Tiến tới xây dựng Quốc hội điện tử 

22/11/2021, 10:43

Để bước vào tiến trình chuyển đổi số, bắt buộc phải thay đổi phương thức hoạt động, cách thức tiếp cận. Việc cài đặt các phần mềm, ứng dụng để nhận, tra cứu và tham khảo tài liệu, chuyển từ giọng nói thành văn bản… thời gian gần đây đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần khẳng định bước chuyển rất lớn trong công cuộc xây dựng “Quốc hội điện tử”.

Khắc phục được nhiều điểm bất cập

Đó là đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội Phạm Lê Hằng về công tác chuyển đổi số và hoạt động trực tuyến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội hiện nay. Theo đó, lãnh đạo Quốc hội Khóa XIV rất quan tâm lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Với sự hỗ trợ của Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) phát triển phần mềm - một đơn vị phát triển ứng dụng của Quốc hội, đã đưa những phần mềm rất hiệu quả vào phục vụ cho đại biểu.

Công nghệ hiện đại sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các đại biểu Quốc hội

“Là đơn vị tham mưu về công nghệ thông tin, chúng tôi luôn mong muốn đưa những công nghệ mới vào phục vụ cho hoạt động Quốc hội, làm sao hỗ trợ cho việc xây dựng pháp luật được tốt hơn” - Bà Hằng khẳng định.

Song, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Tin học đã cố gắng đóng góp vào sự thành công chung của Quốc hội. Đơn cử như với việc họp trực tuyến, năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch AIPA cũng là năm AIPA tổ chức họp trực tuyến, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức hoạt động quan trọng này.

“Có những vấn đề mang tính tiểu tiết nhưng thực tế rất quan trọng như làm sao để các đầu cầu giúp cho các lãnh đạo của Quốc hội của các nước có thể ký cùng vào một văn kiện, nhưng chúng ta đã tổ chức thành công và được các nước đánh giá rất cao” - bà Phạm Lê Hằng chia sẻ.

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề như hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế, mặc dù những năm gần đây đã được quan tâm cải thiện, nâng cấp nhưng cũng có nhiều thiết bị lạc hậu. Dù triển khai các ứng dụng phần mềm, nhưng cơ sở dữ liệu đang còn riêng lẻ chưa thành kho dữ liệu chung, chưa đồng bộ với nhau nên khi sử dụng còn khó khăn. Trong khi đó, phòng máy của Trung tâm Tin học đã được đầu tư từ khá lâu, thiết bị cũng xuống cấp, tiêu chuẩn của phòng máy truyền chưa đạt được tiêu chuẩn chung.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan của Quốc hội còn có những hạn chế. Người dùng sử dụng trong hệ thống mạng của Văn phòng Quốc hội chưa đồng đều về trình độ. Một số đơn vị cũng chưa đánh giá đúng về ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn; đầu tư về công nghệ thông tin còn chưa tương xứng. Các phần mềm hiện nay đã được các bộ đầu tư nhưng phần lớn theo nhu cầu đơn lẻ, rời rạc.

Liên tục cập nhật, đáp ứng yêu cầu mới

Thời gian qua, Trung tâm Tin học với vai trò tham mưu về công nghệ thông tin cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã chủ động và tham mưu nhiều phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho các cơ quan của Quốc hội, giúp đưa hoạt động của Quốc hội đến với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, cử tri và đồng bào cả nước.

Bảo mật thông tin là yêu cầu được đặt lên hàng đầu

Trên cơ sở những tồn tại đã chỉ ra, Trung tâm Thông tin sẽ tiếp tục tham mưu nhằm bảo đảm cho việc triển khai hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp và tăng cường khả năng chia sẻ, liên kết thông tin. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn, hệ thống thiết bị mạng cáp, công nghệ hỗ trợ bảo đảm việc lưu trữ dữ liệu. Với công nghệ thay đổi nhanh chóng, Trung tâm Tin học luôn phối hợp, liên kết chặt chẽ với các công ty cũng như các bộ ngành, đơn vị để kịp thời đáp ứng những yêu cầu mới.

Một yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số là bảo mật thông tin - yêu cầu được đặt lên hàng đầu khi đưa công nghệ thông tin vào phục vụ cho hoạt động của Quốc hội. Theo đó, máy tính đại biểu Quốc hội cần được rà soát, bảo đảm an toàn. Việc tích hợp cơ sở dữ liệu của Hội đồng dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thành kho dữ liệu tập trung, phục vụ cho hoạt động của Quốc hội cũng như triển khai các ứng dụng tích hợp phục vụ cho công tác điều hành tổng thể của lãnh đạo Quốc hội cũng là vấn đề đang được quan tâm.

Ngoài ra, Trung tâm còn tham mưu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý xây dựng luật phục vụ hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan như so sánh văn bản luật và xem những điều luật này đã quy định ở đâu, chưa chuẩn xác cần phải sửa đổi, bổ sung. Hay về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, cần xây dựng thành một bộ từ điển cho đại biểu Quốc hội vì có những vấn đề cử tri hỏi rất nhiều. Trung tâm cũng đã phối hợp với Ban Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội để cập nhật những dữ liệu đó vào trong hệ thống phục vụ cho đại biểu Quốc hội. Qua đó, đại biểu Quốc hội có thể tra cứu những nội dung cần thiết.

“Những kết quả đã đạt được cũng chỉ là bước đầu, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng một bộ từ điển để giúp cho đại biểu Quốc hội có thể tra cứu nhanh chóng như cơ sở dữ liệu mật mà trung tâm đã làm để giúp cho đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận được những dữ liệu một cách dễ dàng, thuận lợi hơn” - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học nhấn mạnh.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO