Những giao dịch 'tiền ảo' không kiểm soát trên không gian mạng

17/07/2021, 11:19

Mặc dù chưa được pháp luật công nhận nhưng những giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo tại các hội nhóm kín vẫn diễn ra vô cùng “nhộn nhịp” mà chưa có một chế tài nào để quản lý, kiểm soát, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

“Chợ đen” tiền ảo hoạt động không kiểm soát

Tìm từ khóa "đầu tư tiền ảo" trên công cụ tìm kiếm của Google cho ra tới 34.400.000 kết quả chỉ trong vòng 0,49 giây, cho thấy “đồng tiền” này ở thời điểm hiện tại “hot” đến cỡ nào.

Theo báo cáo của Chainalysis, một đơn vị phân tích blockchain hàng đầu,Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong khu vực châu Á về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số liệu ước tính của Chainalysis, các nhà đầu tư Việt đã kiếm được 0,4 tỷ USD trong năm 2020 nhờ đầu tư vào Bitcoin.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong khu vực châu Á về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa.

Thống kê của trang web chuyên về đo lường giao dịch tiền ảo coin.dance cho thấy, năm 2018, khối lượng giao dịch đồng Bitcoin theo tuần tại Việt Nam có lúc đã lên hơn 4.600 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, giao dịch đã giảm nhiều nhưng cũng lên tới hơn 2.000 tỷ đồng mỗi tuần. 

Những đồng tiền ảo có vốn hóa lớn nhất và được giao dịch nhiều nhất phải kể đến như Bitcoin, Ethereum, Binance Coin, Tether (USDT),... Ngoài ra còn có một số loại tiền điện tử nhỏ hơn thường được dân trong nghề gọi là “coin rác”.

Luôn nằm trong top các nước có mức độ phổ biến về tiền ảo cao cùng với lượng giao dịch vô cùng lớn, tuy nhiên, đầu tư tiền ảo là hình thức đầu tư chưa được cho phép tại Việt Nam.

Ngày 21/7/2017, Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo cũng đã khẳng định: “Tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.

Hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Các loại tiền kỹ thuật số có lợi thế là dễ trao đổi trên phạm vi quốc tế, nhưng cũng tồn tại có vô số rủi ro nghiêm trọng. Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Mặc dù chưa được pháp luật công nhận nhưng những giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo tại các hội nhóm kín vẫn diễn ra vô cùng “nhộn nhịp” mà chưa có một chế tài nào để quản lý, kiểm soát, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Theo ghi nhận của PV, các hội nhóm này hoạt động mạnh mẽ nhất trên Facebook, Zalo và Telegram lên tới cả trăm ngàn thành viên như: "Chợ đen Bitcoin Remitano USDT", "Cộng đồng Trade Coin Việt Nam", "Trade Coin - Kiếm tiền số",...

Tại các hội nhóm này, dễ dàng bắt gặp những lời mời chào đầy “mật ngọt”: "Nhận giao dịch USDT-BTC-ETH mọi số lượng, giá tốt nhất thị trường, giao dịch tiền mặt, chuyển khoản 24/7, cam kết giá cả cạnh tranh"; “ Mua bán mọi số lượng, giá rẻ. Nhận giao dịch trực tiếp tiền mặt tại Hà Nội".....

Loạt hội nhóm hoạt động "rầm rộ" trên mạng xã hội với hàng nghìn người tham gia.

Khi giao dịch, bên mua sẽ chuyển cho bên bán một đoạn mã code, chính là địa chỉ của ví điện tử. Người bán theo đó chỉ cần điền số tiền và địa chỉ ví điện tử này vào là sẽ chuyển được đồng USDT. Ngay sau đó, bên mua sẽ chuyển lại tiền VND qua tài khoản ngân hàng.

Những giao dịch như vậy vẫn diễn ra chớp nhoáng hàng ngày và không chịu bất cứ một sự kiểm soát nào.

Chưa có quy định pháp lý về mua bán, trao đổi tiền ảo

Vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ liên quan tới các loại tiền ảo cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo...).

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền,Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội), hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán, trao đổi tiền ảo.

Theo Luật sư Tiền, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hoá. Việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như mua bán, sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Trên thực tế, các hoạt động huy vốn bằng tiền ảo (ICO) hoặc các sàn giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn, huy động vốn đầu tư… bằng các đồng tiền ảo. Tuy nhiên, quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm hoặc các hoạt động hay chế tài liên quan đến tiền ảo hiện nay pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ, cùng với đó là việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động này cũng chưa có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động ICO mang tính chất lừa đảo, kinh doanh đa cấp.

Tuy nhiên, pháp luật cũng đã có những quy định về hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo. Cụ thể, theo khoản 6,7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp. Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng khẳng định các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong thời gian vừa qua, sự biến động không ngừng về giá trị các đồng tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin đã khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo thu về những khoản lợi nhuận lớn. Về phương diện pháp lý, các hoạt động này phải chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền ảo không được coi là tài sản trong Bộ luật Dân sự và không được coi là hàng hoá theo quy định của pháp luật thương mại, do đó, bản thân các đồng tiền ảo và các hoạt động kinh doanh tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan, điều này đã làm giảm thiểu một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, kinh tế số, và tiền ảo chính là một “sản phẩm” của nền kinh tế này. Luật sư Tiền cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự. Việc ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cũng như bắt kịp được xu thế chung của thế giới.

Xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động phát hành, sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo... Khi chúng ta đã công nhận tiền ảo là tài sản thì nó sẽ trở thành hàng hoá và sẽ trở thành đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia đều đánh thuế đối với tiền ảo như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Australia... Thực trạng về tiền ảo và kinh nghiệm của các nước cũng chỉ ra rằng, hoàn toàn có cơ sở để tính thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Để phù hợp với xu thế chung, pháp luật về thuế Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO