Quảng Ninh xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số

25/03/2022, 09:41

Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; Xây dựng số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh, đồng thời bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh và chủ quyền số quốc gia; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Chuyển đổi số là tất yếu

Từ nền tảng của chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện. Thành quả bước đầu chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh trong năm 2019 và đây được coi là “bộ não số” của mô hình thành phố thông minh mà tỉnh đang hướng đến.

Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước gửi-nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó, đồng thời công khai, minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên Cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.

Mới đây, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với ba doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Khẳng định quyết tâm đồng hành cùng Quảng Ninh, VNPT cam kết dùng mọi nguồn lực và phát huy hết khả năng, thế mạnh, hợp tác toàn diện với tỉnh trong tiến trình chuyển đổi số; hai bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, nhất là các khu vực biên giới, hải đảo.

Trước mắt sẽ nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh về đất đai và tài nguyên môi trường; hoàn thiện chức năng của Trung tâm điều hành thông minh IOC của tỉnh Đồng hành cùng với tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai chuyển đổi số đáp ứng nhiệm vụ của từng đơn vị. VNPT Quảng Ninh là một điển hình trong chuyển đổi số khối doanh nghiệp. 

Nắm bắt xu thế phát triển, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã lắp đặt gần 240 điểm cầu truyền hình đến 100% số xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, bảo đảm kết nối liên thông dịch vụ cho các hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến cấp xã; cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến và cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử, nâng cấp, gia tăng tiện ích, hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng trạm phát sóng di động đến 100% các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; hạ tầng mạng 5G tại các khu vực đô thị, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng truyền số liệu đáp ứng đồng bộ khi triển khai chính quyền số.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực triển khai chuyển đổi số. Đến nay, đơn vị đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/ đã đi vào hoạt động ổn định; đồng thời, tích hợp thêm module phần mềm quản lý đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP tại địa chỉ: https://qn.eocop.vn/.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời qua các trang điện tử, cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Theo tính toán của tỉnh, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ.

Đến nay, tỉnh đã tạo lập được một kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO.

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế. Hiện, tỉnh đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, việc ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ nhân lực công nghệ thông tin đang vướng mắc vì thiếu các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông có mặt còn bất cập. Doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông mỏng, nhất là thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) và kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành cho biết, hiện nay hạ tầng cứng của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng bộ, bảo đảm kết nối liên thông, liên vùng quốc gia. Trong giai đoạn này, Quảng Ninh đang tập trung đầu tư vào hạ tầng số, nỗ lực triển khai từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện, với mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh trên ba trục gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, hướng đến là mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước.

Mục tiêu của Quảng Ninh trong năm 2022 là tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số. Cùng với đó, tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% số cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số và kinh tế số chiếm ít nhất 30% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm để trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội.

 Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn công dân lấy số thứ tự để giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: HÙNG SƠN)
Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO