Nỗ lực che giấu nguồn gốc của những công ty Trung Quốc thành danh

09/05/2023, 10:29

Những công ty có gốc gác Trung Quốc đang nổi tiếng trên toàn cầu như Binance, PDD, Shein, TikTok... đều đang tìm cách che giấu nguồn gốc này...

Binance, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, không muốn được gọi là một công ty Trung Quốc.

Binance được thành lập ở Thượng Hải vào năm 2017 nhưng đã rút khỏi Trung Quốc chỉ vài tháng sau đó, trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt các quy chế giám sát toàn ngành. Đến nay, câu chuyện về nguồn gốc vẫn là một vấn đề gây lo lắng đối với CEO Changpeng Zhao của Binance, người thường được gọi tắt là CZ. “Sự phản đối nhằm vào chúng tôi ở phương Tây xuất phát từ quan điểm cho rằng chúng tôi là một ‘công ty Trung Quốc’. Họ làm vậy là không đúng”, ông CZ viết trong một bài blog hồi tháng 9 năm ngoái.

Binance là một trong số những công ty sở hữu tư nhân và hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng đang tìm cách tách khỏi nguồn gốc Trung Quốc của mình, ngay cả khi những doanh nghiệp đó đạt tới vị thế cao ở lĩnh vực kinh doanh tương ứng và gặt hái thành công rực rỡ trên thị trường quốc tế.

Trong những tháng gần đây, PDD - công ty sở hữu siêu thị trực tuyến Temu - đã dời trụ sở qua khoảng cách gần 6.000 dặm sang Ireland. Công ty bán lẻ thời trang ‘mì ăn liền’ Shein cũng chuyển đại bản doanh tới Singapore.

Theo hãng tin CNN, xu hướng này diễn ra trong bối cảnh phương Tây tăng cường giám sát đến mức chưa từng thấy đối với  doanh nghiệp Trung Quốc. Giới chuyên gia nói rằng cách phương Tây đối xử với những công ty như TikTok - thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh - đã trở thành lời cảnh báo thận trọng đối với các công ty có nguồn gốc Trung Quốc khi họ định vị bản thân ở nước ngoài. Điều này thậm chí dẫn tới việc các công ty có gốc gác Trung Quốc chiêu mộ các nhà điều hành nước ngoài để giúp tạo thiện cảm với một số thị trường nhất định.

“Bị xem là một công ty Trung Quốc có thể là một trở ngại đối với hoạt động kinh doanh toàn cầu và đi kèm với nhiều rủi ro”, nhà tư vấn cấp cao Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói với CNN. “Cái nhìn đó sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của công ty, tới cách cơ quan chức năng đối xử với công ty, và tới khả năng của doanh nghiệp trong việc tiếp cận với vốn tín dụng, thị trường, đối tác, đất đai và nguyên vật liệu thô”.

CÔNG TY NÀY THỰC CHẤT ĐẾN TỪ ĐÂU?

Temu, siêu thị trực tuyến đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu, tự coi mình là một doanh nghiệp Mỹ thuộc sở hữu của một công ty đa quốc gia. Công ty có trụ sở tại Boston này và công ty mẹ PDD đặt trụ sở chính ở Dublin, Ireland. Nhưng câu chuyện không phải lúc nào cũng vậy. Cho đến đầu năm nay, PDD vẫn có trụ sở chính tại Thượng Hải và được biết đến với cái tên Pinduoduo, cũng là tên của nền tảng thương mại điện tử cực kỳ phổ biến tại Trung Quốc. Mấy tháng gần đây, công ty đã đổi tên và chuyển đến thủ đô của Ireland mà không đưa ra lời giải thích nào.

Về phần mình, Shein từ lâu đã tìm cách “giấu nhẹm” nguồn gốc. Năm 2021, khi “gã khổng lồ” bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến trở nên nổi tiếng ở Mỹ, trang web công ty không hề đề cập đến nguồn gốc, bao gồm cả việc Shein ra mắt lần đầu tiên ở Trung Quốc. Công ty cũng không nói trụ sở đặt ở đâu, chỉ nói rằng đây là một công ty “quốc tế”.

Một trang web khác của Shein, hiện đã được đưa vào diện lưu trữ, có liệt kê các câu hỏi thường gặp, bao gồm một câu hỏi về trụ sở chính của công ty. Câu trả lời của công ty nói rằng “các trung tâm hoạt động chính nằm ở Singapore, Trung Quốc, Mỹ và các thị trường toàn cầu lớn khác” mà không trực tiếp xác định trụ sở đặt ở đâu. Giờ đây, trang web của Shein đã nêu rõ Singapore là nơi đặt trụ sở chính, cùng với “các trung tâm hoạt động chính ở Mỹ và các thị trường toàn cầu lớn khác”, mà không hề đả động đến Trung Quốc.

Văn phòng của Shein ở Singapore - Ảnh: Reuters.

Đối với Binance, có những câu hỏi về việc liệu việc thiếu trụ sở chính toàn cầu có phải là một chiến lược có chủ ý để tránh quy định hay không. Ngoài ra, Financial Times đã đưa tin vào tháng 3 rằng công ty đã che giấu các mối liên hệ với Trung Quốc trong nhiều năm, bao gồm cả việc sử dụng văn phòng ở đó cho đến ít nhất là cuối năm 2019.

Đối với Binance, đang có những câu hỏi về việc liệu sự thiếu vắng một trụ sở chính toàn cầu có phải là chiến lược có chủ ý để tránh các quy định giám sát hay không. Ngoài ra, tờ báo Financial Times đã đưa tin vào tháng 3 rằng Binance đã phải che giấu các mối liên hệ với Trung Quốc trong nhiều năm, bao gồm cả việc sử dụng một văn phòng ở đó cho đến ít nhất là cuối năm 2019. Trong một tuyên bố mới đây, Binance nói với CNN rằng công ty “không hoạt động ở Trung Quốc, chúng tôi cũng không có bất kỳ công nghệ nào, kể cả máy chủ hoặc dữ liệu, đặt tại Trung Quốc”.

 “Mặc dù chúng tôi đã có một trung tâm cuộc gọi dịch vụ khách hàng đặt tại Trung Quốc để phục vụ những người nói tiếng Trung trên toàn cầu, nhưng những nhân viên có mong muốn ở lại làm việc với công ty đã được đề nghị hỗ trợ chuyển địa điểm bắt đầu từ năm 2021”, một người phát ngôn của Binance cho hay.

CHIẾN LƯỢC CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC

Không khó để hiểu tại sao các công ty áp dụng cách tiếp cận như trên. Ông Ben Cavender, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược China Market Research Group có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định: “Khi nói về các công ty được coi là có liên hệ theo cách này hay cách khác với Trung Quốc, điều đó có thể đồng nghĩa với những rắc rối. Chính phủ Mỹ gần như tự động xem rằng các công ty này là một rủi ro tiềm tàng”, vì suy luận rằng những công ty này có thể chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc có những hành động bất chính.

Mấy năm trước, Huawei là mục tiêu chính của phản ứng chính trị dữ dội ở phương Tây. Giờ đây, các chuyên gia tư vấn đang chỉ về phía TikTok và sự chất vấn dữ dội mà các nghị sỹ Mỹ đặt ra với TikTok về quyền sở hữu của Trung Quốc và các rủi ro bảo mật dữ liệu tiềm ẩn.

Ý nghĩ ở đây là: vì Chính phủ Trung Quốc có đòn bẩy đáng kể đối với các doanh nghiệp thuộc quyền tài phán của mình, ByteDance và do đó, gián tiếp là TikTok, có thể buộc phải hợp tác với một loạt các hoạt động liên quan tới bảo mật, bao gồm cả việc chuyển giao dữ liệu người dùng. Về lý thuyết, mối lo tương tự có thể áp dụng cho bất kỳ công ty Trung Quốc nào.

Ông Garrett Sheridan, CEO công ty tư vấn doanh nghiệp Lotis Blue Consulting, nhận định: “Tôi nghĩ rằng việc che giấu nguồn gốc cho phép công ty điều hướng những căng thẳng này và xây dựng mối quan hệ với khách hàng và cơ quan quản lý của Mỹ. Trong bối cảnh đó, nếu bạn là một doanh nhân Trung Quốc và mục tiêu của bạn là tối đa hóa khả năng tiếp cận người tiêu dùng… thì việc cố gắng làm cho công ty của bạn đa quốc gia hơn, quốc tế hơn và ít tập trung vào Trung Quốc hơn là hành động thông minh”.

Rủi ro đối với doanh nghiệp đang tăng lên khi các nhà hoạch định chính sách ngày càng xem xét kỹ lưỡng để xác định xem một công ty có phải là doanh nghiệp Trung Quốc hay có chủ sở hữu là người Trung Quốc hay không. Trong khi đó ở Trung Quốc đại lục, một loạt công ty đã và đang phải đối mặt với áp lực pháp lý do Bắc Kinh tăng cường giám sát trong mấy năm qua, chiến dịch siết chặt kiểm soát này có vẻ như đang giảm dần. Ngoài ra, khi căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc còn ở mức cao, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các hạn chế đối với việc bán công nghệ tiên tiến, đặc biệt là linh kiện bán dẫn, cho các công ty có mối liên hệ với Trung Quốc.

MỐI NGHI NGỜ DÂNG CAO

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng có hành động tương tự, gần đây đã chặn hai thương vụ mua bán trong lĩnh vực con chip do những thoả thuận này có liên quan đến Trung Quốc.

Giáo sư Guoli Chen tại trường kinh doanh INSEAD nói rằng nguy cơ bị kỳ thị tồn tại “ngay cả khi doanh nghiệp có mối liên hệ rất xa với Trung Quốc”. Ông lưu ý rằng vào năm 2020, Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng chủ yếu là của Trung Quốc. Động thái này đã bị Chính phủ Trung Quốc lên án, và Bắc Kinh nói lý do bảo vệ an ninh quốc gia mà Ấn Độ đưa ra chỉ là “cái cớ” để nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp có quan hệ với Trung Quốc.

CEO Zhao của Binance cũng ngụ ý rằng có thể có những thành kiến ​​đang tồn tại. Trong bài đăng trên blog của mình, ông bác bỏ những mô tả của giới truyền thông nói ông là một “vị CEO người Canada gốc Trung Quốc”. “Tôi là công dân Canada, chấm hết”, ông nói.

“Suy luận ở đây là chúng tôi có nhân viên là người gốc Trung Quốc, và có lẽ vì tôi là người gốc gốc Trung Quốc, nên chúng tôi đang bí mật nằm trong túi của Chính phủ Trung Quốc. Điều này rõ ràng là không đúng sự thật”, ông Zhao viết.

Ông Cavender cho rằng có nguy cơ tiềm ẩn về “sự phân biệt chủng tộc hoặc tư tưởng bài ngoại nói chung” phủ bóng lên một số nhận thức về các công ty có liên quan đến Trung Quốc.

Vào năm 2020, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đã gọi nhầm Zoom là “thực thể Trung Quốc” trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, khiến các nhà phê bình chỉ ra rằng đó là một công ty Mỹ. Cùng năm đó, CEO Eric Yuan của Zoom nói với CNN rằng nếu căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, Zoom có ​​thể phải suy nghĩ lại về mối quan hệ của mình với Trung Quốc, nơi công ty này có một trung tâm nghiên cứu. “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi đã có sẵn một kế hoạch,” ông nói.

NHỮNG VỊ CEO KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC

Tuy nhiên, người tiêu dùng dường như không quan tâm nhiều đến chuyện một công ty có đến từ Trung Quốc hay không. Tính đến tháng trước, 4/5 ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ là những ứng dụng được phát triển bởi các công ty có mối liên hệ với Trung Quốc - theo Apptopia.

Nhưng đối với bản thân các công ty, nhận thức là vấn đề quan trọng, đặc biệt là về người đứng đầu công ty. Vào năm 2020, TikTok đã mời Giám đốc phụ trách phát trực tuyến của Disney, ông Kevin Mayer, đảm nhiệm cương vị CEO - động thái được nhiều người coi là một nỗ lực để làm hài lòng Washington: chiêu mộ một CEO người Mỹ từ một công ty mang tính biểu tượng của Mỹ.

Nhưng ông Mayer không tồn tại được lâu ở vị trí CEO của TikTok, thôi việc chỉ chưa đầy 4 tháng sau đó khi cựu Tổng thống Donald Trump đe dọa cấm ứng dụng này. Một năm sau, TikTok chọn ông Shou Chew cho vai trò này, làm dấy lên suy đoán rằng một lý do khiến ông Chew được chọn “chính xác là bởi ông không phải người Trung Quốc” - chuyên gia Kennedy từ CSIS lưu ý. Chew là một công dân gốc Hoa của Singapore.

CEO Shou Chew của TikTok - Ảnh: Getty.

Theo ông Cavender, nhiều công ty Trung Quốc đang tìm cách thuê CEO người nước ngoài, một phần “vì họ nhận ra rằng họ cần có sự đa dạng đó ở cấp quản lý”. Đó là một trong những “câu hỏi lớn nhất của họ ở thời điểm này”, vị chuyên gia nhận định với CNN.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO