Tái diễn cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực, chiếm đoạt tài sản

03/10/2023, 11:15

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng lừa đảo gọi điện mạo danh nhân viên điện lực, yêu cầu kết bạn, cài ứng dụng (app), cung cấp mã OTP… nhằm chiếm đoạt tài sản…

Ngày 1/10, Công an các quận huyện, TP. Thủ Đức (TP.HCM) phát đi thông báo về việc thời gian gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng lừa đảo tiếp tục gọi điện mạo danh nhân viên điện lực nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an khuyến cáo tổ chức, cá nhân nhận được cuộc gọi mạo danh theo hình thức trên, hãy bình tĩnh không tiếp tục nghe điện thoại của đối tượng; tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân; không thực hiện tải và cài đặt các ứng dụng được đối tượng yêu cầu trên điện thoại cá nhân. Đồng thời, thông báo ngay cho Tổng công ty điện lực TP.HCM qua số tổng đài: 1900.54.54.54 hoặc cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Thời gian qua, Tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng trực thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM liên tiếp nhận được phản ánh của khách hàng dùng điện về việc nhận được các cuộc gọi từ các số điện thoại lạ: +84584466432, +180013609952, +84584160503, +670919359918, +84584379736…

Đồng thời, tin nhắn Tổng đài 152501 tự xưng là Điện lực Việt Nam gọi đến để cảnh báo nội dung: “Điện lực Việt Nam xin thông báo khẩn cấp, do tình trạng sử dụng điện bất thường nay công ty chúng tôi thông báo tạm ngừng cung cấp điện nếu cần hỗ trợ vui lòng bấm phím 9 để gặp nhân viên tư vấn”. Bên cạnh đó, còn những chiêu thức mới như: “thông báo khách hàng đã đóng dư tiền điện” hoặc “khách hàng được hoàn trả 10 – 15% tiền điện trong tháng”.

Qua đó, đối tượng đề nghị khách hàng kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) giúp nhận lại tiền hoặc yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để thực hiện hoàn trả lại số tiền dư như đã thông báo, khiến khách hàng tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn.

Sau khi yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng thực hiện một số bước như: cung cấp số tài khoản, mã OTP… để dễ dàng chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của khách hàng.

Công an cho biết, trường hợp khách hàng còn nợ tiền điện thì Tổng Công ty Điện lực TP.HCM sẽ có thông báo tiền điện thông qua SMS có tên thương hiệu EVNHCMC (brandname) hoặc từ emailcskh@hcmc.com.vn, hoặc qua ứng dụng EVNHCMC CSKH, hoặc nhân viên điện lực sẽ gọi điện để thông báo khách hàng thanh toán đúng hạn và thông báo tạm ngưng cung cấp điện sau 15 ngày và 2 lần thông báo.

Để giải quyết yêu cầu của khách hàng, nhân viên điện lực sẽ liên hệ trực tiếp với khách hàng để xác nhận thông tin, một số trường hợp liên hệ khách hàng để cập nhật lại thông tin số điện thoại, email, chủ thể hợp đồng, địa chỉ sử dụng điện… Tất cả các trường hợp, nhân viên điện lực đều có xưng danh, thông báo là nhân viên công ty Điện lực quận, huyện thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM và có thông tin khách hàng rõ ràng.

“Do đó, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân; không thực hiện tải và cài đặt các ứng dụng được đối tượng yêu cầu trên điện thoại cá nhân…”, cơ quan công an khuyến cáo.

Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã tiếp nhận hơn 200 phản ánh đến tổng đài 1900.54.54.54 về các cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện, ngưng hợp đồng mua bán điện nếu không thanh toán ngay, yêu cầu liên hệ nhân viên điện lực tư vấn (giả danh). Đặc biệt, gần đây xuất hiện việc tự xưng nhân viên điện lực gọi điện, thông báo khách hàng được hoàn trả tiền điện và yêu cầu kết bạn qua Zalo để được hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt app hoàn tiền.

Tổng Công ty Điện lực TP.HCM khẳng định: Hiện tượng nói trên đều là giả danh ngành điện; không có việc ngành điện tự tính toán và thông báo số tiền hoàn trả 10 - 15% mà chưa có sự thống nhất của khách hàng. EVNHCMC cũng không có app hoàn tiền như phản ánh. Dấu hiệu nhận biết là không có chữ EVNHCMC khi hiện số cuộc gọi đến; điện thoại gọi đến có số nước ngoài; không nói đúng tên đơn vị điện lực quản lý, không đúng địa chỉ sử dụng điện của khách hàng.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO