Ngôi chùa "công nghệ" ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Thuý Hạnh | 01/09/2021, 16:34

Đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, chùa Long Tuyền, Bắc Kinh (Trung Quốc) nổi tiếng là ngôi chùa “công nghệ” kết nối nhiều người trẻ đến với đạo Phật và truyền bá Phật pháp một cách hiệu quả nhất.

Ứng dụng công nghệ gắn kết người trẻ với đời sống tôn giáo

Nằm trên đỉnh đồi ở phía Tây Bắc của Bắc Kinh, Trung Quốc, chùa Long Tuyền là điểm đến của nhiều Phật tử tìm kiếm sự giác ngộ trong nhiều thế kỷ qua. Ngôi chùa này được xây dựng vào triều đại Liêu, năm 957 sau Công nguyên và đã trải qua nhiều thay đổi lớn kể từ khi ra đời. 

Trước sự phát triển kinh tế nhanh chóng và tiến bộ công nghệ ở Trung Quốc, chùa Long Tuyền đã chủ trương áp dụng công nghệ thông tin và các phương tiện kỹ thuật số nhằm quảng bá hình ảnh của ngôi đại hùng tam bảo, truyền đạt giáo lý và thu hút người trẻ hiểu biết công nghệ ở Trung Quốc đến với đạo Phật.

Chùa Long Tuyền đã có mối liên hệ với rất nhiều trường đại học hàng đầu của Bắc Kinh và các trung tâm khoa học công nghệ lớn của thành phố. Điều này đã góp phầp khiến cho nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc với giới trẻ công nghệ Trung Quốc. Họ tìm đến Long Tuyền, cũng không chỉ vì ngôi chùa có vị trí thuận tiện ở trung tâm Thủ đô của Trung Quốc, mà còn vì họ được chia sẻ, cập nhật các xu hướng mới của công nghệ, gắn với cuộc sống hiện đại và mang hơi thở của đạo Phật.

Khi phải đối diện với những áp lực của công việc, cuộc sống, họ tìm đến chùa Long Tuyền để được thư giãn tinh thần và tiếp thêm năng lượng cho những quyết định của mình. Và ngày càng nhiều doanh nhân trẻ tìm đến chùa Long Tuyền để hy vọng sẽ có thêm sự sáng tạo. Một trong số họ là những người đang làm việc cho những công ty công nghệ hàng đầu như: JD.com- một công ty thương mại điện tử khổng lồ và Xiaomi - một công ty điện thoại thông minh.

Bên cạnh đó, cũng có một số người đến đây không phải là quan tâm hay tin về Phật pháp. "Nhưng họ chắc chắn có sự kết nối nhất định cùng với sự tiếp nhận văn hóa đằng sau Phật giáo." Rax Xie, một nhà sáng lập phần mềm cho biết.

Vào các sáng Chủ nhật, ông Sun, một doanh nhân công nghệ, thường đến chùa Long Tuyền. Ông mặc áo tràng và bắt đầu tụng kinh. Từng một thời hoài nghi về tôn giáo, nhưng sau khi đến đây, ông Sun đã thức tỉnh về tâm linh và thuyết phục vợ ông cùng theo con đường giác ngộ với mình.

Ông Sun từng là một người nóng tính, thường quát nạt những người trong gia đình và đồng nghiệp. Trong khi mẹ ông là Phật tử, ông cũng chỉ xem tôn giáo "như là một câu chuyện." Sau khi ông Sun tham gia một khóa tu 3 ngày tại chùa Long Tuyền dành cho những doanh nhân công nghệ, được yêu cầu phải tắt điện thoại và dùng thời gian để thiền, nghe pháp thoại và làm việc trong vườn, giờ đây, ông cảm nhận rằng tâm của mình tĩnh tại hơn.

Ông Sun và vợ hiện nay thường tham dự các hoạt động ở chùa Long Tuyền vào mỗi tuần. Ông tham gia điều hành website của chùa Long Tuyền và giúp chùa tổ chức các cuộc hội thảo về lập trình. Ông xem chùa như là "nơi không có các cuộc xung đột vi tế" giữa xã hội nhiều áp lực. 



Sư phụ Xuecheng (giữa), Sư phụ Xianqi (phải) và Sư phụ Xianjian (trái) tại chùa Long Tuyền. Nguồn: chinascenic.com   

Những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin của một sơ sở tôn giáo

Chùa Long Tuyền được xem là ngôi chùa đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu tại Trung Quốc, là nơi tập hợp của các nhà sư có trình độ học vấn rất cao. Nhiều nhà sư của ngôi chùa này vốn là nhà vật lý hạt nhân, thần đồng toán học và lập trình viên máy tính. Họ đã mạnh dạn và chủ trương số hoá các hoạt động tại chùa một cách mạnh mẽ nhất.

Để quảng bá hình ảnh và truyền đạt giáo lý, mở rộng quy mô hoạt động và kết nối các giá trị Phật pháp không biên giới của mình, đội ngũ nhà sư ở chùa đã sản xuất các hình ảnh và tư liệu truyền thông xuất sắc. Đó là hàng loạt hình ảnh phổ biến về phim hoạt hình dựa trên những ý tưởng của Phật giáo như: khổ đau và tái sinh (Tâm trạng xấu có thể phá hủy sự may mắn của một người). Sau đó, nhà chùa sẽ cho in ấn và tạo ra phiên bản flash của phim hoạt hình từ các nội dung này.

Các nội dung và hình ảnh gần gũi, đáp ứng được những nhu cầu tinh thần của con người hiện đại lại mang hơi hướng và triết lý nhiệm màu của Phật pháp đã được các nhà sư cho xuất bản trên các nền tảng công nghệ trực tuyến khác nhau như:  Website, Wechat, Blog…

Trang web Longquan của chùa Long Tuyền được quản lý và xây dựng nội dung rất tích cực. Trang web hiện vận hành với 5 ngôn ngữ, bao gồm: tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Nga. Trụ trì chùa Long Tuyền, người cũng là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Sư phụ Xuecheng duy trì blog của mình bằng tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp và 10 ngôn ngữ khác, nhằm thảo luận về Phật pháp và hướng tới những tín đồ trẻ, hiểu biết về công nghệ trên thế giới.

Chùa Long Tuyền thậm chí còn đi xa hơn trong việc phát triển phần mềm liên quan đến giáo lý của đạo Phật, hy vọng sẽ truyền bá Phật pháp nhiều hơn nữa cho các tín đồ trên toàn cầu.

Nhiều hoạt động hàng ngày tại chùa Long Tuyền cũng được số hóa. Sư phụ Xianxing là một bậc thầy về công nghệ nên đã quản lý mọi công việc nhà chùa bằng phần mềm do ông phát triển. Ví dụ như: số hóa tất cả kinh sách,  tài liệu và các loại sách bằng một hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ. Vì vậy, mỗi khi thiền định, các nhà sư sẽ sử dụng máy tính bảng điện tử thay vì sách cầu nguyện thông thường. Việc kiểm soát người ra vào của chùa Long Tuyền cũng đã sử dụng hệ thống nhận dạng dấu vân tay từ lâu.

Đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng trong việc chế tạo ra một nhà sư robot tên là Xian'er. Xian'er có thể trò chuyện với những người đi chùa bằng tiếng Trung và những câu tiếng Anh đơn giản. Xian'er, còn có thể đọc thuộc lòng sách kinh Phật. Mục đích của nhà sư robot là tiếp cận và tương tác với mọi người thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính bảng về các vấn đề Phật pháp.

Hòa thượng Xianfan, người tạo ra Xian'er, cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để giúp truyền bá giáo lý của Đức Phật ở Trung Quốc. Ông nói: “Khoa học và Phật giáo không đối lập, cũng không mâu thuẫn và có thể kết hợp, tương thích với nhau. Phật giáo là một cái gì đó rất coi trọng nội tâm và chú ý đến thế giới tâm linh của cá nhân. . . Tôi nghĩ nó có thể thỏa mãn nhu cầu của nhiều người ”. (The Guardian )

Sư phụ Xuecheng nói rằng, các Phật tử Trung Quốc nên học cách chấp nhận sự thay đổi và nghĩa vụ xã hội trong việc chấn hưng Phật giáo bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. “Các Phật tử không chỉ tìm kiếm sự giác ngộ thông qua học tập, thiền định và tu luyện hàng ngày để đạt được năng lượng tích cực từ giáo lý Phật giáo. Họ cũng nên đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng cách chuyển đổi lợi ích, lòng tốt, lòng từ bi và trí huệ của chính họ cho nhiều người khác thông qua Internet và các phương tiện truyền thông mới." - Vị sư đam mê truyền thông kỹ thuật số này nói thêm.

Phòng thiền - Nguồn: chinascenic.com

Trước những hoạt động sáng tạo tại chùa Long Tuyền, một số người lo lắng vì cách tiếp cận công nghệ này liệu có làm xáo trộn giáo lý Phật giáo. Một số khác lại cho rằng những đổi mới công nghệ này có thể chỉ phục vụ mục đích quảng bá cho ngôi chùa và lôi cuốn một lượng lớn người đến chùa nhằm mục đích quyên góp. Cũng có quan điểm là nhiều người đến với ngôi chùa này không phải vì mục đích tìm hiểu Phật pháp mà là vì họ sẽ được gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng trong cộng đồng doanh nhân công nghệ. 

Tuy nhiên, Sư phụ Xuecheng tin rằng trong một thế giới được điều khiển bằng máy tính, mọi người không cần thiết phải đến trực tiếp tại chùa để tham dự các buổi thuyết giảng hàng ngày. Công nghệ và số hóa trở thành chìa khóa của việc truyền bá Phật pháp, bất chấp giới hạn không gian.

Các nhà sư ăn trưa với thực phẩm từ trang trại hữu cơ - Nguồn: chinascenic.com

Rõ ràng, chùa Long Tuyền đã mang lại những bài học hữu ích trong việc tiên phong số hoá hoạt động tín ngưỡng Phật giáo. Quan điểm và hoạt động tích cực tại cơ sở Phật giáo này trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích về truyền bá Phật pháp, kết nối mọi người và lan toả các giá trị tích cực.

Hiện nay, các cơ sở tôn giáo ở Việt Nam đều có website riêng hoặc Facebook như một kênh thông tin trực tuyến chính thức. Các chùa lớn như chùa Bái Đính, chùa Ba Vàng, chùa Yên Tử đã có sự  đầu tư công phu về các kênh trực tuyến như: website, fanpage, youtube... Nhiều trang đã có pháp thoại trực tuyến, tư vấn trực tuyến, thông báo các khóa tu học và vô số kinh, sách tôn giáo của nhiều tác giả trong và ngoài nước, ngôn ngữ đa dạng, bản dịch phong phú dưới nhiều định dạng khác nhau, rất thuận tiện cho người đọc sử dụng.

Hoạt động số hoá ở các ngôi chùa ở Việt Nam cũng bước đầu có sự phát triển. Ngôi chùa Vạn Phật (quận 5, TP. HCM) đã sử dụng máy xin xăm tự động bằng một thao tác bỏ tiền xu vào máy và 15 giây sau có 1 thẻ xăm với lời giải đầy đủ. Cứ mỗi dịp đầu xuân, nhiều người đã đến đây để cầu bình an và xin một quẻ xăm để đoán vận số của bản thân trong năm mới. 

Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo đã bắt kịp xu hướng của thời đại, mang lại cảm giác hiện đại, tiện ích và gần gũi cho tín đồ. Không chỉ có vậy, việc ứng dụng công nghệ ở cơ sở tôn giáo còn góp phần lan toả lối sống tốt đời đẹp đạo, mang màu sắc giáo dục sâu sắc của triết lý đạo Phật. 

Việc sử dụng công nghệ trong tôn giáo cũng là nỗ lực để tương thích với con người hôm nay - vốn đã thân thiết quá mức với điện thoại thông minh, máy tính bảng và vô số vật chất kỹ thuật khác.

Nổi bật Sống xanh
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO