Người Việt chuộng đồ công nghệ mới, đắt tiền

25/03/2022, 09:37

Người Việt có xu hướng chọn mua thiết bị công nghệ hiện đại, với chi tiêu trung bình cho đồ điện tử thuộc top đầu các nước trong khu vực.

Ông Trần Khoa Văn, Giám đốc điều hành GfK Việt Nam, cho biết: "Năm 2021, chi tiêu trung bình cho hàng điện máy và công nghệ viễn thông ở Việt Nam là 122 USD (2,8 triệu đồng). Mức này ngang Thái Lan, cao hơn Indonesia và thấp hơn Singapore. Người Việt cũng nằm trong nhóm tiêu dùng có chọn lọc, thích đồ công nghệ mới, hiện đại".

Xu hướng này thể hiện rõ nhất trong thị trường điện lạnh. Thống kê năm 2021 của GfKcho thấy người Việt ưu tiên chọn thiết bị có tính năng cao cấp. Trong đó, nhu cầu mua sắm máy giặt có kết nối Wi-Fi tăng 260% so với năm trước đó. Các mẫu tủ lạnh cao cấp, kích thước lớn, có 3-4 cửa trở lên cũng tăng 44%.

Người Việt ưu tiên chọn mua những thiết bị công nghệ có tính năng cao cấp. Nguồn: GfK

Ở lĩnh vực điện thoại, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng smartphone bán ra thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt từ 15,7 triệu chiếc vào năm 2020 lên 16,8 triệu chiếc năm ngoái. Tỷ trọng smartphone với điện thoại cơ bản cũng lớn dần qua từng năm. Năm 2020, con số tương ứng là 71% và 29%. Đến 2021, tỷ trọng đã là 80% và 20%.

Năm 2017, người Việt sẵn sàng chi khoảng 257 USD (5,8 triệu đồng) cho một smartphone, nhưng hiện con số này tăng lên 292 USD (6,6 triệu đồng). Thống kê cho thấy trong năm 2021, 85% smartphone bán tại Việt Nam dùng vi xử lý 8 nhân, thay cho vi xử lý từ 6 nhân trở xuống. Bộ nhớ RAM trung bình 3-4 GB nhưng xu hướng sử dụng RAM 6-8 GB đang tăng nhanh.

"Người Việt thích nâng cấp smartphone có cầu hình cao hơn, hỗ trợ công nghệ mới như 5G và bộ nhớ lớn. Giá bán lẻ trung bình của smartphone có xu hướng tăng trong năm nay", đại diện GfK cho biết.

Trên thị trường TV, người Việt ưa thích model mới, hỗ trợ 4K. Năm 2021, TV 4K chiếm 73% so với các thiết bị có độ phân giải thấp hơn. Tỷ trọng này gần bằng Singapore (77%) nhưng cao hơn nhiều so với Thái Lan (43%), Indonesia (17%), Malaysia (53%). TV 50-60 inch phổ biến nhất, thay cho các mẫu dưới 50 inch. Nhu cầu sở hữu TV màn hình lớn của người Việt cũng nằm trong top đầu ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Theo thống kê của GfK, thị trường gia dụng thông minh của Việt Nam tăng trưởng từ 9% vào năm 2018 lên 18% năm 2021. Trong nhóm ngành hàng viễn thông, laptop gaming cấu hình cao và máy tính bảng màn hình lớn cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh.

Ngoài việc chuộng đồ cao cấp, sẵn sàng chi nhiều tiền cho đồ công nghệ, thói quen mua sắm của người Việt cũng khá đặc biệt so với thị trường chung. Dù đã quen với việc mua sắm trực tuyến nhưng các phân tích cho biết việc các kênh mua bán online tăng trưởng mạnh trong đại dịch chỉ là xu hướng nhất thời. "Thế giới đã chuyển sang thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến nhưng ở Việt Nam, mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn là xu hướng chủ đạo khi dịch bệnh đã qua đi", ông Văn nói.

GfK dự báo trong năm nay, ngành hàng điện máy tại Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng khoảng 9%, trong khi nhóm hàng công nghệ viễn thông tăng 8,2%. Người Việt tiếp tục ưu tiên những món đồ công nghệ cao cấp, tiện lợi và đa tính năng.

Khương Nha

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO