Kết quả cải cách hành chính đã làm thay đổi rõ rệt phương thức làm việc giữa cơ quan nhà nước với người dân, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Đây là kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 tại các Bộ, ngành và tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chiều 24/6.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2020, kết quả chỉ số cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước có nhiều điểm sáng. Đây là năm mà chỉ số cải cách hành chính đạt giá trị trung bình cao nhất sau 9 năm triển khai, đạt trên 87%, tăng hơn 12% so với năm 2012. Trong khi đó, sau 4 năm đánh giá, người dân, tổ chức trên cả nước ngày càng hài lòng hơn trong việc tiếp cận dịch vụ công, liên tục tăng từ gần 80% năm 2017 lên trên 85% năm 2020.
Biểu dương các bộ, ngành địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, trong đó có những đơn vị nhiều năm dẫn đầu như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 6 năm liên tiếp và tỉnh Quảng Ninh 4 năm liên tiếp, Phó Thủ tướng thường trực đánh giá cải cách hành chính đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, có biện pháp đột phá mới nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, hoàn thiện thể chế, cắt giảm, đơn giản hoá các quy định để tạo điều kiện cho kinh doanh phát triển, tiếp tục rà soát sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử.