"Ở ngoài cuộc chơi công nghệ", doanh nghiệp sẽ khó khăn tuyển dụng nhân sự GenZ

20/05/2022, 09:54

Việc ứng dụng công nghệ sẽ tùy thuộc vào quy mô, đặc thù của từng doanh nghiệp để lựa chọn giải pháp phù hợp. Nhưng nếu doanh nghiệp xem “công nghệ có hay không không quan trọng”, trong tương lai gần sẽ rất khó khăn trong việc tuyển dụng thế hệ nhân sự mới...

Ông Trần Trung Hiếu, CEO công ty Cổ phần TopCV Việt Nam chia sẻ rõ hơn những nội dung này tại The WISE Talk số đầu tiên với chủ đề “HRTech - giải pháp tạm thời hay xu thế tất yếu trong quản trị nhân sự?” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng 19/5.

BA TỪ KHÓA VỀ HRTECH

"Nếu dùng 3 từ khóa để nói về HRTech thì đó là nhân sự, công nghệ và chuyển đổi số. Hiểu một cách đơn giản về HRTech chính là ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ vào trong quá trình quản trị, tổ chức nhân sự trong doanh nghiệp", CEO công ty Cổ phần TopCV Việt Nam nói.

Thị trường hiện nay đã quá quen với các cái khái niệm như EdTech chỉ các công ty giáo dục, ứng dụng công nghệ; PropTech là ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản, song với HRTech dù là một khái niệm đã rất phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam vẫn là câu chuyện rất mới.

Nói đến câu chuyện ứng công nghệ trước hết cần có tư duy đúng. “Tư duy ở đây là chúng ta đang đi thu hút nhân tài, hãy coi mình là người làm marketing, một người làm sales làm sao mang sản phẩm tốt nhất để thu hút được ứng viên, đó là khách hàng của mình”, ông Hiếu nói và cho rằng điều quan trọng tiên quyết là doanh nghiệp phải xây dựng được hình ảnh, giá trị riêng và truyền tải được giá trị đó đến nhiều ứng viên. Các sản phẩm về HRTech, hay nền tảng tuyển dụng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mang hình ảnh đó đến ứng viên với một số lượng rất lớn.

Việc ứng dụng HRTech đầu tiên sẽ giải quyết được bài toán phủ rộng về mặt thương hiệu đến với nhiều người hơn, tuy nhiên khi tiếp cận đủ thì phải làm cho hấp dẫn hơn để thu hút người lao động ứng tuyển.

Dẫn chứng từ thực tế câu chuyện tuyển dụng tại TopCV, trung bình một thời điểm, một ứng viên có thể tìm kiếm được khoảng 40.000 công việc là quá nhiều, CEO của TopCV Việt Nam thừa nhận rằng nhờ hệ thống công nghệ sử dụng AI hỗ trợ lọc, ứng viên chỉ cần xem 10 - 20 tin tuyển dụng có thể chọn được một tin phù hợp.

Yếu tố công nghệ làm giảm bớt quy trình, thời gian của ứng viên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhanh hơn để tiếp cận đúng đối tượng mà mình cần và không bỏ sót.

Thực tế một bài toán rất nhiều chủ doanh nghiệp gặp phải và đau đầu là tuyển sai người, nhiều khi phỏng vấn ứng viên xong lại thấy không phù hợp, lúc ấy phải lặp lại quá trình tuyển dụng dẫn đến rất lãng phí. “Tệ hơn nữa là nhân sự vào làm mấy tháng rồi, chúng ta mới nhận ra là hình như không đúng người, chi phí lúc ấy doanh nghiệp bị mất đi không phải là tiền tuyển dụng nữa nữa mà cả tiền đào tạo, tiền cho nhân sự đó làm việc ở công ty rồi các chi phí cơ hội khác nữa”, ông Hiếu phân tích.

Do đó, ông Hiếu nhấn mạnh rằng nếu yếu tố công nghệ được áp dụng có thể hỗ trợ trong việc xác định đúng đối tượng cần tuyển, xây dựng hệ thống test để đánh giá online ngay ứng viên nên có những tiêu chí gì, chọn lọc như thế nào và sau khi sơ loại xong doanh nghiệp chỉ cần phỏng vấn những người phù hợp nhất.

“Câu chuyện tuyển dụng có rất nhiều bước, ở mỗi bước có thể có sự hỗ trợ của công nghệ giúp tối ưu quá trình và thời gian tuyển dụng. Tuy nhiên yếu tố then chốt là phải biết rõ cần tuyển ai, ứng viên ở đâu, tiếp cận như thế nào, quan trọng hơn là thái độ của người tuyển dụng nên ở trong sự win-win. Chúng ta nên coi ứng viên dù phù hợp hay không đều là khách hàng tiềm năng, chắc chắn cách thức tiếp cận và sử dụng công nghệ hỗ trợ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn rất nhiều”, ông Hiếu lưu ý.

NGUY CƠ DOANH NGHIỆP BỊ ĐÀO THẢI RẤT CAO NẾU “KHÔNG CÓ CÔNG NGHỆ”

Theo báo cáo thị trường tuyển dụng năm 2021 của Top CV, có 84% các doanh nghiệp cảm thấy việc ứng dụng HRTech vào doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 25% các doanh nghiệp đang thực sự ứng dụng HRTech vào trong quản trị nhân sự của doanh nghiệp.

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Trung Hiếu thừa nhận, câu chuyện nhân sự luôn là bài toán rất quan trọng, nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn họ sẽ đặt các bài toán về hoạt động kinh doanh là yếu tố then chốt đầu tiên, nguồn lực về tài chính bao gồm cả sự đầu tư cho hoạt động tổng thể về nhân sự thường sẽ thấp hơn.

Một khía cạnh nữa mà rất nhiều doanh nghiệp đang đặt dấu hỏi về việc nếu triển khai thì cũng không biết bắt đầu từ đâu, bởi vì mẫu số để tham chiếu về các mô hình thành công hoặc những sản phẩm có thể áp dụng được vẫn chưa phổ biến hoặc chưa nhiều người biết tới khiến các doanh nghiệp đắn đo trong việc lựa chọn giải pháp.

Ngoài ra, mọi người hay hình dung nó là một thứ gì đó rất đồ sộ ví dụ như việc áp dụng ERP (phần mềm Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) rất đắt tiền hay các hệ thống giải pháp khác nếu không có đội ngũ kỹ thuật thì không thể xây dựng được.

Trên thế giới các concept về HRTech rất đơn giản ở khía cạnh nếu coi là một hoạt động doanh nghiệp cần triển khai thì cần xác định cái gì công nghệ đưa vào sẽ giúp tối ưu hơn thì sẽ áp dụng trước, không đặt một bối cảnh quá toàn vẹn là phải thay đổi cả hệ thống.

Theo ông Hiếu, khi đề cập câu chuyện công nghệ chúng ta hay nói về việc tốn nhiều chi phí nhưng cần đặt nhiều tham chiếu khác nhau, như thứ bỏ tiền ra thì nhận lại được gì? Điểm đầu tiên là tự phát triển hay mua sẵn ở bên ngoài, nếu tự phát triển sẽ phải xây dựng một đội ngũ về công nghệ, tối ưu thường xuyên, chi phí chắc chắn sẽ rất lớn và thường đó sẽ không phải là một lựa chọn tối ưu dành cho những doanh nghiệp không có chuyên môn hoặc không có các sản phẩm về lĩnh vực đó.

CEO TopCV cũng cho rằng, khi có rất nhiều công ty ra đời, đặc biệt gần đây có sự xuất hiện nhiều hơn của các công ty công nghệ, việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự có thể khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lúc này phải chú trọng đến công nghệ để có thể giúp giải quyết bài toán về nhân sự, quản trị.

“Câu chuyện ứng dụng tới đâu còn tùy thuộc vào quy mô đặc thù của từng doanh nghiệp để lựa chọn các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, nên coi việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống cũng tất yếu giống như việc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Nếu doanh nghiệp đang ở ngoài cuộc chơi công nghệ có hay không không quan trọng thì chắc chắn trong tương lai gần, khả năng bị đào thải sẽ rất cao và sẽ rất khó khăn trong việc tuyển dụng thế hệ nhân sự mới”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO