Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G

19/01/2022, 10:24

Viễn thông Việt Nam đặt ra mục tiêu phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất là hạ tầng băng rộng trong đó có mạng di động 5G.

Trong năm 2021, dù chịu tác động của dịch COVID-19, các nhà khai thác mạng di động trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục thúc đẩy triển khai mạng 5G nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 Đón đầu xu hướng thương mại hóa 5G (Ảnh tư liệu)

Theo báo cáo Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), hiện đã có hơn 180 nhà mạng tại 72 quốc gia/vùng lãnh thổ triển khai thương mại mạng 5G.

Với mục tiêu, viễn thông Việt Nam phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất là hạ tầng băng rộng trong đó có mạng di động 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đấu giá và cấp phép các băng tần cho di động 4G và 5G; tháo gỡ "nút thắt" về cơ sở pháp lý của việc triển khai đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bộ cũng đã thúc đẩy, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai thử nghiệm công nghệ, dịch vụ 5G, theo đó các doanh nghiệp hiện đã thử nghiệm 5G, trong đó có sử dụng các thiết bị Make in Vietnam tại 16 tỉnh/thành phố trên cả nước, với hơn 500 nghìn thuê bao, tốc độ trung bình hiện đạt từ 500-600 Mbps nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ truy cập của mạng 4G.

Bộ cũng đã ban hành các quy chuẩn về 5G, như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 128:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối mạng thông tin di động 5G độc lập - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 127:2021/BTTTT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G – (QCVN 126:2021/BTTTT).

Trong năm 2022 này, hạ tầng cáp quang được triển khai tới 100% các thôn, bản. Đây là hạ tầng truyền dẫn quan trọng để triển khai nhanh phần vô tuyến và đảm bảo chất lượng.

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế, khi cấp phép 2G, 3G và 4G đã được xây dựng cách cấp phép để tất cả các giấy phép đều hết hạn vào năm 2024 và các băng tần số sẽ được xem xét, tiếp tục quy hoạch, cấp phép cho phù hợp với công nghệ mới 5G hiện nay và các công nghệ tiếp theo.

Để giảm dần các thuê bao sử dụng các công nghệ 2G, 3G chuyển sang điện thoại công nghệ 4G trở lên, điện thoại thông minh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm dần thuê bao sử dụng công nghệ cũ trên mạng và sẽ dừng công nghệ không còn phù hợp khi số lượng thuê bao trên mạng còn dưới 5%, Bộ đã ban hành quy chuẩn đề thiết bị điện thoại nhập khẩu vào Việt Nam phải có công nghệ 4G.

Bộ cũng đã đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao, khu vực cho nhu cầu, đây là quyết tâm của ngành thông tin và truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổng kết đánh giá quá trình thử nghiệm mạng 5G, xây dựng tiêu chí về vùng phủ, chất lượng để cấp phép; giải pháp sử dụng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác mạng đồng thời làm chủ công nghệ 5G thông qua việc sử dụng thiết bị Make in Vietnam./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO