Đưa tay bật đèn, điều khiển TV, lấy chìa khóa mở cửa… tất cả những việc đó sẽ trở thành quá khứ khi công nghệ trong bài viết này cho phép bạn thực hiện mọi việc bằng... suy nghĩ.
Điều khiển đồ vật trong nhà bằng suy nghĩ
Ngôi nhà thông minh điều khiển bằng suy nghĩ giống như phim viễn tưởng khoa học sắp được hiện thực hóa.
Công nghệ điều khiển đồ vật bằng suy nghĩ có tên là BCI, do Công ty Kỹ thuật Y khoa G.tec tại Áo nghiên cứu. Với phương pháp mới, các thiết bị điện tử kết nối với nhau chỉ thông qua sự suy nghĩ trong đầu óc của "chủ nhà". Đây cũng là cơ sở để thiết kế các ngôi nhà thông minh trong tương lai, giúp những người tàn tật chủ động trong cuộc sống của mình.
Theo đó, G.tec quy tụ nhóm chuyên gia từ các trường đại học và các viện nghiên cứu nhằm thiết kế một ngôi nhà thông minh, với tư cách là một bộ phận của dự án Presenccia do EU tài trợ, nhằm liên kết công nghệ BCI của các nước thành viên EU thành một mạng thống nhất.
Mục tiêu của G.tec là tạo ra một ngôi nhà với đầy đủ các chức năng đã được tạo ra trong thực tế ảo. "Ngôi nhà" này gồm nhà bếp, phòng tắm, các phòng ngủ… cũng như mọi tiện nghi khác như bất cứ một ngôi nhà bình thường nào.
Trình diễn việc điều khiển các thiết bị của ngôi nhà thông minh bằng ý nghĩ.
Các thiết bị ghi điện não đồ được dùng để kiểm tra hoạt động điện trong não của người sử dụng thông qua rất nhiều điện cực gắn trên chiếc mũ đội đầu. Sau một thời gian huấn luyện, hệ thống này đã nhận diện được những sơ đồ đặc trưng của hoạt động thần kinh hình thành khi họ nghĩ đến một điều gì và tiếp đó, hành động sẽ được thực hiện. Người ngoài có thể theo dõi thông qua hiện tượng này từ các tín hiệu nhấp nháy của ánh sáng hoặc sóng vô tuyến.
Thông qua áp dụng tín hiệu điện não vào xây dựng môi trường sống thông minh này, con người trong tương lai hoàn toàn có khả năng điều khiển các thiết bị điện, điện từ như tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt,... chỉ với những suy nghĩ trong đầu.
Thử nghiệm tắt bật đèn với công nghệ áp dụng tín hiệu điện não
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế một quy trình cố định mà qua đó có thể giúp người dùng bật tắt một chiếc bóng đèn đơn giản. Quy trình này được chia ra thành 2 trạng thái.
Ở trạng thái đầu tiên, nhóm nghiên cứu đưa người thử nghiệm vào trạng thái tịnh tâm - tức là não bộ không vướng vào bất cứ hoạt động suy nghĩ nào. Tiếp theo đó, người thử nghiệm sẽ suy nghĩ tập trung vào hành động bật tắt bóng đèn.
Nhóm nghiên cứu hướng tới xây dựng môi trường sống thông minh điều khiển mọi vật bằng suy nghĩ.
Độ chính xác của công nghệ BCI cũng được cải thiện khá nhiều. Nhóm nghiên cứu đã cho thấy 82% người tham gia có thể thực hiện được việc này với độ chính xác 100%.
Tổng giám đốc G.tec cho rằng công nghệ BCI sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng sang lĩnh vực y học để hỗ trợ cho người tàn tật và việc phục hồi chức năng cho những người bị đột quỵ.
Không chỉ bóng đèn, nhóm nghiên cứu hướng tới các thiết bị gia dụng khác như đèn, quạt, tivi.... để từ đó có thể xây dựng môi trường sống thông minh – nơi con con người có thể "nghĩ gì được nấy".
Công nghệ chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết các thiết bị điều khiển bằng suy nghĩ sẽ được trang bị trong ngôi nhà thông minh trong vòng 8 năm tới. Theo một báo cáo nghiên cứu về người tiêu dùng của công ty công nghệ Vodafone, ước tính rằng vào năm 2030, trung bình trong vòng 18 giây, mỗi người sẽ tương tác với một thiết bị thông minh.
Trước sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, dự đoán trong tương lai, ngôi nhà thông minh sẽ được trang bị các thiết bị để theo dõi sức khỏe. Trong đó, thiết bị này bao gồm gương thông minh có thể phát hiện những thay đổi bất thường trên cơ thể hay loa thông minh có thể nghe tiếng ho hoặc hắt hơi để tự động yêu cầu đơn thuốc.
Báo cáo ước tính, các thiết bị này có thể tiết kiệm cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu lên đến 44 tỷ USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, người dùng sẽ có thiết bị đeo tay có thể ghi điện não đồ, theo dõi thói quen hàng ngày. Từ đó, nó có thể phát hiện tín hiệu não và thực hiện các lệnh thông qua suy nghĩ mà người dùng không cần phải nói.
Việc áp dụng công nghệ sử dụng tín hiệu não của con người sẽ không chỉ dừng lại ở điều khiển máy móc và các thiết bị điện tử, theo dõi sức khỏe. Tham vọng hơn, nhóm nghiên cứu còn hướng đến việc khám phá những năng lực còn chưa được khai phá của não bộ con người bao gồm khả năng kết nối được "bộ não" trong cây cối, thực vật và thậm chí cả đại dương để theo dõi và chống lại biến đổi khí hậu.
Công nghệ hữu ích cho người tàn tật
Một trong các ứng dụng mà G.tec triển khai còn cho phép người bị liệt (hoặc bị cụt) cả tứ chi sử dụng được các chi giả một cách chủ động. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu là phát triển công nghệ điều khiển được các thiết bị như xe lăn dành cho những người bị hạn chế khả năng di chuyển.
Cánh tay giả được kết nối với dây thần kinh.
G.tec cũng triển khai cả một phương thức cho phép người ta đánh máy những ý nghĩ của mình thành những dòng chữ cụ thể. Người sử dụng ngồi trước một bàn phím các mẫu tự và con số, trên màn hình máy tính sẽ hiện lên những con chữ khi người đó chăm chú nhìn vào chữ mà mình định đánh. Hệ thống ghi hoạt động của não khi nhìn vào con chữ nào thì con chữ đó sẽ sáng lên.
Các phần cứng và phần mềm càng tốt thì khả năng đánh máy bằng ý nghĩ càng nhanh, thậm chí cả những người tê liệt gần như mất khả năng giao tiếp cũng làm được việc này.
*Nguồn: Dailymail, Newatlas
Xem thêm:
Tin liên quan
Giảm 1 nửa hóa đơn tiền điện máy sưởi, điều hòa nhờ 'màn chắn' tuyệt đỉnh này trước nhà