Thầy hiệu trưởng làm kênh dạy học trực tuyến cho tiểu học

18/11/2021, 10:26

Đầu năm 2020, Vĩnh Phúc trở thành tâm dịch COVID-19, một số trường học phải cho học sinh nghỉ. Thầy Mạnh đã có ý định tổ chức dạy trực tuyến trên hệ thống vio.edu.vn (phát triển từ hệ thống Eteachers.edu.vn) do thầy sáng lập.

Thầy Mạnh chia sẻ về dạy học trực tuyến với giáo viên nhiều trường - Ảnh: NVCC

Câu chuyện của thầy hiệu trưởng Đào Chí Mạnh (Trường tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) với phóng viên Tuổi Trẻ Online bắt đầu với "từ khóa": Hướng dẫn, tạo điều kiện và tạo động lực cho giáo viên làm.

Luôn là người đầu tiên xắn tay vào các việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học khi ở vị trí người đứng đầu một trường, nhưng thầy Đào Chí Mạnh lại luôn đứng sau mọi người để khích lệ, hướng dẫn, hỗ trợ từ những việc nhỏ.

Hỗ trợ miễn phí cho học sinh

"Tôi loay hoay tìm cách thiết kế nền tảng dạy học trực tuyến từ những năm 2009-2010. Bắt đầu từ những phương thức rất thô sơ như tự quay dựng các video bài giảng. Sau đó tôi xây dựng kênh trực tuyến Eteachers.edu.vn. 

Tôi nghĩ sớm muộn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học cũng cần thiết, ít nhất là một phương thức bổ trợ cho việc dạy học ở trường và hỗ trợ học sinh tự học" - thầy Mạnh cho biết.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm Vĩnh Phúc trở thành “tâm dịch COVID- 19 đầu tiên”, một số trường học phải cho học sinh nghỉ. Thầy Mạnh đã có ý định tổ chức dạy trực tuyến trên hệ thống eteachers.edu.vn do thầy sáng lập lúc đó.

Mở năm lớp học trực tuyến cho học sinh năm khối của bậc tiểu học với suy nghĩ hỗ trợ miễn phí cho học sinh của Trường tiểu học Kim Ngọc - nơi thầy Mạnh làm hiệu trưởng khi ấy - nhưng không ngờ sau khi thông tin về lớp học, số học sinh đăng ký quá đông. Nhiều học sinh trường khác, ở địa phương khác cũng tham gia. Chỉ sau một tuần có vài ngàn học sinh tham gia học.

Cách dạy trực tuyến của thầy Đào Chí Mạnh hiện được lan tỏa cho giáo viên tiểu học nhiều trường ở Vĩnh Phúc là thiết kế trước các video bài học theo cách dễ hiểu, phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học và đưa công khai lên mạng cho phụ huynh xem trực tiếp hoặc tải về cho con học. 

Thầy Đào Chí Mạnh (thứ 2 từ trái qua) đang thuyết trình về phương án dạy học trực tuyến cho lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc. Tháng 2-2020, thầy Mạnh đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc khen thưởng vì sáng kiến dạy học trực tuyến miễn phí cho học sinh - Ảnh: NVCC

Chia sẻ trên Facebook của thầy Mạnh, một số phụ huynh cho biết đây là cách phù hợp, bởi mỗi phụ huynh có thể lựa thời gian thích hợp để mở video cho trẻ học, có thể mở nhiều lần. Các bài học được thiết kế hấp dẫn và dễ hiểu nên phụ huynh cũng ghi nhớ được và hướng dẫn lại cho con.

Các buổi học online tương tác trực tiếp của thầy Mạnh chỉ sử dụng để thầy giải đáp thắc mắc, sửa bài, chốt kiến thức và giao nhiệm vụ học tập mới cho học sinh. Khi có đông học sinh muốn học, thầy Mạnh hướng dẫn cho một số giáo viên để lập "team dạy trực tuyến miễn phí" trên cả hai kênh vio.edu.vn, Eteachers.edu.vn do thầy sáng lập. 

Có thời điểm số học sinh vào học, tương tác lên tới 6.000-7.000. Ngoài việc trực tiếp dạy học, thầy Mạnh có các buổi livestream trên Facebook để hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ con học trực tuyến.

Việc xắn tay trực tiếp làm với động cơ trong sáng vì học sinh của thầy Mạnh chính là nguồn cảm hứng cho nhiều giáo viên khi đó. Từ chỗ rụt rè, nhiều giáo viên tự tin và hăng hái bắt nhịp với hình thức dạy học mới.

Thúc đẩy chuyển đổi số 

Về sự trăn trở khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu, thầy Mạnh nhắc đến hai từ "uy và ân". Uy là uy tín về chuyên môn, về tư cách đủ để người khác tin cậy, đi theo, đủ để nâng đỡ, hỗ trợ người khác. Còn ân là cách hành xử, đối đãi có lý, có tình, là cách lắng nghe, thấu cảm để kéo người khác đi cùng với mình trong một mục tiêu chung vì học sinh.

"Tôi cũng từng là người khó kiểm soát cảm xúc. Khi có chuyện bất bình, tôi cũng dễ nổi nóng, cũng thể hiện cái tôi của mình lớn quá. Nhưng để làm được điều mình mơ ước, để không cô đơn ở vị trí người đứng đầu, tôi phải học cách quản lý cảm xúc. Trước những vấn đề khác nhau, tôi thường hay lùi một nhịp, cho mình một khoảng lặng để suy nghĩ" - thầy Mạnh nói.

Thầy Đào Chí Mạnh tại một buổi chia sẻ thông điệp về hoạt động từ thiện - Ảnh: NVCC

Có một ước mơ của người thầy, gói gọn trong những điều làm vì học sinh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và dạy học, tăng cường dạy tiếng Anh cho học sinh và xây dựng trường học hạnh phúc là những đích đến trong một mơ ước lớn của thầy Mạnh. Và thầy không làm một mình mà tìm cách lan tỏa, để nhiều người cùng làm, bao gồm cả phụ huynh học sinh.

"Nếu bạn có một quả táo, tôi có một quả táo và chúng ta trao đổi cho nhau bạn và tôi mỗi người vẫn có một quả táo. Nhưng nếu bạn có một sáng kiến, tôi có một sáng kiến và chúng ta trao đổi những sáng kiến này, mỗi người sẽ có hai sáng kiến", dẫn câu nói của môt người nổi tiếng trên Facebook cá nhân, thầy Mạnh muốn khích lệ đồng nghiệp của mình hãy nói ra điều họ nghĩ, họ muốn làm, họ mơ ước để cùng nhau biến nó thành sự thật.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO