Ứng dụng TikTok đã đạt mốc 1 tỷ người dùng hoạt động thường xuyên hàng tháng vào tháng 9 năm nay. ByteDance đã thực hiện một số động thái gồm mở rộng đội ngũ tại Singapore, hướng đến hỗ trợ mục tiêu mở rộng quy mô toàn cầu, cho phép TikTok lấn sân sang thương mại điện tử.
Mùa hè năm nay, công ty hợp tác với Shopify thử nghiệm tính năng mua sắm trên TikTok ở Mỹ, Anh và Canada. Theo một số trang tin truyền thông Trung Quốc, ứng dụng TikTok Seller đang được sử dụng chủ yếu và ưa thích bởi người bán hàng ở Đông Nam Á.
Theo dự báo năm 2021 từ Adobe Digital Economy Index, ngành thương mại điện tử toàn cầu có thể đạt đến giá trị 4.200 tỷ USD. Đại dịch COVID-19 cũng đẩy nhanh tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở nhiều nơi trên thế giới.
Như vậy, sau những động thái tương tự của Facebook và Instagram, ByteDance, công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới và là chủ sở hữu Tiktok, đang tăng cường nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình ở cả trong và ngoài nước.
Nếu như Facebook - mạng xã hội phổ biến nhất thế giới - phải mất 7 năm (từ năm 2004) để thu hút được 800 triệu người dùng thì cái tên mới nổi như TikTok chỉ mất 3 năm (từ năm 2017) để đạt được cột mốc tương tự.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, TikTok đã bứt tốc trở thành một trong những mạng xã hội được ưachuộng nhất. Ở đâu có đông người dùng thì ở đó sẽ có khách hàng, chính vì vậy, hashtag #TikTokMadeMeBuyIt (tạm dịch: TikTok khiến tôi phải mua) đã thu về 6,1 tỷ lượt xem video.
Ứng dụng này đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các nhà bán lẻ và có thể khiến cạnh tranh trong mảng thương mại điện tử trở nên gay cấn hơn trong thời gian tới, đặc biệt khi Đông Nam Á hiện là một trong những thị trường mục tiêu của Bytedance và Tiktok.