Thương mại điện tử kích cầu tiêu thụ nông sản

16/01/2023, 09:19

Nắm bắt lợi thế, xu thế phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), năm 2022, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ DN, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, tiêu thụ nông sản trong nước và xuyên biên giới bằng việc kết nối với nhiều sàn giao dịch TMĐT.

Mở rộng thị trường, tiêu thụ nông sản thuận lợi

Thời gian qua, một số loại nông sản, trái cây Việt Nam đã tiếp cận thành công và chiếm thị phần khá cao tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vẫn cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nhằm giữ vững thị phần và nâng cao giá trị gia tăng. Một trong những cách giúp tăng cường hiện diện của thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đó là tận dụng các website về TMĐT.

Sản phẩm quýt Bắc Kạn trên sàn TMĐT Shopee. Ảnh minh họa

Thực tế đã chứng minh, tham gia vào sàn giao dịch TMĐT đã và đang giúp DN tiết kiệm nhiều chi phí đi hội chợ, kết nối trực tiếp. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy, các đối tác thương mại bên Trung Quốc hầu hết đều là truyền thống, đã giao dịch từ lâu nay. Nhưng công ty vẫn tham gia sàn TMĐT như một phân khúc để mở rộng tệp khách hàng của mình, tìm kiếm các đối tác lẻ.

“Tham gia sàn TMĐT Alibaba giúp tiếp kiệm chi phí kết nối, song DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, lãnh sự quán để xác định tính uy tín và tin cậy của đối tác bên Trung Quốc” - bà Ngô Tường Vy chia sẻ.

Tại Hà Nội, trong năm 2022, TP đã tích cực hỗ trợ các đơn vị đưa nông sản sạch lên sàn TMĐT. Cụ thể, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội” (www://check.hanoi. gov.vn) cho 3.135 hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói... với 11.204 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP và Bưu điện Hà Nội phối hợp rà soát, thu thập thông tin tối thiểu 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu và bán nông sản trên sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn, Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng. Qua đó, hàng trăm tấn nông sản các loại (rau, củ, quả, sản phẩm chế biến…) của các hộ sản xuất, đơn vị cung ứng trên địa bàn TP được tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) Đào Thị Lương, tham gia sàn TMĐT, hợp tác xã và người nông dân dễ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Hiện tại, việc bán sản phẩm trên các sàn TMĐT góp phần giúp hợp tác xã tiêu thụ 500 - 700kg rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt 18 - 20 tỷ đồng/năm.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã

Để phát triển TMĐT, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt chương trình kết nối TMĐT kết hợp đào tạo, tập huấn TMĐT tại một số tỉnh, TP. Đặc biệt đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức TMĐT.

Nông sản, đặc sản địa phương, vùng miền lên sàn TMĐT Sendo. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiệu quả nhất phải kể đến việc Bộ phối hợp với UBND các tỉnh, TP tổ chức nhiều hội nghị kết nối TMĐT tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Những hội nghị này đều có tham gia của các sàn TMĐT lớn như: Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada và đối tác chuyển phát như VNPost, Viettel Post... đã hỗ trợ hàng nghìn lượt DN tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên TMĐT.

Thông qua các sự kiên trên, nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu như vải thiều, nhãn lồng, bưởi, na, dừa… cùng những mặt hàng thực phẩm đặc sản như: Nước mắm, mật ong, cà phê... được quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn giao dịch TMĐT.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước và đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông trực tuyến cho Cuộc vận động, hỗ trợ DN Việt phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hình ảnh của DN Việt trên môi trường trực tuyến thông qua Cổng thông tin về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (www.tuhaoviet.vn).

Bộ cũng tiếp tục triển khai những chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác, sàn TMĐT quốc tế lớn như: Amazon, Alibaba, JD, Sea Group… để thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới. Thông qua các chương trình hợp tác này, sản phẩm đặc sản Việt Nam do DN sản xuất có thể xuất khẩu qua TMĐT thông qua hình thức B2B, B2B2C đến với thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ đang tập trung xây dựng sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh thành (sanviet.vn), kết nối và tạo nền tảng hỗ trợ cho cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hoá, kết nối dịch vụ, tạo điều kiện phát triển thị trường TMĐT một cách cạnh tranh, minh bạch; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu bán lẻ trực tuyến tập trung xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương và giúp người tiêu dùng cuối cùng mua được sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO