Người dân 27 tỉnh, thành phố có quyền đăng ký hộ tịch trực tuyến

25/02/2022, 10:37

Đây là quy định tại Thông tư 01/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh: Người dân 27 tỉnh, thành phố có quyền đăng ký hộ tịch trực tuyến từ ngày 18/02/2022 - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bước đột phá về đăng ký hộ tịch

Sáng 24/2, trả lời Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết: Những quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BTP là bước đột phá về đăng ký hộ tịch trực tuyến của Bộ Tư pháp.

Cụ thể, Thông tư đã quy định đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai đăng ký tất cả các việc hộ tịch theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, thực hiện được đến đâu còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng của cơ quan đăng ký hộ tịch tại các địa phương và sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.

Thông tư yêu cầu các cơ quan Nhà nước có liên quan cần chủ động thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là liên thông thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký thường trú, đăng ký khai tử và xoá đăng ký thường trú. Làm được như vậy sẽ khắc phục được tình trạng sau khi đăng ký khai sinh lại phải đăng ký thường trú hoặc người chết (không được xoá thường trú) vẫn còn hộ khẩu để thân nhân lợi dụng hưởng chế độ, chính sách (của người đã chết), cũng như gây nhầm lẫn khi lập danh sách bầu cử và nhiều vấn đề khác.

Theo Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực, Thông tư cũng ban hành các biểu mẫu hộ tịch điện tử và quy định giá trị của biểu mẫu hộ tịch điện tử như bản giấy thông thường. Theo đó người dân có thể sử dụng khi đăng ký hộ tịch, nhằm đơn giản hoá TTHC. Tuy nhiên, các biểu mẫu hộ tịch điện tử chỉ có thể sử dụng sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp được nâng cấp, hoàn thiện vận hành thống nhất trên cả nước (dự kiến vào giữa năm 2023).

Cá nhân quản lý, sử dụng toàn bộ sự kiện hộ tịch trong suốt cuộc đời

Đồng thời, Thông tư quy định việc cấp Xác nhận hộ tịch, thông tin hộ tịch cho người dân. Theo đó người dân có thể yêu cầu xác nhận một hay nhiều sự kiện hộ tịch của một hoặc nhiều người, bảo đảm chính xác và độ tin cậy cao. Tiến tới hạn chế và loại bỏ bản sao chứng thực các giấy tờ hộ tịch như hiện nay. Việc xác nhận thông tin hộ tịch sẽ giúp cho cá nhân thiết lập được bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử duy nhất của mình một cách thống nhất. Cá nhân được quản lý và sử dụng toàn bộ sự kiện hộ tịch của mình trong suốt cuộc đời.

Đề cập đến việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, ông Nguyễn Công Khanh cho biết, về Cơ sở hộ tịch điện tử, hiện nay Bộ Tư pháp đã được bố trí Dự án đầu tư công (giai đoạn 2021-2025) nhằm nâng cấp toàn bộ hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, bảo đảm hoàn thành để triển khai đồng bộ trên cả nước từ giữa năm 2023. Các cơ sở dữ liệu khác của Bộ Tư pháp (như cơ sở dữ liệu quốc tịch, lý lịch tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính, nuôi con nuôi…) cũng sẽ được xây dựng, hoàn thiện đồng thời để kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về nhân lực làm công tác hộ tịch, đội ngũ công chức tại 63 tỉnh cơ bản đã bảo đảm trình độ chuyên môn, được bồi dưỡng nghiệp vụ và tới đây sẽ được tập huấn để triển khai hệ thống phần mềm sau khi được nâng cấp.

Tuy nhiên, theo Thông tư 01 thì mức độ thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến phụ thuộc vào khả năng và mức độ triển khai của các địa phương. Nơi nào đủ điều kiện thì triển khai ngay (mức độ 3, 4) với những việc hộ tịch được quy định; nơi nào chưa đủ điều kiện thì phải khẩn trương chuẩn bị để triển khai.

Theo đó, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh có trách nhiệm phối hợp cung cấp các dịch vụ công đăng ký hộ tịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, Hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tỉnh, đồng thời cần công bố danh sách các cơ quan chưa đủ điều kiện thực hiện trực tuyến cho người dân biết.

27/63 tỉnh, thành đã kết nối liên thông để đăng ký hộ tịch trực tuyến

Cục trưởng Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực cũng cho biết, hiện nay mới chỉ có 27/63 tỉnh đã kết nối liên thông giữa Cổng dịch vụ công cấp tỉnh hoặc Hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tỉnh với Phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Nên về nguyên tắc, chỉ 27 địa phương này mới có thể đăng ký hộ tịch trực tuyến theo quy định của Thông tư 01/TT-BTP.

Theo các quy định của Thông tư, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương.

Do vậy, ngay từ bây giờ một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân, không bắt buộc người dân phải thực hiện theo phương thức trực tuyến. Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm trong mọi trường hợp, nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch của người dân đầy đủ, đúng quy định pháp luật thì phải được tiếp nhận, giải quyết.

27 tỉnh, thành phố thực hiện kết nối liên thông, đăng ký hộ tịch trực tuyến:

TP. Cần Thơ, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TPHCM, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Hải Dương, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tiền Giang, Vĩnh Long. Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Lê Sơn

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO