Tiền kỹ thuật số quốc gia có thể cạnh tranh với các loại tiền điện tử khác?

27/12/2021, 10:40

Nhiều dấu hỏi được đặt ra về tính cạnh tranh của tiền kỹ thuật số quốc gia được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu triển khai so với các đồng tiền điện tử khác đang tồn tại trên thị trường hiện nay.

Mới đây, trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Đây là thông tin nhận được nhiều chú ý trong bối cảnh hiện vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng cho tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. 

Ngày 26.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Trần Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM) cho biết, vấn đề về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương phát hành đã được nhiều quốc gia nghiên cứu trong  2 - 3 năm trở lại đây và sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới. Bởi theo dự báo, tiền kỹ thuật số sẽ lên ngôi khi ứng dụng công nghệ thực tế ảo ngày càng trở nên phổ biến. 

"Tôi cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế cho tiền kỹ thuật quốc gia là một hướng đi đúng đắn. Chúng ta cần có nghiên cứu để có sự chuẩn bị, đi theo đúng xu thế của thế giới, nhằm có những phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, triển khai tiền kỹ thuật số quốc gia vẫn còn những khó khăn như tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp và các rào cản về mặt công nghệ, khả năng thích ứng với các bất ổn tài chính khi triển khai,..." - TS Trần Hùng Sơn nói. 

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế này, triển khai tiền kỹ thuật số quốc gia có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích trong nỗ lực thống kê nền kinh tế phi chính thức.

Liên quan đến câu hỏi, liệu rằng tiền kỹ thuật số quốc gia có thể cạnh tranh được với các đồng tiền điện tử đang phổ biến hiện nay như bitcoin, ethereum,... chuyên gia kinh tế này cho rằng điều đó sẽ "phụ thuộc vào cộng đồng sử dụng và chưa thể trả lời được" trong thời điểm này. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, đồng tiền kỹ thuật số quốc gia còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.

Không những vậy, tiền kỹ thuật số sẽ tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO