Thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng bằng ứng dụng khoa học công nghệ

Bình Minh | 25/08/2021, 09:35

Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025" tại tỉnh Sóc Trăng đưa ra được nhiều giải pháp quan trọng đã, đang và sẽ tạo nên những “đòn bẩy” để thúc đẩy vùng khó khăn từng bước phát triển trong những năm tới.

Hệ thống truyền thanh cấp xã đang được đầu tư, ứng dụng công nghệ số để cung cấp thông tin đến cho người dân vùng DTTS. (Ảnh minh họa: Bình Minh)

...Từ ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Một Đề án đáng chú ý trong thực hiện công tác dân tộc tại tỉnh Sóc Trăng đó là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025”.

Sau một thời gian triển khai Đề án, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã bước đầu xây dựng và thực hiện được bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán; các sản phẩm truyền thống của dân tộc thiểu số, thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

Đồng thời, các giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh cũng được xác định để hỗ trợ phổ biến đường lối, chính sách pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chuẩn đoán khám chữa bệnh từ xa đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp đó, tỉnh Sóc Trăng cũng xây dựng lộ trình các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc.

Cùng với nhóm giải pháp về nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc, theo Kế hoạch của tỉnh Sóc Trăng, nhóm giải pháp về đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được lên phương án để thực hiện.

Cụ thể, từng bước xây dựng và tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo vùng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng và triển khai nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình tổ chức đào tạo từ xa cũng sẽ được tổ chức trực tuyến tập trung vào lĩnh vực tiếng dân tộc, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số...

Ngoài ra, cán bộ làm công tác dân tộc cũng được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông bằng nhiều hình thức đào tạo phù hợp về các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng.

Đến ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất...

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, thực hiện công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2021, nhiều chương trình, đề án, dự án khác cũng được triển khai tại vùng dân tộc thiểu số.  

Cụ thể, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” đã có 3 dự án KH&CN với tổng kinh phí là 25 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN trung ương là 10.760 triệu đồng; nguồn đối ứng của địa phương là 762.476.900 đồng; nguồn khác 13.477.523.100 đồng. Trong đó gồm: Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và phát triển nghề nuôi chim yến tại tỉnh Sóc Trăng”; Dự án “Mô hình sản xuất gạch block bê tông bọt không chưng áp thay thế các cơ sở sản xuất gạch đất nung tại tỉnh Sóc Trăng”.

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai 17 đề tài, dự án có liên quan đến việc phát triển du lịch sông nước miệt vườn; phát triển mô hình xã nông thôn mới thông minh; xây dựng một số mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc sức khỏe... phù hợp với điều kiện của địa phương để góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn từ dịch bệnh và thiên tai, song theo đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, thông qua các chương trình, dự án về ứng dụng KH&CN đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa các cây trồng, vật nuôi và tuân thủ những quy định, khuyến cáo của các ngành chức năng trong việc tổ chức sản xuất... từ đó sản xuất, đời sống của đồng bào tiếp tục được nâng lên, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Theo đánh giá chung về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, UBND tỉnh Sóc Trăng đã giao Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức triển khai, hướng dẫn các địa phương trong tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình, dự án, chính sách dân tộc đúng theo quy định. Ban Dân tộc tỉnh đã phát huy vai trò trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản và chỉ đạo thực hiện chương trình, dự án, chính sách dân tộc; hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc; triển khai thực hiện các chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số...

Như vậy, từ các hoạt động của Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025”, cho đến các chương trình, dự án ứng dụng KH&CN, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy phát triển từng bước vùng dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức triển khai các chính sách dân tộc, tôn giáo: Ban Dân tộc đã tổ chức 1 cuộc Họp mặt thông tin tình hình kinh tế - xã hội và chính sách dân tộc, tôn giáo như: Thông tin tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và một số chính sách dân tộc mới; tuyên truyền ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống Covid - 19; thông tin tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong thời gian tới) cho 230 đại biểu là các vị Trụ trì, nhân sỹ trí thức, Archa và Ban Quản trị 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh, với kinh phí thực hiện 94,620 triệu đồng. Thực hiện chuyên đề “Dân tộc và Phát triển”: Ban Dân tộc phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng xây dựng 11 chuyên mục truyền thông thực hiện chuyên đề “Dân tộc và Phát triển”, phát sóng định kỳ 1 chuyên đề/tháng.

 

 

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO