Tạo đà bứt phá phát triển thương mại điện tử

28/02/2022, 09:56

Thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, ngày càng được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia cũng như chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột không thể tách rời trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn ngày càng trở nên sôi động hơn với tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt khoảng 15% so năm trước và quy mô thị trường đạt khoảng 13,7 tỷ USD. 

Dự báo thời gian tới, thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, có thể đạt mức 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.

Hình thành thói quen mua sắm trực tuyến

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, đại dịch Covid-19 đã góp phần rút ngắn từ một đến hai năm tiến độ phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử so với kế hoạch đến năm 2025. 

Theo nghiên cứu của VECOM, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, thương mại điện tử vẫn đứng vững với số người tiêu dùng trực tuyến tiếp tục tăng và ngày càng thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến. 

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực triển khai chuyển đổi số để thích nghi với dịch bệnh, chuẩn bị cho các hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Hai yếu tố này chắc chắn tạo đà cho sự phát triển bứt phá của thương mại điện tử trong giai đoạn tới.

Đánh giá từ các doanh nghiệp thương mại điện tử cho thấy, người tiêu dùng đang dần ưu tiên cho mua sắm trực tuyến. Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đã không còn là một kênh bán hàng “có cũng được, không có không sao” như trước mà ngày càng trở nên quan trọng hơn. 

Báo cáo Toàn cảnh ngành Thương mại điện tử năm 2021 của Lazada Việt Nam dự báo, thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng 300%, từ gần 14 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Lý giải cho sự tăng trưởng này, báo cáo ghi nhận sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới trên các nền tảng thương mại điện tử, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều nhà bán hàng mong muốn phát triển kinh doanh trên kênh trực tuyến. 

Cụ thể, trong quý III năm 2021, số lượng nhà bán hàng mới tham gia Lazada Việt Nam đã tăng gấp 1,5 lần so cùng kỳ năm trước, đồng thời đà tăng trưởng này vẫn đang được duy trì với tốc độ khoảng 30%/tháng kể từ tháng 10/2021 đến nay. 

Bên cạnh đó, 58% số người tiêu dùng tham gia khảo sát của Lazada cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi; 53% thừa nhận mua hàng hóa trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. 

Nhìn chung, độ tuổi người tiêu dùng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử đang được mở rộng, họ dành nhiều thời gian trên các nền tảng thương mại điện tử hơn và sẵn sàng đặt đơn hàng có số lượng và giá trị lớn hơn.

Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan James Dong chia sẻ, thương mại điện tử sẽ tiếp tục là “mảnh đất màu mỡ” cho sự phát triển của nền kinh tế số, là nơi để người dùng có thể mua sắm bất cứ lúc nào và giúp nhà bán hàng đến gần với người tiêu dùng hơn. 

Khi bán hàng trực tuyến trở thành kênh doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các doanh nghiệp cũng sẽ nhanh chóng thực hiện chiến lược chuyển đổi số để tiếp tục tiếp cận khách hàng. Đây là cơ hội để các nền tảng thương mại điện tử tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong việc thu hút khách hàng cũng như tăng sự hiện diện trên các nền tảng trực tuyến.

Tận dụng cơ hội

Thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vượt qua trở ngại do dịch bệnh, đồng thời mang đến cơ hội mới từ cầu thị trường trên cơ sở chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. 

Để tận dụng tốt cơ hội này, đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử thì logistics nội bộ chính là chìa khóa tạo ra sự khác biệt. Theo đó, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thách thức sự phối hợp giữa người bán và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ, kho bãi, hậu cần trong việc cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. 

Do đó, bên cạnh việc duy trì hợp tác với các đối tác logistics, các nền tảng thương mại điện tử cần dành mối quan tâm và đầu tư lớn hơn phát triển dịch vụ logistics nội bộ nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu, trải nghiệm của khách hàng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của thương mại điện tử trong thời gian tới, nhất là, hạn chế tình trạng các văn bản luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. 

Giám đốc marketing Công ty cổ phần Tiki Nguyễn Thành Long chia sẻ: Thương mại điện tử có ba trụ cột quan trọng để phát triển là chính sách, công nghệ và con người vận hành. Thời gian gần đây, chính sách cho thương mại điện tử ở Việt Nam đã cởi mở rất nhiều. 

Tuy nhiên, kinh tế số có tốc độ phát triển rất nhanh, do đó các chính sách khi đưa ra cần có hướng dẫn kịp thời để doanh nghiệp không bị lạc lối, hiểu sai về chính sách. Cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của thương mại điện tử; tiếp tục nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và người dân về thương mại điện tử thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các buổi hội thảo, chuyên đề; tập trung đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cho thương mại điện tử.

Mặt khác, thương mại điện tử thực tế đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp lớn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động thương mại điện tử, mở ra các kênh bán hàng mới tới khách hàng. 

Ngoài những thuận lợi, ưu điểm, theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động thương mại điện tử vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong quá trình mua hàng qua mạng mà nổi bật chính là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan. 

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), đi cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thu lợi bất chính bằng cách kinh doanh, buôn bán hàng hóa giả, hàng nhái. 

Riêng trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần ba nghìn vụ việc gồm: các hành vi vi phạm về thương mại điện tử, hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và xử phạt hơn 20 tỷ đồng. 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trong khoảng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. 

Vì vậy, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng quản lý thị trường là tập trung đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng; kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chứ không chỉ kiểm tra ở ngoài phố vì ngay cả các phương thức bán hàng truyền thống hiện nay cũng thường được thỏa thuận trước trên mạng xã hội.

 Nhân viên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò hướng dẫn người dân Đồng Tháp đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ qua kênh bán hàng trực tuyến. (Ảnh: DUY VŨ)
Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO