Hội thảo chú trọng lắng nghe các tham luận trình bày về thực trạng và giải pháp phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với chuyển đổi số và lấy khởi nghiệp sáng tạo làm tiên phong thí điểm; Thử nghiệm công nghệ hợp nhất với mô hình kinh doanh mới, đột phá và khác biệt; Kết nối, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh sự phát triển đột phá cho hệ sinh thái, cũng như kiến tạo các hạ tầng cho sự phát triển của đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Các chuyên gia, diễn giả cho rằng phát triển đổi mới sáng tạo cần đột phá về xây dựng hạ tầng kiến tạo cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó hạ tầng về thể chế chính sách là hạ tầng mang tính mẫu chốt. Hạ tầng đổi mới sáng taọ là nơi các giải pháp, sáng chế, công nghệ được phát minh và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nguồn để đáp ứng các nhu cầu không được thỏa mãn trong xã hội. Xây dựng, hình thành phát triển hạ tầng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là quan trọng và cấp bách. Đặc biệt, hạ tầng thể chế chính sách cần cơ chế đặc biệt cho phép thử nghiệm, thí nghiệm, tiếp cận theo hướng quản lý phát triển nhiều hơn là quản lý nhà nước về rủi ro.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định ngoài thể chế chính sách đặc biệt, cần có hạ tầng phát triển nhân lực, tri thức, hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng về vốn, hạ tầng nền tảng, dữ liệu, hạ tầng truyền thông, marketing… để thực hiện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia.
Cũng tại sự kiện, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ KH&CN ký kết hợp tác cùng Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) về việc "Hợp tác thiết lập, phát triển mạng lưới Tổ hợp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia". Hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động liên quan đến Hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo mở cấp quốc gia; thiết lập các tổ hợp, đặc khu, trung tâm đổi mới sáng tạo, sáng tạo mở, khởi nghiệp, chuyển đổi số (mạng lưới Vietnam Innovation Hub) để hỗ trợ đào tạo, ươm tạo, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thiết lập các dự án chung quy mô quốc gia; thí điểm, thử nghiệm các mô hình kinh tế công nghệ mới thông qua các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp đặc biệt chú trọng hoạt động dẫn dắt và thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp, tập đoàn trong hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cho hoạt động phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Cũng tại sự kiện là lễ ký và ra mắt mạng lưới các tổ hợp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng và vùng Trung Trung Bộ - Danang Vietnam Innovation Hub. Các bên nhất trí cùng xây dựng mạng lưới các Tổ hợp đổi mới sáng tạo theo vùng, khu vực cũng như theo chuyên ngành, lĩnh vực, chú trọng 5 lĩnh vực nhằm mục tiêu xây dựng và triển khai Đề án Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo; Hợp tác nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung- Tây Nguyên, trung tâm Fintech quốc gia tại Đà Nẵng, với các mô hình thử nghiệm chính sách và các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù khác.
Triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo để xây dựng, thí điểm và triển khai theo thực tế các tổ hợp Đổi mới sáng tạo mở, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo (mạng lưới các tổ hợp Vietnam Innovation Hub) nhằm thúc đẩy sự tham gia của cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhà khoa học, các y bác sỹ, chuyên gia cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp hợp tác, đặt hàng, công bố các bài toán cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết, thúc đẩy hoạt động kết nối doanh nghiệp, tập đoàn với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực mới giàu bản sắc Việt, giỏi chuyên môn, thạo công nghệ.
Triển khai thí điểm, thử nghiệm, áp dụng, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, công nghệ số vào SPT, Bệnh viện 199, Vietnam Innovation Hub và các tập đoàn, doanh nghiệp mà Các bên giới thiệu vào các tổ hợp để triển khai theo thực tế, hỗ trợ các công trình nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ và ứng dụng thực tiễn.
Chú trọng xây dựng mạng lưới các tổ hợp (Hub) đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế sáng tạo, kinh tế công nghệ tại các tỉnh thành, địa phương, trung ương và chuyên ngành như Y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ tiên phong (AI, IOT, 3D ARVR, Blockchain…), nông nghiệp, Logistic và Thương mại điện tử, Xây dựng vật liệu BĐS Fintech, Steam, năng lượng chuyển đổi sinh thái xanh, tác động xã hội, lĩnh vực công (GOV), Công nghệ đại dương, lưỡng dụng, khu công nghiệp đổi mới sáng tạo…
Tham gia kiến tạo và xây dựng chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thông qua hợp tác và xây dựng các chuỗi sự kiện đổi mới sáng tạo mở, hoạt động Diễn đàn chính sách quốc gia về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.