Phát triển hệ sinh thái nền tảng số

21/02/2022, 17:56

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cần nhiều yếu tố, trong đó hình thành và phát triển hệ sinh thái nền tảng số là một trong những giải pháp đột phá. Nền tảng số được coi là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số Việt Nam...

Trong hai năm qua, hàng loạt các nền tảng số Make in Vietnam do các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng phát triển đã được công bố và triển khai trong thực tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần phòng chống Covid-19 hiệu quả, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

HÌNH THÀNH HỆ SINH THÁI NỀN TẢNG SỐ

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt 38 nền tảng Make in Vietnam, tập trung các lĩnh vực: đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al), tư vấn sức khỏe, khám, chữa bệnh...

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục công bố 35 nền tảng Make in Vietnam, được chia thành 6 nhóm: hạ tầng số; chính phủ số; công nghệ số cốt lõi; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh và lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, kho vận, công thương.

Mục tiêu chương trình hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đặc biệt, để phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, ngày 11/2/2022 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia.

Tại quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra 3 mục tiêu cụ thể cho Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia. Theo đó, chương trình hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chương trình cũng đặt mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở.

Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó có 20 nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội.

Hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Cụ thể, đó là các nền tảng: điện toán đám mây chính phủ; địa chỉ số; bản đồ số; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; nền tảng dạy học trực tuyến; nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (Moocs); nền tảng hóa đơn điện tử; nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng trạm y tế xã; nền tảng phát thanh số (trực tuyến); nền tảng truyền hình số; nền tảng bảo tàng số; nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.

Các nền tảng trên do các bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài Nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan chủ quản; đầu mối là các đơn vị hoặc doanh nghiệp trực thuộc.

15 nền tảng số quốc gia còn lại do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội; gồm: nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp; nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng thiết bị IoT; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới; nền tảng mạng xã hội thế hệ mới; nền tảng sàn thương mại điện tử; nền tảng đại học số; nền tảng quản trị tổng thể; nền tảng kế toán dịch vụ; nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải; nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); nền tảng trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); nền tảng trợ lý ảo; nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Cùng với các nhiệm vụ triển khai chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số quốc gia (National Digital Plaforms) tại địa chỉ ndp.gov.vn để cung cấp thông tin, thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

GIẢI BÀI TOÁN CỤ THỂ, ĐẨY NHANH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nhìn lại hành trình chuyển đổi số quốc gia thời gian qua, đã có nhiều nền tảng số được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sáng tạo trên tinh thần Make in Vietnam đã được ứng dụng trong thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, mang lại những giá trị, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Các giải pháp nền tảng công nghệ số của các doanh nghiệp đã đi vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong quá trình chuyển đổi số, cũng như đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá chính là nắm bắt cơ hội phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, lĩnh vực.

Nền tảng số được coi là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Chia sẻ tại buổi công bố 35 nền tảng số được giao cho các doanh nghiệp trong Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng nền tảng số là hệ thống thông tin trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng, cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.

Nền tảng số được coi là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các nền tảng số quốc gia chính là hạ tầng của nền kinh tế số và giúp giữ lại tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam. Các nền tảng số được nêu tên trong diễn đàn là những việc lớn, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Những nền tảng số này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo động lực tăng trưởng bền vững để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Năm 2022 được coi là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Cục Tin học hóa cho biết: dự kiến tỷ trọng kinh tế số trong GDP chiếm khoảng 11,5% năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số khoảng 30%. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định những nền tảng số chủ yếu cho chuyển đổi số như: hồ sơ sức khỏe điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, nền tảng giao diện thanh toán hợp nhất…

Dưới góc độ doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, Tổng giám đốc MISA Đinh Thị Thúy cho rằng trong năm 2022 đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và chỉ có ứng dụng công nghệ số mới có thể giúp doanh nghiệp vững vàng “vượt bão”. Do vậy năm nay sẽ là năm có nhiều cơ hội và là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp vươn lên phục hồi kinh tế toàn diện. Doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm sôi động của doanh nghiệp Việt và bức tranh về kinh tế số Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực và rõ nét.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO