Hội thảo sẽ có sự tham dự và chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng đại diện lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam 2021" được tổ chức thường niên, cùng thời điểm Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị; Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.
Còn theo Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa năm 2021, 85% người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á chấp nhận một số phương thức thanh toán kỹ thuật số bao gồm thẻ, thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (64%) cũng đã cố gắng không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng ở Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%).
Những số liệu này cho thấy, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở nên gần gũi hơn với người dân, đặc biệt là tại vùng nông thôn – chiếm tới 60% dân số cả nước.
Không thể phủ nhận những kết quả tích cực về phát triển TTKDTM trong thời gian qua, songtheo đánh giá của các chuyên giađể thực hiện thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ sẽ còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn.
Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; vai trò của phương thức thanh toán hiện đại, cơ hội, lợi ích cũng như thách thức, khó khăn khi nông dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; những khuyến nghị, đề xuất của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân nhằm thúc đẩy nông dân chuyển đổi mạnh mẽ sang phương thức thanh toán, giao dịch từ truyền thống sang hiện đại.
Nội dung Hội thảo gồm 02 chủ đề chính: (i) Chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; (ii) các giải pháp, sản phẩm thúc đẩy TTKDTM để giới thiệu đến cho người nông dân những cơ chế chính sách, lợi ích của hoạt động TTKDTM.
Các tham luận và phần hỏi đáp tại hội thảo tập trung vào một số nội dung như: Xu hướng chuyển đổi số, thanh toán số, các sản phẩm dịch vụ mới trong thực tiễn, phương thức thanh toán mới Mobile Money, các giải pháp truyền thông giáo dục tài chính cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Thực tế, trong nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại, TTKDTM tại nông thôn đã có nhiều kết quả khả quan với nhiều phương thức, giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm.
Đơn cử như tại Agribank - ngân hàng thương mại nhà nước có mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, tất cả các giao dịch thanh toán qua hệ thống Agribank chuyển dần từ giao dịch trực tiếp tại quầy sang giao dịch điện tử qua Mobile Banking và Internet Banking, sử dụng phương thức thanh toán tự động với khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng.
Thời gian qua, Agribank đã phát triển dịch vụ Agribank E-Mobile Banking với nhiều tiện ích, đồng thời triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn, theo đó các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất góp phần hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp nông thôn, từng bước tạo thói quen TTKDTM cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Viettel là một trong những nhà mạng di động được cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Phó Tổng giám đốc Trương Quang Việt - Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: Cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi cách thức tác nghiệp của người nông dân, và Mobile Money nói chung hay Viettel Money nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc mang lại cuộc sống thuận tiện hơn, khá giả hơn, đầy đủ hơn cho người dân vùng nông thôn.
Việc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt đã khiến câu chuyện về những lái buôn nước ngoài trục lợi "sẽ chẳng còn nữa", bởi vì bà con nông dân đã có thể trực tiếp quảng bá sản phẩm nông, lâm nghiệp tới người dùng cuối mà không cần thông qua bất cứ kênh trung gian nào.
Viettel Money góp phần giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là giảm thiểu được rủi ro trong quá trình đi lại.