Người dân mong chờ nhiều đổi thay của dịch vụ công trực tuyến

25/12/2023, 11:18

Dù dịch vụ công trực tuyến giúp các thủ tục trở nên nhanh gọn, tiện lợi, nhưng vẫn còn nhiều điều cần thay đổi để người dân hài lòng hơn.

Với việc sử dụng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước 24 giờ/ngày tại bất cứ địa điểm nào có kết nối mạng internet.

Người nộp hồ sơ được cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đầy đủ và chi tiết. Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể nộp khoản phí, lệ phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện nếu có nhu cầu.

Chị Nguyễn Ngọc Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi mới bắt đầu sử dụng dịch vụ, tôi còn bỡ ngỡ, chưa thuần thục trong việc nhập thông tin, đăng ký tài khoản.

Sau khi được hướng dẫn, thao tác khá đơn giản, chỉ cần biết xài điện thoại sẽ hiểu cách đăng ký cư trú trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Việc đăng ký cư trú trên điện thoại hoặc các thiết bị điện tử có kết nối Internet, giúp người dân không phải đến trụ sở Công an, sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian với việc chỉ cần sử dụng điện thoại smartphone hay các thiết bị điện tử có kết nối Internet là có thể đăng ký cư trú trực tuyến mọi lúc mọi nơi”.

Bà Hoàng Thị Minh Diễm được các bạn trẻ nhiệt tình hỗ trợ.

Bà Hoàng Thị Minh Diễm (phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, 8h sáng bà Diễm có mặt tại bộ phận “Một cửa” phường hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm thủ tục khai sinh cho cháu.

Điều khiến bà bất ngờ là được đoàn viên, thanh niên và cán bộ bộ phận “Một cửa” của phường nhiệt tình đón tiêp, hỗ trợ. Các bạn trẻ hỗ trợ bà khai thông tin, thực hiện các thủ tục khai sinh trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tôi nghĩ sẽ phải mất nhiều thời gian chờ đợi, làm các loại giấy tờ khác mới hoàn thành thủ tục khai sinh cho cháu. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình của các cháu thanh niên, tôi chỉ mất 5 phút để khai các thông tin. Điều tuyệt vời hơn là chỉ cần một lần khai trực tuyến, về nhà tôi có thể nhận được giấy khai sinh cũng như các giấy tờ khác của cháu”, bà Diễm chia sẻ.

Không chỉ được hỗ trợ về thủ tục hành chính, bà Diễm còn được các bạn trẻ hướng dẫn sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Bà Diễm cho biết, năm nay đã 70 tuổi và có 37 năm tuổi đảng. Trước kia, khi chưa cài đặt “Sổ tay đảng viên điện tử” bà thường phải đi hỏi về lịch họp. Giờ bà đỡ tốn công đi lại còn cập nhật được nhiều thông tin mới nên thấy rất vui.

Dù cổng dịch vụ công trực tuyến có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế khiến người dân lo lắng.

Anh Nguyễn Hoàng cho rằng, cổng dịch vụ công vẫn còn nhiều điểm phải thay đổi.

Anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, dù đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, nhưng các thủ tục vẫn khá phức tạp.

Anh Hoàng dẫn chứng, khi anh đi làm giấy khai sinh cho con, một cán bộ công chức tư pháp cấp xã đã phải thực hiện 3 bước cho một thủ tục làm giấy khai sinh cho con anh.

Lần thứ nhất công dân phải đến trực tiếp trụ sở Ủy ban nhân dân xã điền vào giấy và ký trực tiếp, xong đưa cho công chức tư pháp nhập dữ liệu vào hồ sơ điện tử.

Tiếp đến công chức tư pháp phải thêm một lần nữa là nhập vào sổ cái để lưu vĩnh viễn trong hồ sơ sổ giấy.

"Như vậy chỉ một thủ tục giấy khai sinh mà có tới 3 bước thực hiện, trong khi nếu số hóa thì thủ tục này sẽ vô cùng đơn giản”, anh Hoàng chia sẻ.

Cũng theo anh Hoàng, việc bắt buộc tất cả người dân phải đăng ký, chụp lại những giấy tờ mình đã khai qua giấy cấp tại phường; rồi lại phải dùng điện thoại đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến và làm rất nhiều các thao tác khác để nộp hồ sơ vô cùng phức tạp.

"Mặc dù được cán bộ phường hướng dẫn nhiệt tình, chụp hình tờ giấy vừa khai lưu lại giúp nhưng tôi thấy sao nó cứ rắc rối lòng vòng như thế nào ấy. Thay vì bình thường trước đây chúng tôi ra phường ngồi viết vào bản khai một chút rồi chờ cán bộ đi trình giấy ký và nhận giấy chứng nhận về thì nay lại ngồi mất cả buổi để làm thêm việc khai báo trên internet.

Đó là chưa kể mạng thì chập chờn, dịch vụ trên mạng cũng chưa tốt, vẫn lúc đúng lúc sai, phải gửi đi gửi lại, mãi đến trưa mới nộp được", anh Hoàng nói.

Bên cạnh đó, theo anh Hoàng, giao diện các cổng dịch vụ công vừa thiếu tính đồng bộ, vừa thiếu chuyên nghiệp về hình thức, gây khó khăn cho người dùng khi tiếp cận. Đầu tiên là sự thiếu đồng bộ về giao diện cổng dịch vụ công nói chung đối với các tính năng hỗ trợ người dùng, chức năng tìm kiếm nâng cao, tính năng cho phép người dân đánh giá sự hài lòng, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, và cách thức liên hệ.

"Trên trang cổng dịch vụ công trực tuyến còn có cả những tên gọi gây bối rối cho người dùng như “Dịch vụ khác”, “Khác”, “Hệ thống”, được viết tắt khó hiểu như “HDSD”, hoặc sử dụng cụm từ không thuần Việt", anh Hoàng nêu vấn đề.

Chính vì vậy, anh Hoàng mong muốn, việc áp dụng các thủ tục trực tuyến trong giai đoạn đang chuyển giao như hiện nay không nên bắt buộc thực hiện với tất cả các đối tượng.

"Nhà nước nên khuyến khích người có trình độ học vấn, có điều kiện, và sự hiểu biết về công nghệ sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên internet, còn với những người như người già, người không am hiểu công nghệ thì nên tiếp tục tạo điều kiện được làm theo cách truyền thống", anh Hoàng bày tỏ.

Anh Hoàng cũng kiến nghị, trong thời gian tới, hạ tầng số phải tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, chất lượng mạng băng rộng cố định, di động không ngừng được cải thiện.

Hệ thống cơ sở dữ liệu phải được xây dựng đồng bộ, liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân tốt nhất.

Các doanh nghiệp số phải chủ động, sáng tạo, xây dựng các sản phẩm số hữu ích, xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra; đi cùng với đó là làm tốt việc truyền thông, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Ngọc Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nêu thực trạng, khi nộp hồ sơ, chị thấy có hai vấn đề đang vướng. Thứ nhất, thông tin phải nhập bị lặp đi lặp lại nhiều lần vì vậy quá trình nhập thông tin có thể bị sai lệch. Thứ hai, phần yêu cầu nộp giấy tờ nhưng câu từ khó hiểu, dài dòng khiến chị không biết phải nộp giấy tờ gì.

Chính vì vậy, chị Hà mong muốn hệ thống kỹ thuật của cổng dịch vụ công trực tuyến sẽ đơn giản hoá hơn nữa, các thao tác, ngôn ngữ dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.

Bảo Anh

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO