Người dùng bức xúc trước vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Văn Luân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trong khoảng 1-2 tháng trở lại đây, hầu như ngày nào anh cũng nhận được hàng loạt tin nhắn mời mua tour du lịch, nghỉ dưỡng, rao bán đất nền, căn hộ, mời đi spa, khách sạn, mua bảo hiểm, đầu tư tài chính.
"Tôi và vợ dùng 3 SIM của MobiFone, Viettel, VinaPhone đều bị tin nhắn rác làm phiền. Chúng tôi còn bị tin nhắn của chính nhà mạng gửi đến mời mua gói cước 3G, sử dụng các dịch vụ của họ, mua game, ứng dụng cho smartphone. Tôi có ngày nhận được 4-5 tin nhắn kiểu này", anh Luân bức xúc.
Trong khi chị Thu (Long Biên, Hà Nội) cho biết nhiều công ty còn sử dụng tổng đài tự động để gọi cho chị. "Họ dùng số di động hoặc số máy bàn gọi đến. Khi tôi bắt máy thì tổng đài tự động phát thông tin chào mời quảng cáo dịch vụ rồi hướng dẫn bấm tiếp số để nghe tư vấn trực tiếp".
Nhiều người khác cũng than phiền về tin nhắn rác biến tướng các kiểu để tấn công người dùng. Nhiều công ty, cá nhân sử dụng các hệ thống máy tính giả mạo đầu số của nhà mạng để nhắn tin khiến người dùng lầm tưởng là tin nhắn của nhà mạng, hay mua hẳn đầu số dịch vụ kiểu 1900xxxx để nhắn tin làm phiền người dùng. Không dừng lại ở tin nhắn SMS thông thường, nhiều đối tượng còn sử dụng 3G, 4G để nhắn tin rác tấn công người dùng qua Zalo, Viber, Facebook Messenger… khiến họ vô cùng khó chịu.
Nhà mạng phải chịu trách nhiệm về tin nhắn rắc, cuộc gọi rác?
Trả lời với phóng viên Dân Việt về vấn đền tin nhắn rác, cuộc gọi rác "tấn công" người dùng, ông Ngô Vi Đồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: "Trước hết cần hiểu: 1. Tin nhắn rác là tin nhắn trên điện thoại di động có mục tiêu quảng cáo hoặc bán một sản phẩm; 2. Cuộc gọi rác là cuộc gọi trên điện thoại di động có mục tiêu quảng cáo hoặc bán một sản phẩm; 3. Tin nhắn lừa đảo là tin nhắn có chưa link để lừa người nhận click vào link và qua đó thực hiện hành vi lừa đảo.
Nhìn chung, người dùng cần được bảo vệ và tránh các loại tin nhắn-điện thoại kể trên".
Khi được hỏi trách nhiệm của nhà mạng, đơn vị viễn thông với các (3) loại hình trên là gì, ông Đồng nói: "Tin nhắn/cuộc gọi rác hay lừa đảo trên đều thực hiện qua điện thoại. Vì vậy, vai trò của nhà mạng, đơn vị viễn thông rất quan trọng, nếu không nói là quyết định, trong việc làm giảm thiểu hoặc loại trừ loại tin nhắn/cuộc gọi kể trên.
Nhiệm vụ chính của nhà mạng là phải phát hiện (có thể có sự hỗ trợ của người dùng cuối) các số thuê bao có tin nhắn/cuộc gọi rác hay lừa đảo trên. Sau đó có biện pháp chế tài đối với số thuê bao này để số này hoặc vĩnh viễn, hoặc trong khoảng một thời gian xác định, không thể thực thi các tín nhắn hoặc cuộc gọi nữa.
Hiện nay chúng ta đã có các qui định về mua SIM điện thoại phải có giấy tờ xác thực, số lượng của một người được sở hữu không quá lượng xác định số phone... nhưng nạn SIM rác (tức SIM đã được kích hoạt và người mua không cần xác thực khi sở hữu chúng) vẫn còn. Có thể nói còn SIM rác thì còn tin nhắn/cuộc gọi rác.
Mặc khác, các nhà mạng phải có cơ chế thông tin qua lại với nhau để người nhắn tin rác không có khả năng "chạy" từ nhà mạng này qua nhà mạng khác. Một số nhà mạng hiện nay cung ứng cơ chế cho phép người dùng có thể xác định với nhà mạng một cuộc gọi có là rác hay không. Căn cứ trên thông tin này, nhà mạng cần xử lý ngăn sử dụng số này một thời gian hoặc vĩnh viễn. Hiệu quả cuộc giải pháp này cần được các nhà mạng công bố chính thức".
Về chế tài với các nhà mạng, ông Đồng cho biết: "Hiện nay, hệ thống văn bản Pháp lý đã được ban hành để xử lý nhà cung cấp dịch vụ mạng và người vi phạm việc sử dụng thông tin cá nhân có liên quan tới số điện thoại.
Để các biện pháp chế tài được hữu hiệu, chúng ta cũng phải chú ý đến bài toán lợi ích. Do cuộc gọi/tin nhắn dù rác hay lừa đảo vẫn mang lại doanh thu cho nhà mạng, thuê bao rác nhưng vẫn được tính vào số lượng thuê bao hay khả năng bao phủ cho nên cần có chế tài với thiệt hại kinh tế lớn hơn các lợi ích kể trên mới có hiệu quả đối với nhà mạng.
Việc xác định tổ chức/cá nhân phát đi tin rác hoặc chứng minh nhà mạng cho phép tin rác được chuyển đi khá khó khăn, tốn kém và ít khả thi trên thực tế. Vì vậy hiện nay, chúng ta vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào chống lại cuộc gọi/tin nhắn rác hoặc lừa đảo.
Biện pháp hữu hiệu và khả thi có thể là hình thành tổ chức kiểm tra độc lập (với nhà mạng) và có khả năng thực thi các biện pháp để đảm bảo:
- Mua SIM phải có xác thực, không có SIM rác. Nếu phát hiện có SIM rác thì số phone đó bị khóa và nhà mạng bị điểm trừ dẫn tới khả năng bị phạt.
- Người bị cấm (một khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn) do nhắn tin/cuộc gọi rác không thể mua SIM từ nhà mạng khác."
Trong khi trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trương Đức Lượng - CEO Công ty CP An Ninh mạng Việt Nam cũng khẳng định: "Theo , xử lý tin rác cần bắt đầu với quy định pháp luật, định nghĩa tin rác, tin quảng cáo hợp lệ. Việc gửi tin quảng cáo là nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp. Pháp luật cần đưa ra quy định để đảm bảo công việc này diễn ra hợp lệ, không gây phiền nhiễu hoặc các hậu quả xấu cho người dùng. Trong cách tiếp cận này, nhà mạng đóng vai trò một đối tác kỹ thuật/công nghệ hỗ trợ cho nhà nước trong việc thực hiện đúng và cũng như hỗ trợ giám sát hoạt động này.
Với những tin nhắn rác vi phạm, đơn vị gửi sai cần bị chế tài phạt dựa trên khối lượng vi phạm, khối lượng vi phạm càng lớn thì mức độ phạt tương ứng càng cao và có tính chất răn đe. Nhà mạng là đối tác có nhiệm vụ phối hợp với nhà nước trong việc cung cấp thông tin khi được yêu cầu".
Về câu hỏi người dân nên làm gì, bảo mật thông tin ra sao để tránh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, ông Lượng khuyến cao: "Người dân nên chủ động cảnh báo/báo cáo các trường hợp tin nhắn rác cho nhà mạng. Tin nhắn rác đặc biệt nguy hiểm nếu đó là tin nhắn lừa đảo và trường hợp này người dùng cần báo cáo nhà mạng ngay lập tức và các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý theo pháp luật".
Ông Ngô Vi Đồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nêu quan điểm: "Việc biết một số điện thoại không khó và biết số điện thoại cùng tên cũng có thể thực thi được thông qua việc mua bán các danh sách. Vì vậy, người dùng khó có thể thể hạn chế được việc người khác biết số điện thoại của mình.
Có chăng là nên phản hồi kịp thời với nhà mạng về cuộc gọi/tin nhắn rác hoặc lừa đảo để giúp cho nhà mạng cấm số thuê bao đó và mọi người tránh được các cuộc gọi tin nhắn từ số phone này".
Một đại diện nhà mạng lớn ở Việt Nam cũng cho biết: "Chúng tôi ngoài các biện pháp áp dụng cho thuê bao, cũng song song áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện bằng các nội dung text của tin nhắn hay tần suất cuộc gọi đi từ một số thuê bao để rà soát lọc và khóa thuê bao vi phạm".
Bộ TT&TT hướng dẫn đối phó với tin nhắn rác, cuộc gọi
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 22/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 91/2020 về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Thông tư hướng dẫn người sử dụng phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác. Theo đó, người sử dụng soạn tin nhắn phản ánh theo cú pháp: S [Nguồn phát tán][Nội dung tin nhắn rác] hoặc S (nguồn phát tán)(Nội dung tin nhắn rác) gửi 5656.
Tương tự, để phản ánh, cung cấp các bằng chứng cuộc gọi rác: Người sử dụng soạn tin nhắn phản ánh theo cú pháp: V [Nguồn phát tán][Nội dung cuộc gọi rác] hoặc V [Nguồn phát tán][Nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656.
Để phản ánh, cung cấp các bằng chứng thư điện tử rác: Người sử dụng phản ánh thông qua việc chuyển tiếp thư điện tử rác tới địa chỉ thư điện tử: chongthurac@vncert.vn.
Ngoài ra, người sử dụng có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng.
Thông tư cũng hướng dẫn người dùng đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không quảng cáo: Cú pháp đăng ký: DK DNC S gửi 5656; Cú pháp hủy: HUY DNC S gửi 5656.
Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo: Cú pháp đăng ký: DK DNC V gửi 5656; Cú pháp hủy: HUY DNC V gửi 5656.
Đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không nhận tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo; Cú pháp đăng ký: DK DNC gửi 5656; Cú pháp hủy: HUY DNC gửi 5656.
Bên cạnh đó, người sử dụng có thể đăng ký hoặc hủy qua website khongquangcao.ais.gov.vn hoặc tổng đài hoặc ứng dụng. Mọi đăng ký hoặc hủy đăng ký Danh sách không quảng cáo qua website hoặc qua ứng dụng phải được xác thực qua số điện thoại đã thực hiện đăng ký hoặc hủy đăng ký.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2022.