Người dùng Mobile Money mà mất điện thoại có bị mất tiền trong tài khoản?

02/12/2021, 10:58

Trả lời câu hỏi của một nông dân Mobile Money có an toàn không, nếu để mất điện thoại thì có bị mất tiền hay không, đại diện nhà mạng khẳng định, Mobile Money rất an toàn với người sử dụng.

Sử dụng Mobile Money có an toàn không?

Chia sẻ tại Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" được tổ chức ngày 1/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông triển khai dịch vụ Mobile Money (tiền di động). Mobile Money là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng (Ảnh: DV).

Tại hội thảo, một nông dân đã đặt câu hỏi liệu Mobile Money có an toàn cho người sử dụng, nếu để mất điện thoại thì có bị mất tiền hay không? Đại diện VNPT khẳng định: "Phương thức thanh toán Mobile Money an toàn" và cho rằng: "Các đơn vị cung cấp hệ thống Mobile Money đều có tài khoản trong ngân hàng thương mại để đảm bảo tiền điện tử trong tài khoản và các quyền lợi, tính pháp lý của khách hàng".

Theo vị này, để cung cấp dịch vụ triển khai thí điểm Mobile Money, doanh nghiệp phải trải qua quy trình thẩm định rất chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, giải pháp kỹ thuật của Mobile Money đều tuân thủ các quy định của Nhà nước của Bộ Công an. Tính an toàn bảo mật của Mobile Money cũng cao, với 2 lớp xác thực gồm mật khẩu, OTP gửi về điện thoại.

Còn theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, về dịch vụ thanh toán, liên quan đến tiền của bà con do đó, an toàn bảo mật lúc nào là hàng đầu. Mặc dù thời gian vừa qua đã có rất nhiều sự cố, hacker chiếm dụng khiến mọi người lo sợ, nhưng nguyên nhân không phải do nội tại của ứng dụng mà đến từ sự chủ quan của chính người dùng.

"Tôi cũng khuyến cáo người dùng, khi dùng bất kỳ một dịch vụ thanh toán số nào phải lưu ý: Thứ nhất, tất cả các dịch vụ thanh toán đều có bảo mật, như chúng tôi là bảo mật 2 lớp. Ngoài mật khẩu vào dịch vụ, bất kỳ một thanh toán nào đều xác thực gửi về chính điện thoại. Khi mà sử dụng dịch vụ không được cung cấp mật khẩu OTP cho bất kỳ ai tránh việc lộ thông tin.

Thứ hai, liên quan thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh thư nhân dân, hình ảnh cá nhân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ. Thứ ba, không đặt mật khẩu liên quan tới thông tin cá nhân của mình như ngày tháng năm sinh… dễ bị lợi dụng. Thứ tư, đối với giao dịch không xác định rõ nguồn gốc thì tốt nhất không giao dịch.

Cuối cùng, tài khoản chỉ riêng mình dùng, không cho dùng chung", ông Việt nhấn mạnh.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn vẫn gặp khó khăn

Cũng tại hội thảo, theo dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp, trong 9 tháng, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị. Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

Toàn cảnh hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" (Ảnh: DV).

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50 - 80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35 - 40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, TTKDTM được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, theo ông Nam còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn.

"Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến cho việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có giải pháp quyết liệt từ các bộ ngành có liên qua. Đó là, điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn", ông Nam nêu rõ.

Ngoài ra, những khó khăn về hạ tầng viễn thông, internet; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trước rủi ro an ninh mạng, các hành vi lừa đảo; gian lận; đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân… cũng tác động tới hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Do vậy, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.

Với vai trò của mình, Trung ương Hội nông dân Việt Nam sẽ triển khai tới hội nông dân các cấp, hàng chục triệu hội viên nông dân trên toàn quốc để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi hành vi thay đổi phương thức thanh toán ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng xa.

Nguyễn Hiền

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO