Số địa chỉ IP Việt Nam trong mạng “máy tính ma” giảm nhờ chiến dịch làm sạch mã độc

20/10/2022, 09:29

Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet trong tháng 9/2022 là 531.000 địa chỉ, giảm 14% so với tháng 8/2022, nhờ chiến dịch toàn dân cùng “quét sạch” mã độc.

Việc trong tháng 9/2022 số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) giảm, theo lý giải của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, là nhờ triển khai chiến dịch toàn dân cùng “quét sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam năm 2022.

Được Bộ TT&TT phát động từ giữa tháng 9/2022 để hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, chiến dịch này đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với các phần mềm phòng chống mã độc đã được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí trên cổng thông tin không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022. 

Chiến dịch toàn dân cùng “quét sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam được phát động từ giữa tháng 9/2022. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, ngoài tình trạng các thiết bị kết nối mạng của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma đã diễn ra từ lâu, gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ việc các website, máy chủ, địa chỉ IP của Việt Nam tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng máy tính ma và phát tán mã độc.

“Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động chuyển đổi số quốc gia”, chuyên gia NCSC nhận định.

Để tham gia cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” năm 2022, góp phần bảo vệ an toàn cho không gian mạng Việt Nam cũng như giúp giảm thiểu các cuộc tấn công mạng diện rộng, người dùng Internet cần truy cập vào trang khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022. kích nút “Tham gia ngay”. Sau đó, người dùng thực hiện các thao tác để kiểm tra mức độ an toàn mạng; kiểm tra điểm yếu trình duyệt, hệ điều hành; kiểm tra lộ lọt dữ liệu; hay chọn dùng miễn phí các công cụ hỗ trợ xử lý mã độc chuyên sâu.

Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) tháng 9/2022 đã giảm 14% so với tháng 8/2022 và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021.

Kêu gọi người dùng cùng lan tỏa chiến dịch “làm sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng khuyến nghị trường hợp phát hiện các mẫu mã độc mới, các website thực hiện phát tán mã độc, máy chủ điều khiển mã độc từ Việt Nam… người dùng gửi cảnh báo về NCSC.

Chiến dịch toàn dân cùng “quét sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam năm 2022 hiện vẫn đang diễn ra. Mục tiêu hướng tới của chiến dịch là tiếp tục xử lý các nguồn lây nhiễm mã độc, giảm tỉ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc bảo vệ người dân trên không gian mạng. Cục An toàn thông tin thuộc Bộ cũng đã xác định bảo vệ người dân trên môi trường số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo chia sẻ của đại diện Cục An toàn thông tin hồi tháng 4, về bảo vệ người dân, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2030 là 90% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn thông tin mạng; mỗi người dân có 1 “hiệp sĩ” bảo vệ an toàn thông tin.

Năm 2022 được coi là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Song nếu như người dùng Internet không có kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin, không tin tưởng vào môi trường mạng thì Việt Nam khó có thể chuyển đổi số thành công.

Vì thế, chương trình phổ cập giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho người dân đang được triển khai, thông qua mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng. Dự kiến thời gian tới, trên smartphone, iPad, máy tính cá nhân... của mỗi người dùng sẽ được trang bị phần mềm bảo vệ an toàn thông tin với chi phí thấp, trong giai đoạn đầu sẽ miễn phí sử dụng các tính năng cơ bản và sẽ trả mức phí rất thấp với những tính năng nâng cao. Việc này sẽ giúp cho người dân yên tâm khi giao dịch trên môi trường số.

Vân Anh

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO