Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số

07/03/2022, 10:17

BDK - Tập trung phát triển hạ tầng số được xác định là thành phần nền tảng thúc đẩy sự phát triển của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số (CĐS).

Hệ thống chỉ đạo điều hành điện tử của huyện Bình Đại. Ảnh: Lư Nhường

Quan tâm đầu tư hạ tầng số

Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế, đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao như mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN), dịch vụ truyền số liệu, thuê kênh riêng, dịch vụ MyTV… Hạ tầng mạng viễn thông có độ phủ tương đối tốt, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Dịch vụ, viễn thông và Internet tiếp tục được đầu tư nâng cấp, lắp đặt thiết bị hiện đại và có bước phát triển vượt bậc, nhiều loại dịch vụ mới phát triển phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai hạ tầng kết nối băng thông rộng cố định cáp quang, cáp đồng rộng khắp đến địa bàn các xã, phường, thị trấn. Riêng 2 xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm và Tam Hiệp, huyện Bình Đại chỉ triển khai cáp quang nội bộ. Tỷ lệ phủ sóng di động theo dân số 2G, 3G đạt 100% và 4G đạt 95%. Tổng số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên toàn tỉnh là hơn 911 ngàn, trong đó có hơn 600 ngàn thuê bao (gần 65%) có phát sinh lưu lượng. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/100 dân đạt 70,8%. Dịch vụ truy cập Internet có 79 đại lý, thuê bao băng rộng di động là 781.485 thuê bao, thuê bao băng rộng cố định là 218.592 thuê bao.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng. 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh tới cấp huyện, 78,5% cán bộ cấp xã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và Internet băng thông rộng để phục vụ công việc.

Tỉnh đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh và đã kết nối thành công với trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), triển khai trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh (SOC) kết nối với trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC). Theo đó đã giám sát an toàn thông tin và kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. 100% máy tính trong các cơ quan nhà nước được cài phần mềm diệt vi-rút có bản quyền.

Xác định rõ mục tiêu đầu tư phù hợp

Ghi nhận tại Bình Đại, là 1 trong 2 huyện được tỉnh chọn để thí điểm thực hiện CĐS cấp huyện, huyện Bình Đại cũng đã chú trọng đầu tư cho hạ tầng số để thúc đẩy CĐS trên 3 trụ cột. Trong đó, huyện đã đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm điều hành thông minh IOC với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trung tâm có các phân hệ chức năng hoạt động như giám sát điều hành y tế, giáo dục, giám sát camera an ninh giao thông, môi trường, giám sát văn bản điện tử, điều hành chỉ tiêu ngân sách, chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trung tâm sẽ tự động cập nhật thông tin hàng ngày tất cả các chỉ số, chỉ tiêu toàn diện trên các lĩnh vực về hệ thống máy chủ giúp cho việc theo dõi, nắm bắt xử lý và chỉ đạo được kịp thời.

Theo báo cáo, hạ tầng viễn thông của huyện Bình Đại tiếp tục có bước phát triển, đảm bảo sử dụng có hiệu quả chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin, thông tin liên lạc của cấp ủy chính quyền. Hạ tầng băng thông rộng, cáp quang kết nối Internet đã được phủ đến các xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Huyện đã lắp đặt được 22 điểm truy cập wifi miễn phí cho người dân tại một số địa điểm công cộng trên địa bàn huyện; 20 xã, thị trấn của huyện có trang thông tin điện tử cấp cơ sở và được liên thông với cổng thông tin điện tử của tỉnh. Huyện cũng áp dụng giải pháp truyền thanh thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hoạt động trên 70% các xã, hiện có 29 cụm loa truyền thanh thông minh trên 12 xã thuộc huyện. Cùng với đó là trang bị 350 điểm camera an ninh, trong đó có 3 điểm trọng yếu áp dụng công nghệ AI hỗ trợ tác nghiệp của lực lượng an ninh trong phòng chống tội phạm.

Có thể thấy, trên cơ sở hạ tầng sẵn có, các địa phương đẩy mạnh CĐS cũng đã mạnh dạn đầu tư thêm về hạ tầng số một cách đồng bộ và quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu triển khai đề án. Qua thực tế triển khai, các địa phương, đơn vị, ngành cũng nhận thấy cần có nguồn kinh phí tập trung để đầu tư hạ tầng số hiện đại và đồng bộ ngay từ đầu, tạo đà cho các hoạt động tiếp theo.

Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Trung Tính, các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi pháp luật. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ Trung ương đến địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện CĐS ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại.

Thanh Đồng

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO