Phú Thọ: Đẩy mạnh mua bán trực tuyến trong bối cảnh COVID-19

20/07/2021, 10:26

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động buôn bán giao thương trong các chợ truyền thống và để hạn chế tụ tập đông người, phòng, tránh dịch bệnh COVID-19, nhiều người bán và người mua trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã dần thay đổi thói quen mua sắm, từ hình thức trực tiếp sang mua hàng trực tuyến.

Có thể thấy rằng đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương trong chợ truyền thống. Không ít tiểu thương đã phải đóng cửa ki-ốt, tạm nghỉ bán hàng do buôn bán ế ẩm, mặc dù các ngành hàng này vẫn được phép hoạt động.

Song song với đó, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người dân phải hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ đó thay đổi thói quen mua bán, từ trực tiếp sang hình thức mua sắm trực tuyến. Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thay đổi thói quen mua sắm từ hình thức trực tiếp ở các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng sang mua hàng trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại, mạng xã hội Facebook, Zalo… nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nhanh chóng khai thác và ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào các hoạt động tư vấn, bán và chăm sóc, hỗ trợ khách hàng... Nếu như trước đây, các mặt hàng chào bán trên mạng xã hội chỉ dừng lại ở một số loại cơ bản, như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm thì hiện nay, người tiêu dùng có thể tìm thấy tất cả các mặt hàng ở các chủng loại khác nhau trên mạng. Và chỉ cần vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể chọn mua cho mình mọi thứ, từ đồ ăn, chăm sóc sức khỏe đến máy móc, thiết bị điện tử... một cách tiện lợi, nhanh chóng mà không phải tiếp xúc nơi đông người. Điều này không chỉ giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo doanh thu và việc làm cho người lao động mà còn là cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, hướng tới nền kinh tế số.

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp và người dân về phát triển thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử  bằng nhiều hình thức. Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nhằm phát triển nguồn nhân lực thực hiện hoạt động thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó giúp cán bộ công chức, cán bộ quản lý và cán bộ phụ trách thương mại điện tử của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn sâu về thương mại điện tử, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao hoạt động về thương mại điện tử tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử, xây dựng website thương mại điện tử, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng việc kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan, chuyển tiền qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến và các giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, nhằm giúp các đơn vị bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm, qua đó khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Hiến, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Việt Trì, cho biết hơn một năm trở lại đây, nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng ngày một tăng cao, khiến siêu thị tăng cường thêm nhân viên, phương tiện để giao hàng đến thời gian yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, siêu thị cũng thực hiện chính sách ưu đãi đối với khách hàng khi mua với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên sẽ được giao hàng miễn phí, trong vòng bán kính 5km nên rất nhiều khách hàng lựa chọn. Đây là phương thức bán hàng hiệu quả và siêu thị khuyến khích khách hàng lựa chọn, nhất là các mặt hàng đồ gia dụng, đồ hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… vừa không lo về giá, chất lượng sản phẩm vừa hạn chế việc tiếp xúc đông người.

Song song với các sàn giao dịch thương mại bán hàng trực tuyến lớn, phủ sóng toàn quốc như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã vận hành có hiệu quả các website nongsan.phutho.gov.vn; sàn giao dịch thương mại điện tử giaothương.net.vn với các loại mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, việc mua hàng theo hình thức trực tuyến không chỉ tiện lợi, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian mà còn dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm để có sự so sánh về giá cả và chất lượng của các đơn vị cung cấp sản phẩm. Sau khi mua hàng, khách hàng còn được phản hồi về chất lượng dịch vụ và trả hàng nếu không hài lòng. Về giá cả sản phẩm cũng được niêm yết nên rất dễ lựa chọn theo “túi tiền”. Không chỉ vậy, trong quá trình trao đổi, người giao hàng và người mua dễ dàng áp dụng biện pháp đeo khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn để phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội.

Có thể thấy, việc mua sắm trực tuyến đã phát huy tác dụng to lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Không chỉ thuận tiện, việc mua hàng trực tuyến còn giúp người dân phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh và giúp trong việc buôn bán kinh doanh của các doanh nghiệp, cửa hàng... bớt khó khăn. Tuy nhiên, mua hàng trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đúng yêu cầu…

Chính vì vậy, người mua hàng cũng nên thận trọng khi đưa ra các quyết định mua sắm của mình để tránh các trường hợp bị lừa đảo qua mạng. Người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn sàn giao dịch thương mại, mạng xã hội bán hàng, địa chỉ mua hàng uy tín, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. Bên cạnh đó, khi thực hiện thanh toán trực tuyến cũng nên thận trọng để không bị lộ thông tin. Ngoài ra, nên giữ lại hóa đơn khi đã nhận hàng để làm bằng chứng trong các trường hợp bảo hành, đổi trả, hoàn tiền...

Đồng thời, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân cần kiểm soát chặt chẽ các website, mạng xã hội bán hàng để tránh bị giả mạo, ảnh hưởng thương hiệu, uy tín sản phẩm và niềm tin của khách hàng.

Mua sắm trực tuyến bước đầu trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp. Để mua sắm trực tuyến thực sự phát huy được hiệu quả trong “mùa dịch” đòi hỏi sự cẩn trọng của cả người bán, người mua cũng như sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO