Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức 33 lớp tập huấn, cho cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã, về hướng dẫn sử dụng chứng thư số trong ban hành văn bản điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng phần mềm một cửa điện tử... Đồng thời, cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số do tỉnh tổ chức, góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Phát triển chính quyền số, huyện Vân Hồ đã chứng thư số cá nhân cho 100% cán bộ lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn và lãnh đạo UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice được triển khai đồng bộ tại 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện và UBND các xã. Phát huy hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, như: Hội nghị trực tuyến 3 cấp từ tỉnh tới huyện và xã...
Duy trì thực hiện phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, huyện Vân Hồ thực hiện 210 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp trên cổng dịch vụ công của tỉnh liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 201 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và 9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của xã. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 21,4%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4 cấp huyện đạt 20,3%; cấp xã đạt 67,5%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 33%.
Thực hiện phát triển kinh tế số, huyện Vân Hồ khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện xây dựng website riêng để thông tin và quảng bá sản phẩm; các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau. Hiện nay, 91/91 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai thuế qua mạng; 31/44 HTX sử dụng các phần mềm, thiết bị điện tử thông minh trong việc quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm; 2 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử Voso.vn.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng, tạo môi trường thuận lợi trong công tác chuyển đổi số. Đến nay, 14/14 xã trên địa bàn huyện được phủ sóng mạng cáp quang, 3G, 4G; 77,3% tổ, bản được phủ sóng băng rộng di động 4G; tỷ lệ dân số phủ sóng 4G đạt 86,1%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet băng thông rộng đạt 20,5%; trên địa bàn huyện có 60.355 thuê bao điện thoại, đạt mật độ 92,1 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người dân có điện thoại di động thông minh đạt 25,3%.
Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện, chia sẻ: 100% các đơn vị giáo dục và đào tạo trong huyện sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice; phần mềm phổ cập giáo dục; phần mềm kiểm định; phần mềm quản lý bán trú; hồ sơ điện tử; thực hiện quản lý và cập nhật đầy đủ thông tin, số liệu và quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành (địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn )... Việc ứng dụng công nghệ số đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện Vân Hồ còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ với việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin; các phần mềm chuyên dùng chưa đảm bảo và hiệu quả chưa cao; một số bản chưa có sóng điện thoại, mạng Internet; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin và nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Với mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, huyện Vân Hồ đang tập trung rà soát, phối hợp với các nhà mạng nâng cấp hạ tầng viễn thông, phủ sóng cho các bản chưa có sóng di động, mạng Internet. Phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp vào sự phát triển chung của huyện và chương trình chuyển đổi số quốc gia của tỉnh.
Bài, ảnh: Việt Anh