Quan hệ Nhật Mỹ. Ảnh minh họa Tech Wire Asia.
Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã trầm xuống . Trên thực tế, xung đột đã phát triển ở mức độ cao trong những năm qua, đến mức Mỹ đã tập hợp đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc và tổ chức lại chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu .
Tại thời điểm này, “Liên minh Chip 4”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang vật lộn để hình thành một mô hình hành động cụ thể kể từ khi ý tưởng này được hình thành lần đầu tiên vào năm 2022.
Tình trạng này sẽ thay đổi trong năm 2023, sau khi một quan chức cao cấp trong lĩnh vực thương mại của Nhật Bản gần đây công khai ý định của Tokyo, “tăng cường” phối hợp với Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc.
Nhật Bản quyết định tham gia Lệnh cấm chip của Mỹ với Trung Quốc
Trong chuyến thăm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura phát biểu: “chúng ta cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu”.
Ông Nishimura cho rằng, hành động này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt “để giải quyết việc lạm dụng những công nghệ quan trọng và mới nổi của các tác nhân độc hại và chuyển giao công nghệ không phù hợp.” Đề xuất Liên minh Chip bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vì những quốc gia này vượt trội trong một số phân khúc nhất định của ngành công nghiệp bán dẫn, sự kết hợp sức mạnh của mỗi bên tham gia sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng bán dẫn hoàn chỉnh từ thiết kế đến sản xuất.
Đối với Mỹ, bằng giải pháp tập hợp những nguồn lực lại, liên minh hình thành khuôn khổ thúc đẩy những đột phá về công nghệ và chống lại sự gián đoạn nguồn cung do xung đột thương mại hoặc căng thẳng địa chính trị. Ông Nishimura cũng cho biết, Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Washington để cùng phát triển các công nghệ lưỡng dụng, viện dẫn những thách thức quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh, hậu quả của tình trạng gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này vào tháng 8/2022.
Trang South China Morning Post trích phát biểu của ông Nishimura: “Chúng tôi sẽ thực hiện kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt dựa trên cơ sở sự hợp tác quốc tế đồng thời tham gia chặt chẽ vào các cuộc trao đổi quan điểm với Mỹ và những quốc gia có liên quan khác.” Phát biểu của ông đơn giản là đưa ra tín hiệu mới nhất cho thấy, Nhật Bản có khả năng tham gia nếu không muốn nói là tham gia hoàn toàn lệnh cấm chip của Mỹ đối với Trung Quốc trong cuộc chiến bán dẫn khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi chính quyền tổng thống Joe Biden thực hiện những cập nhật sâu rộng đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc tháng 10/2022, động thái này làm tê liệt khả năng của Bắc Kinh trong nỗ lực mua sắm công nghệ và thiết bị chip cao cấp của Mỹ. Động thái này, được coi là cứng rắn và hiệu quả nhất, cũng ngăn cản công dân Mỹ làm việc cho một số công ty. Nhưng các chuyên gia lập luận rằng, sự thành công của phương pháp kiểm soát xuất khẩu phụ thuộc một phần lớn vào lập trường thống nhất từ các đồng minh chủ chốt, bao gồm các nhà sản xuất công cụ chip tiên tiến Nhật Bản và Hà Lan.
Đầu tháng 12/2022, các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc cùng phối hợp với Mỹ thắt chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Nhưng không có báo cáo chính thức nào từ cả 2 quốc gia cho đến khi có tuyên bố chính thức của quan chức cao cấp về thương mại cấp cao của Nhật Bản.
Đối với Nhật Bản, ông Nishimura nói: “Chúng ta không được quá phụ thuộc những quốc gia khác, đặc biệt là chỉ một quốc gia cụ thể đối với hàng hóa và công nghệ không thể thiếu cho các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày của chúng ta.” Ông tin tưởng rằng cả Nhật Bản và Mỹ nên hợp lực để thúc đẩy sự đổi mới toàn cầu đối với linh kiện bán dẫn, công nghệ sinh học và những công nghệ mới nổi quan trọng khác. “Để làm được điều này, chúng ta phải đầu tư táo bạo ở quy mô chưa từng thấy trước đây.”
Một liên minh Mỹ-Nhật sẽ như thế nào?
Tháng 6 /2022, Mỹ và Nhật Bản đã khởi động một cuộc đối thoại kinh tế cấp cao nhằm đẩy lùi Trung Quốc và chống lại sự gián đoạn nguồn cung, có thể diễn ra trong tình huống căng thẳng địa chính trị trên eo biển Đài Loan. Hai đồng minh lâu năm đồng ý thành lập một trung tâm nghiên cứu chung mới về linh kiện bán dẫn thế hệ tiếp theo trong cuộc họp cấp bộ trưởng về kinh tế “hai cộng hai” ở Washington.
Tháng 12/2022, công ty IBM của Mỹ và nhà sản xuất chip Rapidus mới thành lập do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn đã thiết lập quan hệ đối tác, đặt mục tiêu chế tạo chip 2 nanomet, một động thái được coi là “biểu tượng của sự hợp tác bán dẫn Nhật-Mỹ”, ông Nishimura cho biết. Đồng thời, ông cho rằng cả Mỹ và Nhật Bản cần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt hợp tác song phương chặt chẽ trong những lĩnh vực khoa học tiên tiến như công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Trong một động thái mới, nội các Nhật Bản đã sửa đổi những văn bản chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 12, nâng cấp Trung Quốc thành “thách thức chiến lược chưa từng có”. Ông Nishimura cho biết các tài liệu mới được soạn thảo cho thấy Nhật Bản “hoàn toàn không thể chấp nhận cho những hành động đơn phương nhằm giữ nguyên tình trạng căng thẳng hiện nay bằng vũ lực” trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Cho đến thời điểm này, Nhật Bản đã quyết định tham gia ý đồ chiến lược của Washington nhằm ngăn chặn dòng chip và công nghệ tiên tiến đến Trung Quốc. Đối với Tokyo, hiệu quả và kết quả của Liên minh Chip hiện vẫn chưa rõ ràng. Một điều chắc chắn là khi Nhật Bản tuyên bố rõ, Tokyo chọn Mỹ thay vì Trung Quốc, sự lựa chọn này ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp bán dẫn hiện đang kinh doanh tại Trung Quốc của Nhật Bản và đẩy Trung Quốc đến những động thái mới, có thể khiến tình hình căng thẳng trên eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông tiếp tục gia tăng.
Theo Tech Wire Asia