Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao và thiết bị thông minh ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã định hướng và đưa ra các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh cho hiệu quả kinh tế cao.
Đẩy mạnh nông nghiệp thông minh được xem là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước cho thấy, chủ trương này còn gặp nhiều thách thức về cơ chế, chính sách, chất lượng vốn, nhân lực cũng như khả năng áp dụng công nghệ cao trong thực tế.
Những trăn trở này được thảo luận trong Hội thảo "Định hướng và Giải pháp phát triển Nông nghiệp thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội” ngày 3/11. Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa ra 7 giải pháp chính để tháo gỡ nút thắt.
Một, là nông nghiệp thông minh cần được khuyến khích trong phát triển nông nghiệp đô thị, dựa trên nghiên cứu về thị trường và các nhu cầu của cư dân đô thị.
Hai, là Chính phủ ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với đô thị nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao.
Ba, là Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng kiến trúc tổng thể của Chính phủ số và Kinh tế số của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có đầu mối tập trung ở cấp Bộ để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, tránh hiện tượng tự phát khi chưa có các tiêu chuẩn kết nối chung.
Bốn, là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các HTX, doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm cấp cơ sở.
Năm, là triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp, đồng bộ.
Sáu, là thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đồng hành cùng nông dân. Các công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp cần phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc là những lĩnh vực cần ưu tiên nghiên cứu.
Bảy, là thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ quản trị số phù hợp của thế giới.
Trong thời gian, ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ nền kinh tế, đặc biệt là những tháng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Riêng Hà Nội, ngành duy trì mức tăng trưởng: Quý I/2021 tăng 2,51%, Quý II tăng lên 3,09%, và Quý III tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, với tổng giá trị ước đạt trên 67,7 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu ước đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%
Bất chấp dịch bệnh, thành phố đã tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành như tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra.
Hướng tới một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh. Theo Sở NN-PTNT, thành phố hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 01 mô hình kết hợp trọt và chăn nuôi). Tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể trong kế hoạch xây dựng nền nông nghiệp thông minh trong đô thị, Hội thảo "Định hướng và Giải pháp phát triển Nông nghiệp thông minh trên địa bàn TP. Hà Nội” đã nhận nhiều ý kiến quý báu, dựa trên quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Về trồng trọt, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại; ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên lúa.
Về chăn nuôi, thành phố sẽ đẩy mạnh hình thức chăn nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động, công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính, xử lý môi trường bằng công nghệ tiên tiến như đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học.
Về thủy sản, Hà Nội chủ trương ứng dụng công nghệ sông trong ao, sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc.
Bằng quyết tâm của UBND, Sở NN-PTNT, các doanh nghiệp, HTX và người dân, Hà Nội cam kết tận dụng những ưu đãi từ các Nghị định số 52, 57 và 98 năm 2018 của Chính phủ, tạo ra một nền nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.