Tiểu thương thích nghi với các hình thức thanh toán hiện đại

04/04/2023, 10:34

Không chỉ tại các cửa hàng lớn, siêu thị, nhà hàng mới triển khai thanh toán số, giờ đây các tiểu thương tại những khu chợ nhỏ cũng đang dần thích nghi với hình thức thanh toán hiện đại, giúp người tiêu dùng có thể thanh toán không tiền mặt ở bất cứ đâu, bất cứ giá trị nào.

Chị Bùi Thị Diệu ứng dụng thanh toán số trong công việc bán hàng hằng ngày.

Vào hè, mỗi ngày chị Bùi Thị Diệu, tiểu thương tại chợ sinh viên, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình có thể bán vài trăm lít nước mía. Bên cạnh công việc chính là ép nước mía cho khách thì chuẩn bị tiền lẻ trả lại khách đã trở thành thói quen, nhất là khi quán tấp nập người. Tuy nhiên, gần đây chị đã số hóa cho quán nước mía nhỏ của mình bằng cách đặt mã quét QR. "13 nghìn 1 lít nước mía nên hầu như lúc nào tôi cũng mất thêm thời gian để trả tiền thừa cho khách. Gần đây, phải có tới 30 - 40% lượng khách mua hàng hỏi xem có chuyển khoản không nên tôi cũng làm một mã quét để tiện phục vụ mọi đối tượng". 

Chị Diệu cho biết: Ngày nay, đi đến đâu người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng lựa chọn nhiều phương thức thanh toán phù hợp, ngoài tiền mặt còn có các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, Internet banking, quét mã QR… hoặc thanh toán gián tiếp qua các tổ chức tín dụng. Thậm chí để thay thế thanh toán không tiền mặt, mỗi người dùng còn có đến 2, 3 tài khoản ngân hàng khác nhau, phòng trường hợp mà ngân hàng này lỗi thì có ngân hàng khác thay thế. 

Chị Tống Thị Liên (35 tuổi, trú tại phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) chia sẻ: "Tôi thấy rất ngạc nhiên, không nghĩ là chỉ mua mớ rau, cân hoa quả vài nghìn cũng có thể quét QR. Ở Ninh Bình giờ đi đâu cũng tiện khi không nhất thiết ra đường phải cầm tiền mặt theo. Điều này tiện lợi cho cả chủ cửa hàng và người mua vì giảm bớt được thời gian chờ thanh toán, cũng ít khi nhầm lẫn được số tiền". Nhanh nhạy với sự điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách, những tiểu thương kinh doanh mặt hàng nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn tỉnh đều thích ứng rất nhanh. 

Chị Phạm Thị Duyên, chủ quầy bán thịt lợn tại góc chợ Kim Đồng, thành phố Ninh Bình đã nhanh chóng đăng kí làm ngay một mã quét QR đặt trước quầy. Chị cho biết: Nhiều khách đến hỏi giục chị mở tài khoản ngân hàng hay mã quét QR để tiện thanh toán nhưng chị cũng không am hiểu về công nghệ và hình thức thanh toán này lắm nên còn lưỡng lự. Tuy nhiên, được các tư vấn viên của ngân hàng đến tận quầy hướng dẫn, giúp đỡ, làm mã quét miễn phí, thêm việc hầu hết các tiểu thương quanh chợ đều đã đa dạng hóa hình thức thanh toán nên chị đã đồng ý làm luôn. 

Với những lợi ích vượt trội như tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính an toàn, bảo mật, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu. Những yếu tố này cũng là lí do khiến những chủ cửa hàng nhỏ lẻ quyết định nâng cấp thanh toán cho khách hàng, vì vậy số lượng các điểm thanh toán có gắn mã QR tại các chợ dân sinh hiện nay ngày càng tăng lên, khách hàng đi đến đâu cũng có thể dễ dàng thanh toán. 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt tính đến hết tháng 11/2022 đã có sự tăng trưởng khoảng 85% về số lượng giao dịch và 31% về giá trị giao dịch. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt qua quét mã QR, điện thoại di động và Internet đều tăng trưởng mạnh, lần lượt là 185%, 116% và 89%. Chứng tỏ thanh toán trên điện thoại di động đã dần trở thành thói quen của người tiêu dùng không phân biệt vùng miền, nghề nghiệp. Đây cũng là cơ hội cho các tiểu thương số hóa quầy hàng của mình để bắt kịp xu thế 4.0. 

Anh Thái Bá Thắng, tư vấn viên của Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Ninh Bình cho biết: Nhằm đa dạng tệp khách hàng và phổ biến dịch vụ tới mọi đối tượng khách, Ngân hàng thực hiện chiến dịch mở tài khoản, mở mã quét QR miễn phí vào thứ 7 hàng tuần. Khách hàng không phải đến tận nơi vẫn có thể đăng ký tài khoản và có mã quét bởi quy trình thực hiện rất đơn giản, chỉ cần cung cấp căn cước công dân, các thủ tục đều được nhân viên hỗ trợ, gửi thẻ và mã về tận nhà. 

Việc thay đổi trong cách thức thanh toán, hạn chế dùng tiền mặt của các tiểu thương góp phần giúp khách hàng tránh các rủi ro, còn chủ cửa hàng quản lý tài chính tốt hơn, cả người bán và người mua hạn chế được tình trạng trộm tiền, tiền giả, tiền cũ hỏng, rơi tiền. Khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng không còn phải lo lắng đã kiểm đếm đúng, đủ tiền hay chưa. Bởi vì các ứng dụng thanh toán cho phép người dùng nhập số tiền chính xác đến từng đồng. 

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm vượt trội, người dùng cần lưu ý những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thanh toán như gặp lỗi thanh toán do mạng, các tin nhắn giả mạo gắn đường dẫn liên kết lừa đảo chuyển tiền, đánh cắp mã OTP qua các cuộc gọi mạo danh, cập nhật sai ứng dụng ngân hàng… Từ đó nâng cao cảnh giác và trở thành người tiêu dùng thông thái. 

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO