Sứ mệnh ICT với khát vọng Việt Nam hùng cường

02/02/2022, 10:25

Năm 2021 ghi dấu ấn đậm nét của ngành ICT khi chuyển đổi số diễn ra ở mọi lĩnh vực, công nghệ là một trong những trụ cột chống dịch Covid-19, để Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, với khát vọng đưa đất nước phát triển.

Công nghệ - trụ cột chống dịch Covid-19

Nguyễn Minh Phương (ở Hà Nội) dừng chân trước sảnh tòa nhà, nơi trụ sở văn phòng cô đang làm việc để quét mã QR trên ứng dụng PC-Covid theo yêu cầu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ứng dụng trên smartphone của Phương hiển thị đầy đủ 2 mũi vắc xin đã tiêm và các thông tin khai báo y tế, nên rất thuận tiện mỗi khi cô cần di chuyển khỏi Hà Nội hay xem lại lịch trình di chuyển của mình nếu có ca F0 ở địa điểm cô từng đi đến.

Không chỉ với Minh Phương, quét mã QR bằng PC-Covid - một nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc - đang dần trở thành thói quen của nhiều người mỗi khi tới văn phòng, đến các địa điểm công cộng, siêu thị, quán ăn, hay đi cà phê gặp gỡ bạn bè. Học tập trực tuyến, làm việc từ xa, mua sắm online…cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong 2 năm qua, kể từ khi Covid-19 xuất hiện.

Ứng dụng PC-Covid đã quen thuộc với nhiều người dân.

Khi làn sóng dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021) bùng phát ở nhiều địa phương, công nghệ trở thành công cụ quan trọng, giúp chuyển từ phòng ngừa sang tấn công Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đó đã xác định, công nghệ bắt buộc phải là một trong những mũi nhọn chống dịch, với phương châm 5K + vắc xin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác; tăng cường áp dụng công nghệ cao vào công tác truy vết, kiểm soát an toàn Covid-19.

Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia đầu ngành ở hai lĩnh vực TT&TT, Y tế. 18 doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam đã huy động hơn 1.000 nhân sự, hàng ngàn tấn thiết bị phần cứng để xây dựng các ứng dụng, nền tảng số phục vụ tất cả các khâu phòng, chống dịch.

Hàng chục nền tảng, ứng dụng và cả các thiết bị công nghệ do đội ngũ kỹ sư Việt Nam vận hành cũng gấp rút được phát triển, trong đó có 3 nền tảng dùng chung toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra sử dụng QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Không chỉ đầu tư phần mềm và hạ tầng, Trung tâm còn cử cán bộ đến những điểm nóng, đưa công nghệ triển khai từ tâm dịch Covid-19, dù vấp phải nhiều khó khăn bước đầu và cả sự hoài nghi.

Thực tế triển khai tại TP.HCM cho thấy, Nền tảng quản lý tiêm chủng đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết khi cần tiêm chủng đồng loạt cho 6-7 triệu người dân mà phương thức truyền thống không thể đáp ứng trong một thời gian ngắn. Công tác truy vết F0 nhanh bằng ứng dụng công nghệ cũng đã góp phần giúp nhiều địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương… nhanh chóng khoanh vùng được F0, dập dịch trong phạm vi nhỏ để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Một cuộc họp tại Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.

Áp lực phát triển các ứng dụng chống dịch Covid-19 trong thời gian ngắn cũng khiến một số ứng dụng (app) còn lỗi và nhiều người hoài nghi những ngày đầu áp dụng. Tuy nhiên, với mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, các nền tảng công nghệ dùng chung “Make in Vietnam” đã được các cơ quan quản lý thống nhất và liên thông dữ liệu, khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 thay đổi cơ bản, cuộc sống người dân cùng vì thế mà tránh được sự xáo trộn tối đa.

Có thể thấy, chính các ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như PC-Covid đã trở thành một phần không thể thiếu giúp người dân có thể sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Đồng hành, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

“Năm 2021 với ngành TT&TT là một năm rất đặc biệt khi Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định chuyển đổi số là động lực của phát triển kinh tế. Khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao”, đây là thông điệp của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi ông nhìn lại năm 2021 đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng để lại rất nhiều dấu ấn của toàn ngành TT&TT.

Với cách tư duy và cách tiếp cận mới, năm 2021, toàn ngành TT&TT đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, dù Covid-19 có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành TT&TT đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Doanh thu ngành TT&TT đạt 33,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% năm 2020; và có mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng GDP.

Chính Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh: “Covid-19 là cú huých trăm năm”. Thực tế năm 2021 đã cho thấy, Covid -19 là cú huých để chuyển đổi số lan tỏa đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Thành quả từ chuyển đổi số (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) được nhìn thấy rõ nét. Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ có thể họp trực tuyến với các điểm cầu tại các huyện, xã trên khắp cả nước; 25 triệu học sinh/sinh viên đã có thể học tập trực tuyến khi không thể đến trường; người dân ở một số vùng nông thôn, miền núi đã được khám bệnh online; nông sản khắp mọi miền đất nước chuyển từ chuyện phải giải cứu sang chủ động tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT)…

Năm 2021, dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT cũng đã đồng hành không biết mệt mỏi cùng nhiều bộ, ngành, địa phương trong công cuộc chuyển đổi số với tâm thế “nhận việc khó về mình”, nhằm triển khai thắng lợi các mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai kiến trúc chính quyền điện tử và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở thực tiễn của từng đơn vị.

Về phía doanh nghiệp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số được Bộ TT&TT triển khai bằng chính sách thiết thực, cổ vũ và hỗ trợ tối đa các nền tảng Make in Vietnam đang bước đầu thu về trái ngọt. Không trông chờ ỷ lại, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số Việt Nam, qua đó hiện thực hóa khát vọng “vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” bằng các hành động cụ thể.

Hiện thực hóa ước mơ xã hội số

Việt Nam đang từng bước phục hồi nhanh, thích nghi và xây dựng cuộc sống bình thường mới bất chấp đại dịch Covid-19. Chúng ta thực hiện chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu xây dựng: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số để phát triển bứt phá.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, nhưng cũng nhờ “cú huých” này, nền tảng cơ bản của một xã hội số đã dần hình thành khi công nghệ số len lỏi vào trong từng lĩnh vực, ngóc ngách của cuộc sống. Nhờ công nghệ, người dân vẫn giữ được kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng để sử dụng các dịch vụ số.

Trong đại dịch, hơn 20 triệu học sinh/sinh viên vẫn học tập online; nhân viên văn phòng có thể làm việc tại nhà; người bệnh có thể khám chữa từ xa hay nghe tư vấn online; các dịch vụ công vẫn duy trì, người dân nhiều địa phương đã được sử dụng các tiện ích này ngay trên điện thoại di động; hàng triệu hộ nông dân đã lên sàn TMĐT để bán nông sản; người khó khăn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ qua ứng dụng… Những mối quan hệ mới, thói quen mới trong môi trường số được hình thành chỉ trong một thời gian ngắn.

Postmart, Vỏ Sò hỗ trợ tiêu thụ gần 1.500 tấn nông sản cho nông dân Đồng Tháp.

Xác định kinh tế số và xã hội số là hai mặt không tách rời, Bộ TT&TT đã giới thiệu nhiều nền tảng số Make in Vietnam tới doanh nghiệp và người dân, bao trùm nhiều lĩnh vực; triển khai các chương trình nhằm phát triển kỹ năng số theo định hướng phổ cập toàn diện tới toàn dân. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, hướng tới người dân và vì nhân dân.

“Sóng và máy tính cho em” chỉ là một trong nhiều chương trình có ý nghĩa được Thủ tướng Chính phủ phát động và Bộ TT&TT, cộng đồng các doanh nghiệp triển khai nhằm hiện thực hóa xây dựng xã hội số. Hàng triệu thiết bị đã được đóng góp, mở ra cơ hội học tập cho hàng triệu em học sinh/sinh viên khó khăn. Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng khắc phục 2.000 điểm lõm sóng Internet, miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong năm 2021, qua đó dần hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một xã hội số đúng nghĩa.

Sóng, Internet, thiết bị (máy tính, smartphone) chính là những nhân tố khởi đầu cho xã hội số. Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Với những chiếc máy tính được trao tặng, chính các em sẽ giúp cha mẹ mình lên môi trường số, mua bán trên các sàn TMĐT, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận tiền, chuyển tiền qua chiếc điện thoại. Đây là cách để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số”.

Doanh nghiệp ICT nhận sứ mệnh quốc gia

Năm 2021 cũng là một năm ghi dấu ấn của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với những đóng góp to lớn trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136.153 triệu USD, tăng trưởng mạnh so với con số trên 124.678 triệu USD của năm 2020. Theo tính toán, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh thu ngành đạt 24,65%, tăng đáng kể so với những năm trước đó. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhưng các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020, và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trải nghiệm các sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Với tinh thần Make in Vietnam, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang phát triển sản phẩm, chế tạo các sản phẩm công nghệ số để giải quyết các bài toán Việt Nam; dẫn dắt xu hướng công nghệ. “Tinh thần Make in Viet Nam giúp chúng ta tự hào vươn lên. Hai năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được nhiều nền tảng chuyển đổi số. Năm 2020, hơn 30 nền tảng được Bộ TT&TT công bố đều là nền tảng của Việt Nam. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chuyển sang nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới như 5G, AI, Big Data. Đây là điều trước đây chưa có”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT nhận định.

Mới đây nhất, tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2021, Bộ TT&TT đã công bố thêm 35 nền tảng Make in Vietnam, chia thành 6 nhóm bao gồm: Hạ tầng số; chính phủ số; công nghệ số cốt lõi; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh; và lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, kho vận, công thương. Các doanh nghiệp công nghệ số đã nhận sứ mệnh quốc gia, phát triển các nền tảng chuyển đổi số để xây dựng hạ tầng của nền kinh tế số và giữ lại tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam dành cho người Việt.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhận định: “Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là một việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và những doanh nghiệp vĩ đại được sinh ra trong công cuộc này”.

Thay đổi đột phá trong quản trị, điều hành

Chiều tối 2/9, từ phòng làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra đột xuất 5 xã, phường, thị trấn tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang qua hệ thống trực tuyến mới thiết lập. Từ phòng làm việc của người đứng đầu Chính phủ, chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng được một thống trực tuyến có khả năng kết nối tới 11.000 xã, phường khắp cả nước. Lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo trực tiếp xuống tận cấp xã. Điều này có được là nhờ công nghệ đã tạo ra phương pháp đột phá trong quản lý và điều hành Chính phủ.

Duy Vũ

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO