Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 có một điểm mới là mạnh dạn đề xuất: Chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Năm 2013, khi Nghị định 72 được lưu hành, thì tiện ích livestream chưa phổ biến như hiện nay. Cho nên, với dự thảo sửa đổi, muốn quản lý hoạt động livestream cũng không phải đơn giản.
Livestream đang được sử dụng như một phương thức bán hàng hữu hiệu thời công nghệ số. Do đó, Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu các trang cá nhân hoặc các kênh đoàn thể khai báo thông tin để được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Đồng thời, các tài khoản trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10 nghìn người trở lên, cũng phải thông báo thông tin.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi cũng đưa ra giới hạn đối với livestream vi phạm pháp luật là phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông thì thủ tục gửi thông báo về hoạt động livestream được làm theo mẫu có sẵn. Còn những người mở kênh kiếm tiền trên mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube... phải thông báo mình là ai, ở đâu một cách rõ ràng.
Hiện tại, tính năng video trên Facebook có khả năng tiếp cận rộng khắp với người dùng mạng xã hội. Vì vậy, tiện ích livestream dù để có doanh thu hay không có doanh thu cũng là một nội dung hấp dẫn dành cho đám đông. Dự thảo sửa đổi là cần thiết, nhưng liệu có tăng cường được hiệu quả kiểm soát hay không? Bởi lẽ, nếu không xây dựng được lộ trình hợp lý thì đòi hỏi khai báo thông tin cũng trở thành một loại “giấy phép con” tương đối phức tạp.
Một câu hỏi cũng khá nhạy cảm: Cột mốc 10 nghìn người theo dõi/ đăng ký cho một tài khoản, căn cứ vào yếu tố nào? Bởi lẽ, tài khoản ảo và tài khoản thật luôn có khoảng cách nhất định. Có những tài khoản 100 nghìn lượt theo dõi nhưng mỗi nội dung truyền tải chỉ nhận được vài chục like, thì không thể so được với tài khoản 3 nghìn lượt theo dõi mỗi nội dung truyền tải đạt đến con số nghìn like. Mặt khác, phân định tài khoản có doanh thu và tài khoản không có doanh thu cũng rất mơ hồ.
Livestream trên mạng đang dần dần hình thành một xu hướng truyền thông, nhưng không phải ai cũng có thể livestream. Vì sao? Vì livestream là một nghệ thuật trình diễn, phải có sự đầu tư về nhân lực và vật lực. Nếu chỉ quản lý livestream kiểu giấy tờ hành chính thì không có ý nghĩa gì.
Ngược lại, nếu cho rằng quản lý livestream sẽ góp phần ngăn chặn hàng nhái, hàng giả thì hơi lạc quan tếu. Bởi lẽ, Bộ Thông tin - Truyền thông không phải lực lượng có thể đánh giá và thẩm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng.