Smartphone và mạng xã hội đang hủy hoại giới trẻ

17/03/2023, 17:45

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại nặng nề của việc tăng thời gian sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội.

Giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho smartphone và mạng xã hội. Ảnh: Mark Zingarelli.

Theo John Burn-Murdoch, phóng viên phụ trách mục Dữ liệu của tờ Financial Times, có vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra đối với giới trẻ. Từ năm 1994-2010, tỷ lệ thanh thiếu niên tại Anh tự đánh giá mình là người không dễ mến giảm nhẹ từ 6% xuống 4%.

Tuy nhiên, sau năm 2020, con số này lên hơn gấp đôi. Tỷ lệ người trẻ cho rằng mình thất bại, thường xuyên lo âu, không hài lòng với cuộc sống cũng tăng mạnh.

Xu hướng đáng ngại

Các xu hướng tương tự có thể nhìn thấy ở nhiều quốc gia khác. Số lượng học sinh trung học Mỹ cảm thấy cuộc sống vô nghĩa tăng vọt trong 12 năm gần đây. Tại Pháp, tỷ lệ trầm cảm trong độ tuổi từ 15-24 tuổi tăng gấp 4 lần trong thập kỷ qua.

Khi nhìn vào số liệu ở bất kỳ nơi nào, thực trạng rõ ràng là sức khỏe tâm thần của thanh niên đang giảm sút. Đặc biệt, dường như tất cả có chung một cột mốc đáng ngại: năm 2010 hoặc sau đó vài năm, thời điểm smartphone bắt đầu trở thành vật dụng phổ biến.

Từ lâu, có quan điểm cho rằng việc dùng mạng xã hội và những phương tiện giải trí kỹ thuật số quá mức sẽ gây ảnh hưởng xấu sức khỏe tâm thần. Một trong những nhà khoa học tiên phong tìm hiểu về vấn đề này là Jean Twenge, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Công lập San Diego.

Bà cùng đồng nghiệp công bố hàng chục nghiên cứu liên quan. Tuy nhiên, bài báo khoa học của họ lại bị chỉ trích là ăn theo làn sóng phản đối các ông lớn công nghệ. Theo John Burn-Murdoch, thực tế ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng rõ ràng hơn thông qua những số liệu “biết nói”.

Đầu tiên, xã hội kỹ thuật số đang thay thế các cuộc gặp mặt trực tiếp. Tỷ lệ thanh thiếu niên Mỹ gặp gỡ trực tiếp với bạn bè ít hơn một lần mỗi tháng là 3% trong khoảng thời gian từ năm 1990-2010, nhưng tăng vọt lên 10% vào năm 2019. Song song đó, tỷ lệ những người nói rằng họ “trực tuyến liên tục” hiện lên đến 46%.

Việc nghiện smartphone, mạng xã hội tác động xấu đến sức khỏe tâm thần. Ảnh: Dreamstime.

Một số ý kiến phản bác rằng không thể nói các ứng dụng đang lấn át cuộc sống thực. Xét cho cùng, những người hoạt động nhiều trên Instagram cũng thường bận rộn ngoài đời thường.

Tuy nhiên, nhận định đó bỏ qua một thực tế quan trọng. Vấn đề xảy ra ở mức độ thế hệ, không xét đơn thuần theo từng cá nhân. Khi thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số tăng lên, mọi người càng ít trao đổi với nhau.

Báo động về sức khỏe tinh thần

Các nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì sức khỏe tinh thần của họ càng kém. Điều đó diễn ra nghiêm trọng hơn ở trẻ em gái, nhóm có tương tác trên môi trường ảo nhiều hơn bé trai.

Tương tự như vậy, tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên theo chủ nghĩa tự do cao hơn so với những người bảo thủ. Nghiên cứu của Twenge chỉ ra, những thanh niên theo chủ nghĩa tự do dành nhiều thời gian hoạt động trên mạng xã hội hơn nhóm còn lại.

Thống kê cho thấy, nhóm thanh thiếu niên tại Anh dành hơn 5h/ngày trên mạng xã hội có nguy cơ tự làm hại bản thân cao gấp 2-3 lần so với các bạn cùng trang lứa ít sử dụng mạng. Thực trạng này cũng diễn ra với tỷ lệ có ý định tự tử tại Mỹ.

Ý kiến phản đối cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên không có mối quan hệ nhân quả rõ ràng với thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chỉ ra việc giảm thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ cải thiện sức khỏe tâm thần.

Vậy chúng ta có thể làm gì? Câu trả lời phổ biến nhất là “giáo dục trẻ em và cha mẹ”. Nhưng như trường hợp béo phì và hút thuốc, các chiến dịch thông tin đại chúng không hiệu quả khi đối mặt với những thứ gây nghiện.

Một lựa chọn khác đưa ra bằng chứng về việc mọi người có thể tạm dừng sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài mà vẫn kết nối suôn sẻ với thế giới xung quanh.

Giải pháp cuối cùng là quy định. Theo John Burn-Murdoch, chúng ta có thể tăng giới hạn độ tuổi cho các ứng dụng xã hội và trừng phạt những công ty không thực thi nghiêm chỉnh.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO