Lợi nhuận tăng 10 - 50%
Cách đây 5 năm, Công ty TNHH MTV Mỹ Viên được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận (Trung tâm) hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất gạch Terrazzo. Ông Trần Kỳ Phong, Giám đốc Công ty Mỹ Viên cho biết, với "trợ lực" từ vốn khuyến công, ông mạnh dạn đầu tư 2 máy ép gạch Terrazzo bán tự động TPC OP3, công suất 210m2/8 giờ và 1 máy mài tự động 4 đầu, công suất 2.500 viên/8 giờ với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Máy móc mới, hiện đại đã giúp công ty giảm chi phí lao động, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Năm 2019, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Tín Nghĩa cũng được Trung tâm hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất cửa nhôm. Qua đó, công ty tiết kiệm được thời gian sản xuất và chi phí nhân công, năng suất tăng 5 lần, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, Ninh Thuận thực hiện 74 đề án khuyến công với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Trong đó, các đề án ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất đã mang lại hiệu quả lớn. Đặc biệt, các cơ sở chế biến thực phẩm sau khi được ứng dụng máy móc hiện đại đã tăng lợi nhuận từ 10 - 50%. Nguồn vốn khuyến công cũng đã hỗ trợ 2 cơ sở sản xuất ở làng gốm Bàu Trúc đầu tư lò nung gốm Thanh Hà (Quảng Nam) nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm - khâu yếu nhất của gốm Bàu Trúc, từ đó lan tỏa ra cả làng nghề…
Quan tâm những nội dung mới
Với kinh phí khoảng 83,3 tỷ đồng, việc triển khai Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 của Ninh Thuận nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhanh, bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, sản phẩm công nghiệp có lợi thế; sản phẩm truyền thống, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả, Sở sẽ tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác khuyến công để xây dựng đề xuất bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời phù hợp với địa phương. Xây dựng quy chế phối hợp giữa khuyến công, xúc tiến thương mại và khuyến nông nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nông, công nghiệp. Kiểm tra tiến độ triển khai các đề án, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Nâng cao công tác đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp…
Sở Công thương cũng đề xuất cần quan tâm đến một số nội dung khuyến công. Cụ thể, việc hỗ trợ tham gia kết nối cung - cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại hội chợ, triển lãm sẽ giúp công tác xúc tiến thương mại ngày càng chất lượng, tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Hoặc việc hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì cho doanh nghiệp hết sức thiết thực. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp rất quan tâm và chú ý đến khâu này nhưng hiệu quả chưa cao, phần lớn do các doanh nghiệp tự đưa ra ý tưởng và thiết kế mẫu mã, kinh phí sản xuất bao bì vượt quá khả năng.
Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, hộ gia đình chiếm 80 - 90%, vốn tích luỹ thấp, năng lực tài chính hạn chế, khả năng vay vốn cũng có hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chi nhiều khoản như tiền điện nước, vật liệu quản lý, các loại thuế, lương cho người lao động… Do đó, cần hỗ trợ lãi suất vốn vay để giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.