Singapore không còn là ‘miền đất hứa’ với doanh nghiệp tiền điện tử

22/12/2021, 09:42

Số liệu mới nhất cho thấy hơn 100 trong số 170 doanh nghiệp đăng ký giấy phép cung cấp “dịch vụ mã thanh toán kỹ thuật số” đã bị từ chối hoặc rút hồ sơ đăng ký tại Singapore.

Đầu tháng 9, cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã yêu cầu Binance, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới chấm dứt cung cấp dịch vụ cho công dân đảo quốc. Tuần trước, chi nhánh Binance tại Singapore thông báo đóng cửa nền tảng giao dịch tại quốc gia này. Hàng chục doanh nghiệp cũng đang đứng trước số phận tương tự.

Theo danh sách mới nhất, MAS đã chấm dứt quyền miễn trừ thủ tục cấp phép hoạt động với 103 công ty trong lĩnh vực tiền điện tử, trong đó có Bitxmi, sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Dubai và thành lập chi nhánh tại Singapore từ năm 2018.

“Chúng tôi không thể hoạt động tại Singapore. Công ty có văn phòng tại đây, nhưng cũng chỉ có 1 nhân viên kế toán và xử lý các vấn đề pháp lý”, Giám đốc điều hành công ty, Sanjay Jain cho biết.

Tháng 1 vừa qua, Singapore đã đưa ra cơ chế cấp phép hoạt động, được cho là bước tiếp theo để xây dựng lĩnh vực tiền điện tử vững mạnh và tạo sự tương phản với trung tâm tài chính châu Á – Hong Kong, nơi có cách tiếp cận hoài nghi hơn với các dịch vụ tiền điện tử.

Người phát ngôn của MAS khẳng định họ ủng hộ các sáng kiến sử dụng công nghệ blockchain, nền tảng của tiền điện tử, đồng thời cũng thừa nhận các rủi ro tiềm tàng.

“Tiền điện tử có thể bị lạm dụng nhằm rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc chạy đua vũ trang do tính chất nhanh chóng và xuyên biên giới của các giao dịch”, theo đại diện của MAS. “Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán mã hoá tại Singapore… phải đáp ứng được các tiêu chuẩn để giảm thiểu những rủi ro như vậy, bao gồm cả việc thực hiện thẩm định khách hàng phù hợp, thường xuyên tiến hành đánh giá tài khoản, theo dõi và báo cáo các giao dịch đáng ngờ”.

Những người chơi tiền điện tử đã đua nhau tới Singapore, từ các nền tảng giao dịch mua bán Bitcoin, Ethereum cùng các loại token, thông qua các quản lý đầu tư và tư vấn tài chính đang nắm giữ danh mục tài sản kỹ thuật số cho giới nhà giàu, cho tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc doanh nghiệp chấp thuận thanh toán bằng tiền điện tử.

Các pháp nhân đang hoạt động trong nước trước thời điểm cơ quan chức năng đưa ra quy trình cấp phép sẽ được hưởng quyền miễn trừ cho tới khi có kết quả của việc nộp hồ sơ xin cấp phép. Hồi tháng 7, ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cấp cao, phát biểu trước quốc hội cho biết đang có 90 công ty đang hoạt động với quyền miễn trừ này.

Theo thông tin trên website của MAS, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 70 công ty tính tới thời điểm ngày 14/12.

Đến nay, chỉ có 3 pháp nhân nằm trong danh sách đã được cấp phép của MAS, gồm DBS Vicker Securities của ngân hàng DBS Group Holdings; startup thanh toán điện tử FOMO Pay và sàn giao dịch Independent Reserve của Australia.

2 doanh nghiệp khác là nền tảng giao dịch tiền điện tử Coinhako và công ty thanh toán Triple A cũng đã thông báo hoàn tất các thủ tục phê duyệt cần thiết để hoạt động.

MAS không công bố lý do từ chối cấp phép cho một số pháp nhân liên quan tiền điện tử. Tuy nhiên, theo Nikkei, trong số đó có những doanh nghiệp không đủ năng lực hay cơ sở hạ tầng để đáp ứng các tiêu chuẩn cao do cơ quan quản lý tài chính đưa ra nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố.

Vinh Ngô (Theo Nikkei)

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO