Thị trường an ninh mạng trong nước đã “đổi chiều”

10/11/2021, 11:09

Thị trường an ninh mạng Việt Nam vốn rất nhiều tiềm năng nhưng trước đây phần lớn quen thuộc với các giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, “sân chơi” này đã đổi chiều khi lợi thế đang dần nghiêng về phía các doanh nghiệp trong nước.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông, nếu như năm 2015, tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam chỉ chiếm 5%, thì đến năm 2020 đạt 91%, năm 2021 ước đạt 100%. Ngoài ra, tỷ lệ doanh thu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài tăng từ 18% năm 2015 lên 45% năm 2020, năm 2021 là hơn 50%. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng.

Thực tế cho thấy, thị trường an ninh mạng trong nước ngày càng có nhiều tiềm năng khi tội phạm mạng đang diễn biến phức tạp hơn, nhất là trong đại dịch Covid-19. Đại tá Nguyễn Ngọc Cương - Phó cục trưởng Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Cục đã phát hiện 1.555 các trang web, trang thông tin điện tử có tên miền .vn bị tấn công, chèn các thông điệp của tin tặc, trong đó có 412 trang thuộc quản lý của cơ quan nhà nước; trên 221.000 tin, bài chứa thông tin xấu, sai sự thật đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội… Cùng với đó, các thủ đoạn tấn công cũng tinh vi hơn với nhiều công nghệ mới.

Ảnh minh họa

Ông Trần Minh Quảng - Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ An ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) cũng thông tin, số liệu thống kê trên nền tảng chia sẻ tri thức an ninh mạng - Viettel Threat Intelligence đã cho thấy tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam ngày càng phức tạp, nguy hiểm.

Có khoảng gần 2 nghìn trang web giả mạo các tổ chức tại Việt Nam trong thời gian qua. Số lượng các trang web lừa đảo tăng dần theo quý, cao nhất là 692 trang web lừa đảo trong quý III/2021, mục tiêu chủ yếu vào ngành tài chính - ngân hàng.

Do đó, nguy cơ bị tấn công mạng tăng cao là yếu tố quan trọng nhất làm tăng nhu cầu về an toàn thông tin tại Việt Nam, đồng thời các yếu tố khác như quy định, văn bản pháp luật về lĩnh vực này cũng góp phần không nhỏ vào nhu cầu an toàn thông tin.

Báo cáo tình hình an toàn thông tin Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 do Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) công bố mới đây cho thấy, thị trường an toàn thông tin toàn cầu đạt 162,5 tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR 2020 - 2025) khoảng 12,5%, dự kiến đạt 418,2 USD vào năm 2028. Trong đó, thị trường Việt Nam với tốc độ tăng trưởng CAGR khoảng 16,9%, trong năm 2021, quy mô thị trường an toàn thông tin Việt Nam dự kiến đạt 97,9 triệu USD, tương đương 2.252 tỷ đồng.

Trong đó, theo báo cáo của Ken Research, với mức độ trưởng thành an toàn thông tin cao, tài chính và ngân hàng chiếm phần lớn tỷ trọng nhu cầu về an toàn thông tin tại thị trường Việt Nam. Trong đó đặc biệt là nhóm NHTM cổ phần và các công ty chứng khoán, có sự bùng nổ về lượng giao dịch trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Ngoài ra, một số đơn vị liên quan tới y tế và sức khỏe cũng bắt đầu chú trọng vào an toàn thông tin do tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thông tin vaccine bị lừa đảo nhiều. Báo cáo chỉ ra, nhờ vào tình hình kinh doanh và tốc độ tăng trưởng khả quan năm 2021, nhóm doanh nghiệp lớn được đánh giá tiềm năng và triển vọng đầu tư an toàn thông tin trong các năm tiếp theo. Các nhóm ngành tiềm năng như: Bất động sản, điện, viễn thông, công nghệ thông tin, dầu mỏ, bán lẻ, than, khoáng sản.

Cũng theo Ken Research, thị trường an toàn thông tin tại Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng nội địa và hãng nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt đang dần mở rộng thị phần nhờ vào lợi thế cạnh tranh nội địa, hành lang pháp lý. Dù vậy, điều đó không phủ nhận sức cạnh tranh cao từ các hãng nước ngoài.

Các chuyên gia phân tích, các hãng nước ngoài với ưu thế thương hiệu, công nghệ và chứng chỉ. Vì vậy, doanh nghiệp nội địa cần đẩy mạnh cạnh tranh về nhân sự trong nước và giá cả. Cần có chiến lược và cơ chế giá linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng trong nước. Cùng với đó là việc tích cực đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin, đặc biệt là các chuyên gia có năng lực cao.

Ngoài ra, cần làm chủ công nghệ, có những cách tiếp cận mới về sản phẩm để nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn những cuộc tấn công ngày càng phức tạp và nguy hiểm, cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu để chinh phục tốt hơn các thị trường xuất khẩu.

Để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp an ninh mạng trong nước, hiện thực hóa mục tiêu tăng cao các sản phẩm công nghệ “Make in Việt Nam”, ngày 15/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 2085/BTTTT-CATTT V/v khuyến khích sử dụng sản phẩm, giải pháp an toàn, an ninh mạng Make in Việt Nam. Theo đó, bộ đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn những sản phẩm an toàn, an ninh mạng tiêu biểu do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu sử dụng theo nhu cầu thực tiễn của tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO