Phát triển kinh tế tuần hoàn nhìn từ khía cạnh hội nhập

25/01/2023, 11:23

Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và đạt được những thành tựu ấn tượng chính là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.

Vai trò của kinh tế tuần hoàn

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Việt Nam đã đề ra định hướng "Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" và "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất". Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ "Xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn".

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình KTTH là mô hình mà quan điểm tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường.

Như vậy, có thể hiểu KTTH là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người... Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Dưới góc độ doanh nghiệp, nền KTTH còn mang lại cách nhìn mới mẻ về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; Đồng thời, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên.

Nền KTTH là một phương thức kinh doanh khác biệt rõ rệt, buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại các khâu trong sản xuất, kinh doanh, từ thiết kế và sản xuất sản phẩm đến mối quan hệ với khách hàng. Ưu việt của KTTH là vừa giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa hướng đến nền kinh tế phi phát thải và bảo vệ môi trường, từ đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tới môi trường.

Xu hướng tất yếu

Hiện nay, việc chuyển đổi sang KTTH là xu hướng tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nguồn nguyên liệu thô đang ngày càng cạn kiệt đặc biệt là đối với nguồn tài nguyên không thể tái tạo, từ đó tạo ra sự phụ thuộc vào các nước khác về nguyên liệu thô dẫn đến những căng thẳng, xung đột về kinh tế, chính trị giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, BĐKH đang diễn ra ngày càng rõ rệt, việc phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2 làm gia tăng quá trình BĐKH đã gây nên những tác động tiêu cực đến cuộc sống và mọi lĩnh vực liên quan.

Châu Âu là khu vực nhập khẩu khá nhiều tài nguyên, khoảng 40% nguồn tài nguyên sử dụng được nhập khẩu từ bên ngoài. Phát triển KTTH giúp các nước thuộc khu vực châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhâp khẩu. Đồng thời giảm áp lực môi trường khi yếu tố bảo vệ môi trường được đưa lên hàng đầu trong phát triển kinh tế.

Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch hành động của EU đối với nền KTTH vào tháng 12/2015. Chiến lược này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền KTTH ở châu Âu. Hướng tới một nền KTTH ở châu Âu sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tạo ra việc làm mới và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Mục tiêu của chiến lược này nhằm đảm bảo khuôn khổ pháp lý phù hợp áp dụng cho sự phát triển của KTTH, đưa ra các định hướng cho các nhà điều hành kinh tế và xã hội nói chung hướng tới các mục tiêu giảm thiêu chất thải trong dài hạn và đưa ra các chương trình hành động nhằm đạt tới mục tiêu trong phát triển KTTH. KTTH ở châu Âu bao gồm các yếu tố về sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, thị trường nguyên liệu thô "thứ cấp", các biện pháp cụ thể về vật liệu, sự đổi mới và các chỉ số. Kế hoạch hành động thúc đẩy việc kiểm soát vòng nguyên liệu và vòng đời của sản phẩm.

Theo Ủy ban châu Âu (2015), các đề xuất về chất thải sẽ thiết lập một tầm nhìn dài hạn nhằm tăng cường tái chế và giảm chôn lấp, đồng thời đề xuất các biện pháp cải thiện quản lý chất thải có tính đến các tình huống khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Tập trung vào các rào cản thị trường đối với các ngành hoặc dòng nguyên liệu cụ thể, ví dụ như nhựa, chất thải thực phẩm, nguyên liệu thô quan trọng, xây dựng, sinh khối và các sản phẩm dựa trên sinh học, đổi mới và đầu tư. Chỉ thị khung về chất thải đã được Ủy ban châu Âu ban hành như Hệ thống phân cấp về chất thải của EU theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho yếu tố tuần hoàn khi phát triển KTTH.

Ảnh minh họa.

Tại Ấn Độ, mỗi ngày đất nước này thải ra môi trường khoảng 62 triệu tấn chất thải rắn, dự báo đến năm 2050, khối lượng này lên đến 436 triệu tấn/ngày. Chỉ khoảng 20% trong số 62 triệu tấn hiện nay được xử lý. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH là một yêu cầu cấp thiết hiện nay tại Ấn Độ. Ấn độ đã sử dụng một số phương pháp sau:

Thứ nhất, giảm chất thải, hạn chế sử dụng nguyên liệu thô không tái tạo: phương pháp này bao gồm các cách thức đổi mới nhằm thay đổi cách sử dụng các nguồn nguyên liệu thô không còn khả năng tái tạo. Mô hình này hướng đến thay thế nguồn nguyên liệu khan hiếm bằng các nguồn có khả năng tái tạo, có khả năng tuần hoàn hoặc nguồn đầu vào có thể phân hủy. Từ đó bảo tồn được các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo cũng như tái chế rác thải tự nhiên.

Thứ hai, tái sử dụng, kéo dài thời gian sử dụng trước khi tái chế: phương pháp này giúp kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm càng lâu càng tốt, phương pháp này giúp chuyển các nguyên liệu không còn sử dụng hoặc bị thải bỏ sang một chu trình khác mà các nguyên liệu này sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu sử dụng từ đó giúp gia tăng giá trị kinh tế cho đất nước.

Thứ ba, tái chế, phục hồi và tái sử dụng nguồn đầu ra: việc tái chế sẽ giảm thiểu chất thải bằng cách chuyển chất thải thành các nguồn tài nguyên mới, tạo ra sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ tài nguyên. Phương pháp này tập trung vào việc thu hồi và tái sử dụng chất thải rắn và rác thải điện tử để tạo ra các sản phẩm mới nhằm giảm tối thiểu sự hao hụt nguyên liệu và tối đa hóa giá trị kinh tế.

Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia đưa ra các chính sách về KTTH ở cấp độ quốc gia. Trung Quốc triển khai nền KTTH bằng cách lồng ghép vào các kế hoạch của Chính phủ trong những năm gần đây với ưu tiên tập trung ở cấp độ tỉnh. Trung Quốc đã triển khai KTTH trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế với hệ thống ba cấp độ: vĩ mô (tỉnh, thành phố và huyện); trung gian (khu vực cộng sinh) và vi mô (các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh). Một số lĩnh vực chính như hệ thống công nghiệp, môi trường xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị và hệ sinh thái. KTTH ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ xác định mục tiêu phát triển và thông qua các quy định pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp.

Bài học cho Việt Nam

Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới chuyển đổi sang mô hình KTTH và đạt được những thành tựu ấn tượng chính là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam. Có thể thấy, KTTH sẽ giúp giải quyết vấn đề phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhập khẩu. Nền kinh tế tuyến tính truyền thống sẽ gặp nhiều hạn chế khi nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Áp dụng các phương pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế là một trong những bước quan trọng để hướng tới trạng thái đầy đủ về nguồn lực.

Với xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh, KTTH là một trong những mục tiêu cần hướng đến và việc ra các chính sách phù hợp từ phía Chính phủ là rất quan trọng. Ngoài ra, cần xây dựng khung pháp luật và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTH. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ các mô hình KTTH, chú trọng tới hiệu quả đầu tư và phát triển KTTH, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển KTTH.

Cần tập trung vào đầu tư cho khoa học công nghệ vì đây là yếu tố cốt lõi cho sự thành công khi phát triển KTTH. Việc phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tập trung vào năng lực về công nghệ của các doanh nghiệp, kỹ năng của nguồn nhân lực sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang KTTH. Nên có sự lựa chọn các ngành, lĩnh vực phù hợp để ưu tiên phát triển khi áp dụng mô hình KTTH, từ đó tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển tạo nên sự thành công chung trong phát triển KTTH tại Việt Nam.

Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình KTTH được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO