Đó là vấn đề kỹ thuật mà các Tổng biên tập phải giải quyết nhưng để giải quyết được không dễ.
Truyền hình Quốc hội sẽ tập trung vào những nội dung nào trong thời gian tới để truyền tải cho người dân những thông tin về luật hữu ích nhất?
- Hiện nay có 2 nội dung Truyền hình Quốc hội Việt Nam quan tâm là Xanh – Số. Việt Nam vừa cam kết tham gia COP26 đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Khi cam kết như vậy có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế phải đi theo cam kết đó. Ngay cả các ngành nghề nghĩ rằng trước đây có cơ hội phát triển nhưng đặt lộ trình 2050 thì phải tính lại. Phải có truyền thông, chương trình hành động rõ nét hơn. Về luật pháp, cần thể chế hóa các quan điểm, định hướng để Việt Nam sớm cán đích 2050.
Đó là liên quan đến Xanh. Còn liên quan đến Số, lại là câu chuyện rất lớn, thực chất là những vấn đề pháp lý nảy sinh từ vấn đề chuyển đổi số và số hóa nền kinh tế, có sự va đập giữa truyền thống với digital platform (nền tảng số). Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý như thế nào, để cho digital platform hoạt động, vì đó là xu thế.
Chúng ta không thể tư duy không thu thuế, không quản được thì cấm mà phải hình thành hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các digital platform phát triển. Nhưng ngược lại tạo hành lang pháp lý thế nào để các mô hình kinh doanh truyền thống có đủ lực để chuyển đổi. Bởi vì nếu truyền thống đổ vỡ thì sẽ không có digital, vì digital phần nhiều trưởng thành từ truyền thống lên.
Rõ ràng các digital platform xuyên biên giới du nhập vào Việt Nam đặt ra bài toán mới về quản lý. Mình không quản lý được về mặt nội dung của Netflix, họ luôn giữ quan điểm là hậu kiểm. Trong khi đó tất cả nền tảng của Việt Nam hiện nay đều là tiền kiểm.
Rõ ràng có sự vênh nhau giữa hai "người chơi" trên thị trường: OTT nội địa và OTT xuyên biên giới. Bây giờ dự thảo Luật điện ảnh tới đây sẽ được thông qua phải giải quyết câu chuyện đó như thế nào.
Một ngày Netflix lại nói là: "Tôi không phải là OTT (truyền hình Internet) mà tôi chỉ là một hãng công nghệ giống như hồi xưa Uber, Grab nói họ không phải là đơn vị vận tải mà là hãng công nghệ nên không theo luật chuyên ngành". Tất cả những vấn đề đó sẽ trở thành ưu tiên về mặt lập pháp. Xanh và Số nhìn từ góc độ hành lang pháp lý sẽ là những ưu tiên về nội dung của THQH.
Với những mong muốn của mình, việc ông thấy khó khăn nhất hiện nay là gì?
- Khó khăn chung của cơ quan báo chí hiện nay là nguồn nhân lực, còn các vấn đề khác đều có thể giải quyết được, ví dụ không có công nghệ có thể đầu tư công nghệ, đó chỉ là vấn đề tiền. Nếu khó về mặt cơ chế vẫn có thể gỡ được. Nhưng con người thì không thể gỡ được trong ngày một ngày hai.
Thực sự báo hình là một loại hình rất đặc biệt, phải có đào tạo, va vấp một thời gian rồi mới có thể thực hiện được những sản phẩm xem được, chưa kể là sâu, sắc sảo thì phải có quá trình rất mất thời gian. Hiện nay tất cả các đài truyền hình đều gặp phải vấn đề về nhân lực trừ VTV đã có bề dày.
Theo ông có cách nào để giải quyết khó khăn này không?
- Chỉ có cách là đào tạo, cần rất nhiều thời gian. Đào tạo ở nước ngoài, trong nước, tự đào tạo. Phải rút ngắn câu chuyện đào tạo. Thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường Đại học có chuyên ngành báo chí phải nhìn thấy vấn đề này. Phải có bà đỡ, chương trình cụ thể để hỗ trợ cơ quan báo chí, đặc biệt là báo hình trong câu chuyện đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực số.
Ví dụ như có một Hội đồng trong đó tập hợp các nhà báo giỏi, đi đào tạo cho tất cả các cơ quan báo hình. Nếu từng đơn vị làm thì chi phí rất lớn, kể cả mời chuyên gia trong nước lẫn nước ngoài đều quá tải so với một cơ quan báo chí. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn hiện nay, nếu phải cắt giảm thì chi phí đầu tiên người ta hay nghĩ đến là đào tạo.
Liên quan đến ngân sách, theo ông hiện nay truyền hình nhà nước đang gặp phải những khó khăn thách thức nào và nên có đánh giá thế nào để đầu tư ngân sách vào các đài truyền hình nhà nước ?
- Trước kia 100% các Đài truyền hình công đều hưởng ngân sách Nhà nước. Sau này khi truyền thông lên ngôi, truyền hình sống bằng quảng cáo, nhiều thời điểm quảng cáo chiếm quá nửa so với tổng ngân sách hàng năm. Một số Đài truyền hình tự chủ 100% ngân sách, kể cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, luôn luôn có độ vênh giữa thị trường với định hướng nhà nước. Đây không chỉ là câu chuyện đối với Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Hiện nay, chúng ta có 7 kênh truyền hình thiết yếu. Nếu tính về độ phủ, rating, sức ảnh hưởng thì chúng ta chưa có bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá. Nên chăng tới đây chúng ta phải có đánh giá cụ thể để đo được hiệu quả đầu tư cho các đài phát thanh truyền hình công.
Xin cảm ơn Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh với cuộc trò chuyện cởi mở này.