Dấu ấn của chuyển đổi số
Với 2 động lực chính là nhu cầu gia tăng của mảng công nghệ và cải thiện biên độ lợi nhuận tại mảng viễn thông, trong 6 tháng đầu năm 2021, FPT đã có doanh thu 16.228 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.936 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,2% và 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái.Trong đó, khối công nghệ đóng vai trò chủ chốt khi góp tới 56% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn, tương đương 9.098 tỷ đồng và 1.306 tỷ đồng. Chính đại dịch Covid-19 đã giúp nhu cầu đầu tư công nghệ ở cả thị trường trong và ngoài nước không ngừng gia tăng, qua đó đem về giá trị đơn hàng ký mới mảng công nghệ của FPT tăng 43,9% so với quý II/2020, đạt 5.848 tỷ đồng.Doanh thu từ chuyển đổi số của FPT cũng rất ấn tượng với 2.116 tỷ đồng, tăng tới gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thành quả xứng đáng cho FPT bởi trong những năm vừa qua Tập đoàn này đã đầu tư rất mạnh cho mảng này với việc triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ mới như Low code, Cloud và Blockchain cho khách hàng trong nước cũng như quốc tế.Với việc xác định khối khách hàng chính thực hiện chuyển đổi số là Chính phủ và các DN lớn đã giúp doanh thu của mảng dịch vụ công nghệ thông tin 6 tháng đầu năm đạt 2.415 tỷ đồng, tăng 40,7% và lợi nhuận trước thuế 246 tỷ đồng, tăng 245,1% so với cùng kỳ năm ngoái.Tại lĩnh vực viễn thông, với lợi nhuận từ mảng truyền hình gia tăng đã giúp biên độ lợi nhuận trước thuế tiếp tục cải thiện. Trong nửa đầu 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này lần lượt đạt 5.847 tỷ đồng và 1.069 tỷ đồng, tăng 12,1% và 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.Đại dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu học tập trực tuyến tăng mạnh, qua đó đã góp phần thúc đẩy doanh thu mảng giáo dục của FPT tăng 53% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.362 tỷ đồng.Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT cũng có mức tăng trưởng mạnh. Các con số này lần lượt là 6.683 tỷ đồng doanh thu, tăng 15%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.061 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó riêng thị trường Mỹ đã tăng tới 41%. Đáng chú ý, FPT đã thu về 11 dự án lớn có quy mô trên 5 triệu USD/dự án trong nửa đầu năm 2021.Xác định chuyển đổi số là mũi nhọn trọng tâm cũng như hướng đi chính trong thời gian tới và cả sau đại dịch Covid-19, FPT đã cụ thể hóa bằng việc đầu tư chiến lược vào Base.vn, nền tảng quản trị DN phổ biến nhất Việt Nam. Qua đó giúp tập đoàn này dần hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho DN vừa và nhỏ Việt Nam.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh FPT. Ảnh: FPT Telecom |
Với chỉ 5 năm phát triển, Base.vn đã trở thành nền tảng quản trị DN phổ biến nhất trong nước với hơn 5.000 khách hàng sử dụng. Với việc tích hợp các công nghệ lõi mới nhất từ FPT như FPT.AI, Blockchain, Cloud, chữ ký số điện tử... nền tảng này được cho là sẽ tạo ra được xung lực mới giúp thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của DN Việt Nam.Nói về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn, Phó Tổng Giám đốc FPT Hoàng Việt Anh khẳng định: Covid-19 là thời cơ vàng của chuyển đổi số khi đầu tư số trực tiếp vào lĩnh vực này không ngừng gia tăng, cả ở quốc tế lẫn Việt Nam.Chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trọng tâm của FPT trong chu kỳ phát triển tiếp theo. Trong đó, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud), blockchain, RPA… sẽ là mũi nhọn”. Cùng với đó FPT sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu phần mềm “Made by FPT” đã được thế giới công nhận với nhiều sản phẩm, giải pháp, nền tảng như như akaBot - giải pháp tự động hóa quy trình DN được tôn vinh Top 6 giải pháp Tự động hóa bằng robot toàn cầu, ông Hoàng Việt Anh chia sẻ.100 ngày giải cứu HoSENếu như 6 tháng trước, khi nói về mục tiêu 100 ngày được FPT đặt ra để giải quyết tình trạng nghẽn giao dịch nghiêm trọng của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) thì đa số ý kiến sẽ cho rằng đây là điều bất khả thi. Nhưng tới hiện tại, FPT đã chứng minh được điều ngược lại, khi thực hiện thành công một trong những cuộc giải cứu ấn tượng nhất mà DN công nghệ Việt từng tạo ra.Quay về quãng thời gian quý IV/2020, tình trạng thường thấy của sàn HoSE là bị đơ, nghẽn lệnh, cứ đến 14 giờ là hệ thống quá tải khiến nhà đầu tư không thể thực hiện lệnh mua bán chứng khoán. Vắt sang cả những tháng đầu 2021, sự cố trên vẫn không được sửa chữa triệt để, qua đó ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư cũng như giảm mạnh uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.Nhìn nhận được tính nghiêm trọng của sự việc, ngay tại sự kiện "Đối thoại 2045" diễn ra vào tháng 3/2021, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã đứng ra đề xuất với Chính phủ để DN xử lý lỗi kỹ thuật ở HoSE, đồng thời khẳng định FPT chỉ cần từ 3 - 4 tháng để sàn HoSE có thể chạy trơn tru.Vài ngày sau đó, Bộ Tài chính đã cho phép FPT thực hiện khảo sát hệ thống giao dịch của HoSE nhằm xây dựng phương án kỹ thuật chi tiết xử lý sự cố.Ở thời điểm đó, khi nói về mốc thời gian mà FPT đặt ra để xử lý sự cố của HoSE, không chỉ từ giới công nghệ, chuyên gia mà cho đến nhà đầu tư đều nghi ngờ về tính khả thi. Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng đăng đàn khẳng định: FPT không thể khắc phục sự cố tắc nghẽn hệ thống giao dịch của HoSE trong vòng 100 ngày.Tuy nhiên, trong quãng thời gian 3 tháng, với 50 nhân sự từ FPT và 30 chuyên gia của HoSE, đội ngũ này đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ từ sửa phần mềm giao dịch chứng khoán của sàn Hà Nội cho phù hợp với đặc tính giao dịch của HoSE, viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán cho đến tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán...Và đúng như mục tiêu đã đề ra, vào ngày 5/7, hệ thống giao dịch mới do FPT cung cấp đã chính thức thay thế hệ thống cũ của HoSE để bắt đầu đi vào hoạt động. Không chỉ giải quyết được triệt để tình trạng nghẽn lệnh mà năng lực của hệ thống cũng được nâng cao đáng kể so với trước đây, từ chỗ chỉ xử lý được 900.000 lệnh/ngày đã lên đến 3 - 5 triệu lệnh/ngày, thanh khoản tăng gấp đôi với 30.000 - 32.000 tỷ đồng/phiên.Qua cuộc giải cứu này, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin - FPT IS Dương Dũng Triều, đơn vị xây dựng hệ thống mới cho HoSE cho rằng, đây chính là ví dụ chứng minh cho sức mạnh của phần mềm Việt. Nếu các phần mềm của nước ngoài có thể giải quyết được các khía cạnh “rộng” của vấn đề, thì để giải quyết các khía cạnh “sâu” phải cần tới phần mềm trong nước.Các công ty nước ngoài triển khai phần mềm cho cả thế giới chứ không phải cho riêng một quốc gia nào, vì thế, các phần mềm sẽ mang tính chất giải quyết tổng quát hoặc đáp ứng được các thị trường tương lai. Trong khi đó, các phần mềm đến từ Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách, đặc thù và cơ động trong nước, ông Dương Dũng Triều nói.
"Thời thế dành cho những chiến binh can trường, dám vượt qua các giới hạn để bứt phá chuyển bại thành thắng. Trước kia trong lĩnh vực chuyển đổi số, FPT chỉ có những hợp đồng vài trăm nghìn USD, kỳ vọng có ngày lên được các hợp đồng giá trị 5 - 10 triệu USD, khi Covid-19 ập đến, bất ngờ tập đoàn có những hợp đồng nhảy lên 150 triệu USD. Trước mỗi hợp đồng chỉ 50 người làm, giờ một hợp đồng cần 1.500 người làm, yêu cầu lãnh đạo dự án phải rất có kinh nghiệm." - Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình |